Gương điển hình về làm kinh tế và tinh thần tương thân tương ái

Bích Liên |

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Hướng Hóa xuất hiện nhiều tấm gương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, trong đó có chị Hồ Thị Ngọc Thuận ở khóm Vĩnh Đông, thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị). Bằng sự sáng tạo, nhạy bén, chị Thuận không chỉ thành công với mô hình kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ẩm thực mà còn luôn sẵn sàng tạo điều kiện giúp nhiều phụ nữ khác vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Xuất thân trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những năm đầu khi mới lập gia đình, cuộc sống gia đình chị Thuận hết sức vất vả. Tài sản của gia đình chẳng có gì ngoài miếng đất cùng ngôi nhà nhỏ do chính hai vợ chồng anh chị dành dụm, tích cóp mua được. Để trang trải cuộc sống, vợ chồng chị Thuận đã phải xoay xở rất nhiều nghề nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Không cam chịu cảnh khó khăn, chị Thuận quyết định mở quán ăn để cải thiện cuộc sống. Nhờ học hỏi bài bản cùng quyết tâm theo đuổi công việc đã chọn, sau một thời gian tích cóp, chị Thuận đã mở được hệ thống dịch vụ nhà hàng, ẩm thực, nấu ăn phục vụ lễ tiệc.

Chị Hồ Thị Ngọc Thuận (bên phải) trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi với hội viên phụ nữ thị trấn - Ảnh: Bích Liên ​
Chị Hồ Thị Ngọc Thuận (bên phải) trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi với hội viên phụ nữ thị trấn - Ảnh: Bích Liên ​

Nhờ làm ăn uy tín, tay nghề cao nên hầu như ngày nào cũng có khách đặt bàn. Kinh tế gia đình chị từ chỗ khó khăn nay đã vươn lên khá giả. Ngoài mạnh dạn tìm nhiều hướng đi trong làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, chị Thuận luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ những hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn để họ vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Riêng hệ thống nhà hàng phục vụ lễ, tiệc cưới hỏi của gia đình chị mỗi ngày tạo việc làm cho 5 - 6 chị em phụ nữ trong xóm với mức thu nhập từ 300 - 400 nghìn đồng/ người/ngày; có những ngày cao điểm, nhà hàng của chị Thuận tạo việc làm cho 15 - 20 chị.

Bên cạnh đó, với vai trò là tổ trưởng tổ phụ nữ, chị Thuận thường xuyên nắm bắt hoàn cảnh của những hội viên có hoàn cảnh khó khăn để có những đề xuất, hỗ trợ kịp thời giúp họ tiếp cận với những chính sách hỗ trợ, nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế. Cách đây 5 năm, chị Trần Thị Thanh đầu tư mở trang trại chăn nuôi tại khu đồi rộng thuộc khóm Vĩnh Đông. Tuy nhiên, quá trình mở trang trại của chị Thanh gặp không ít trắc trở do đồng vốn ít ỏi, thiếu kinh nghiệm và kiến thức nên chưa phát huy hiệu quả. Trong lúc muốn bỏ cuộc, chị Thanh đã nhận được sự động viên, hỗ trợ kịp thời từ chị Thuận và các cán bộ phụ nữ tại địa phương. Nhờ đó chị đã vượt qua những khó khăn ban đầu, sớm ổn định và phát triển mô hình kinh tế trang trại, vươn lên làm giàu. Hiện nay, khu trang trại gần 6 ha của gia đình chị Thanh đã được phủ xanh bởi cây ăn quả, xà cừ cùng đàn gà, vịt hàng trăm con. Chị Thanh chia sẻ: “Mới đầu lập nghiệp với mô hình trang trại, chồng đi làm ăn xa, mình tôi là phụ nữ phải làm đủ mọi việc nên rất khó khăn. Có lúc tôi muốn bỏ cuộc nhưng nhờ có chị Thuận thường xuyên động viên, khích lệ nên tôi cũng thấy vững tin hơn. Không chỉ động viên, khích lệ, chị Thuận cũng đề xuất để tôi được vay vốn không lãi suất thông qua tổ tiết kiệm. Bây giờ trang trại đã ổn định, kinh tế gia đình cũng không còn khó khăn nữa, tôi sẽ cố gắng đầu tư nâng cao hiệu quả kinh tế của trang trại để có thể giúp đỡ những chị em khác, góp phần lan tỏa tinh thần tương thân tương ái trong chị em phụ nữ ở địa phương”.

Cách đây hơn 1 năm, ông Lê Văn Hưởng, quê ở Hải Lăng lên lập nghiệp ở khóm Vĩnh Đông với mô hình trồng cây ăn quả, cây nông nghiệp trên thửa đất gần 3 ha. Vợ con đau ốm, tuổi đã cao, một mình ông hằng ngày phải xoay xở đủ mọi công việc để cải tạo vườn, trồng cây. Biết được điều đó, chị Thuận đã đứng ra kêu gọi hội viên phụ nữ giúp đỡ gia đình ông Hưởng những lúc khó khăn, thường xuyên qua lại động viên, thăm hỏi, đồng thời hỗ trợ tìm nguồn giống cây trồng phù hợp để ông Hưởng phát triển kinh tế. Ông Hưởng chia sẻ: “Cuộc sống khó khăn nên tôi tuổi đã cao cũng phải cố gắng để gây dựng vườn cây phát triển kinh tế. Lên đây khó khăn đủ đường nhưng nhờ cô Thuận cùng mọi người hỗ trợ nên tôi cũng đỡ vất vả phần nào”.

Nói về chị Hồ Thị Ngọc Thuận, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Lao Bảo Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết: Trong số những hội viên phụ nữ của thị trấn Lao Bảo, chị Thuận là một trong những cá nhân điển hình trong phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, là một cán bộ phụ nữ, chị luôn năng nổ, xông xáo, nhiệt tình, thường xuyên quan tâm giúp đỡ hội viên cũng như người dân trong vùng. Đối với những chị em khó khăn, chị Thuận thường xuyên hỗ trợ bằng cách quyên góp con giống vật nuôi, tạo điều kiện về việc làm giúp các chị cải thiện đời sống”.

Vừa làm kinh tế giỏi, vừa nhiệt tình giúp đỡ những người xung quanh, có thể nói, chị Hồ Thị Ngọc Thuận là tấm gương điển hình về sự cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất và tinh thần tương thân tương ái trong hội viên phụ nữ. Những thành quả đạt được của chị xứng đáng là hình mẫu để chị em phụ nữ học tập, làm theo.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Thu tiền tỉ từ liên kết chăn nuôi gà

Anh Vũ |

Thời gian gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Cam Lộ  (Quảng Trị) đã mạnh dạn liên kết với các doanh nghiệp để phát triển mô hình chăn nuôi với quy mô lớn, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong số đó có gia đình vợ chồng anh Đào Văn Long - chị Trần Thị Lan, ở thôn Cam Phú, xã Cam Thành đã liên kết với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam mở trang trại chăn nuôi gà đem lại thu nhập cao.

Bộ Quốc phòng Lào thành lập liên doanh chăn nuôi xuất khẩu quy mô lớn

Tổng hợp |

Một dự án chăn nuôi quy mô lớn vừa được lên kế hoạch, nhằm xuất khẩu gia súc và các sản phẩm gia súc chế biến sang Trung Quốc, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu thịt bò tại thị trường Lào.

Giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững ở Đakrông

An Phong |

Để chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, những năm gần đây huyện Đakrông đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng; từng bước cơ cấu lại vùng chăn nuôi và thay đổi hình thức nuôi từ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại; ứng dụng công nghệ mới nhằm hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí để hạ giá thành sản phẩm, tăng chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…

Mô hình chăn nuôi gà sao cho hiệu quả cao

Võ Thái Hòa |

Trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị chú trọng phát triển các loại cây, con cho giá trị kinh tế cao.