Những năm qua, cùng với việc nâng cao chất lượng các mặt công tác giáo dục, các trường học và tổ chức cơ sở đào tạo giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Trị luôn chú trọng xây dựng mô hình an ninh học đường.
Qua đó đã góp phần xây dựng môi trường học đường an ninh, an toàn, phòng ngừa có hiệu quả tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến học sinh.
Tháng 3/2020, mô hình “3 không và cổng trường an toàn giao thông” được triển khai xây dựng tại Trường THCS Hướng Hiệp, huyện Đakrông. Thông qua mô hình đã tuyên truyền cho người dân thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn giao thông, trong đó chú trọng đến nội dung 3 không (không điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu bia, ma túy và các chất kích thích khác; không điều khiển phương tiện xe máy tham gia giao thông khi không đội mũ bảo hiểm; không giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông) và đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các cổng trường học trên địa bàn xã.
Mô hình đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong ý thức tham gia giao thông của phụ huynh và các em học sinh, cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, học sinh và quần chúng nhân dân, góp phần trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn xã Hướng Hiệp. Đây là một trong những mô hình mới trong xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong trường học được triển khai xây dựng và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.Nhận thức được vị trí, vai trò, tác dụng to lớn của phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đối với công tác giáo dục, hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục, trường học trên địa bàn xây dựng và duy trì hiệu quả các mô hình “Trường học an toàn về an ninh trật tự”.
Đặc biệt, xem việc xây dựng các mô hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong học đường vừa là mục tiêu, nhiệm vụ, vừa là giải pháp để xây dựng “môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, dân chủ, kỷ cương”, đảm bảo các hoạt động về dạy và học; đồng thời củng cố mối quan hệ giữa nhà trường, các ban ngành, đoàn thể và lực lượng công an, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, đơn vị.
Các mô hình “Trường học an toàn về an ninh trật tự” được xây dựng và củng cố theo thời gian nhằm đảm bảo mang lại hiệu quả thiết thực. Hằng năm, ban điều hành mô hình đã tổ chức ký giao ước thi đua trong thực hiện các nội quy, quy chế của mô hình gắn với việc xây dựng nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự” và phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”.
Trong đó, chú trọng tăng cường phối hợp giữa nhà trường, chính quyền địa phương và hội phụ huynh học sinh trong công tác bảo đảm an ninh trật tự trường học và quản lý, giáo dục học sinh, không để xảy ra vi phạm pháp luật, bạo lực học đường, không có cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học sinh phạm tội hoặc mắc tệ nạn xã hội…
Để mô hình hoạt động hiệu quả, lực lượng Công an các xã, phường, thị trấn thường xuyên trao đổi, nắm bắt tình hình về công tác quản lý học sinh và đảm bảo an ninh, an toàn trong trường học. Đồng thời, thông tin các nội dung có liên quan đến tình hình an ninh trật tự; phương thức hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Từ đó phối hợp đề ra các biện pháp ngăn ngừa, đẩy lùi các loại tội phạm, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xâm nhập vào trường học.Hỗ trợ sinh viên Lào trong mùa dịch
Giáo viên mầm non nghỉ dịch được nhận gói hỗ trợ nào?
Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và đa dạng hóa các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật, phòng chống tội phạm trong học đường, các trường THPT trên địa bàn đã phối hợp với lực lượng chức năng xây dựng các hình thức sân khấu hóa điển hình như mô hình “Phiên tòa giả định” xét xử tội phạm ma túy, hình sự.... Thông qua “Phiên tòa giả định”, những kiến thức pháp luật được lồng ghép vào các tiểu phẩm, một cách sinh động, dễ hiểu, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các em học sinh.
Trong công tác tuyên truyền luật an toàn giao thông, nhiều trường học trên địa bàn đã chú trọng xây dựng các mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” với nội dung và hình thức phong phú, mang tính thực tiễn cao. Thực hiện mô hình, ban giám hiệu các nhà trường đã chủ động phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, đoàn thanh niên... đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong học sinh, phụ huynh chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về an toàn giao thông. Từ việc xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, ý thức của phụ huynh và học sinh đã có những chuyển biến rõ rệt, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ ngày càng được nâng lên.
Thực tiễn cho thấy, việc xây dựng và phát huy hiệu quả các mô hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong học đường đã củng cố mối quan hệ giữa các trường học với lực lượng công an, các ban, ngành, đoàn thể trong việc xây dựng trường học an toàn về an ninh trật tự. Từ đó góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phòng ngừa vi phạm pháp luật trong học sinh và đảm bảo an ninh trật tự địa bàn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)