Hỗ trợ sinh viên Lào trong mùa dịch

Trúc Phương |

Do ảnh hưởng của COVID - 19, gần 2 năm qua, các bạn sinh viên Lào đang học tập tại Quảng Trị không thể về nước để đoàn tụ với gia đình. Trước tình hình đó, các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh đã tích cực vận động mọi nguồn lực để động viên, hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần nhằm giúp các em vượt qua khó khăn trong mùa dịch.

Gần 2 năm nay, cô bạn sinh viên Khamkee Saythammavong (sinh năm 1999) hiện đang học lớp cao đẳng Điều dưỡng K5, Trường Cao đẳng Y tế (CĐYT) Quảng Trị vẫn chưa có điều kiện về thăm nhà do ảnh hưởng của COVID - 19. Em cho biết không chỉ ở Việt Nam mà tại tỉnh Salavan (Lào) - quê nhà của emtình hình dịch bệnh rất phức tạp. Thế nên dù rất nhớ nhà nhưng để đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch, em cùng nhiều bạn sinh viên Lào khác buộc phải ở lại trường học.

Hỗ trợ lương thực, thực phẩm trong mùa dịch cho sinh viên Lào - Ảnh: T.P
Hỗ trợ lương thực, thực phẩm trong mùa dịch cho sinh viên Lào - Ảnh: T.P
“Tỉnh Quảng Trị cách nhà em không xa, chỉ mất vài giờ đồng hồ di chuyển nên trước đây, cứ cách vài tháng em lại về nhà một lần. Và những lần như thế, bố mẹ lại chuẩn bị cho em nhiều gạo, nếp, rau củ cùng tiền mặt đủ để em ăn uống, sinh hoạt tại trường trong thời gian đó. Nhưng bây giờ em chỉ có thể gặp bố mẹ qua màn hình điện thoại mà thôi. Thời gian đầu ở lại trường, em và các bạn cùng phòng rất buồn, cũng lo lắng cho gia đình nữa. Bởi em biết bố mẹ mình sẽ thêm phần vất vả vì phải lo trang trải thêm sinh hoạt phí cho em khi ở lại bên này. Tuy nhiên, cả em và tất cả các bạn sinh viên Lào đang học tại trường đều hiểu việc mình ở lại là điều cần thiết vào thời điểm hiện tại”, Khamkee chia sẻ.

Cũng giống như Khamkee, cô sinh viên Suaykham Vongxaolor (sinh năm 1998), hiện đang học tại lớp cao đẳng Dược K5, Trường CĐYT Quảng Trị đã rất lâu không về thăm nhà. Em tâm sự nhiều đêm nằm nhớ bố mẹ da diết, em chỉ biết khóc một mình. Vì phải ở lại trường trong thời gian dài nên cuộc sống của Suaykham gặp khá nhiều khó khăn. Khoản tiền trợ cấp mà bố mẹ gửi cho cũng đã sử dụng gần hết, dù em rất tiết kiệm trong chi tiêu.

Suaykham kể, phòng em có 6 người. Thay vì một mình đi chợ như trước kia, các bạn sẽ góp một khoản tiền chung để đi chợ cách đó khoảng 1,5 km mua đồ dùng, thực phẩm. Làm vậy sẽ giúp cho mọi người đỡ đi một khoản chi phí đáng kể. “Không được về nhà nên em phải tự đi chợ mua thực phẩm. Nhưng thú thật là trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, chúng em cũng phải hạn chế tối đa việc đi đến các nơi đông người như chợ, siêu thị... Bởi nếu không may bị lây nhiễm thì sẽ rất vất vả cho bản thân và các thầy cô giáo. Ở đây không có người thân, mọi sự giúp đỡ đều chỉ nhờ vào thầy cô và bạn bè thôi”, Suaykham cho hay.

Được biết, những nỗi niềm đó không chỉ của riêng Khamkee, Suaykham mà còn của gần 200 sinh viên Lào đang lưu trú tại tỉnh Quảng Trị trong mùa dịch. Nắm bắt được sự khó khăn cũng như tâm tư của các em, kể từ đầu năm 2020, khi COVID - 19 bắt đầu bùng phát, các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh đã tích cực giúp đỡ, hỗ trợ về mặt vật chất và tinh thần để các bạn sinh viên Lào có được môi trường học tập và sinh hoạt tốt nhất.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đoàn Trường CĐYT Quảng Trị Trần Hữu Hạnh cho biết, hiện toàn trường có khoảng 165 sinh viên Lào đang bị “mắc kẹt” lại do ảnh hưởng của COVID - 19. Thời gian qua, không chỉ quan tâm, chia sẻ khi các em gặp áp lực, khó khăn trong cuộc sống và tăng cường tuyên truyền các thông tin liên quan đến phòng, chống COVID - 19 mà nhà trường cũng đã tích cực kêu gọi các cán bộ, giảng viên cùng huy động mọi nguồn lực xã hội để hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và vật tư y tế cần thiết cho các em.

Ngoài số lượng lớn gạo, nếp, mì tôm, trứng, nước, khẩu trang được hỗ trợ... đến nay, Trường CĐYT Quảng Trị đã vận động được khoảng 95 triệu đồng từ các đơn vị, cá nhân hảo tâm để giúp các bạn sinh viên Lào đang lưu trú tại trường vượt qua khó khăn trong mùa dịch. Gần đây nhất, trường cũng đã tổ chức cho các bạn sinh viên Lào tiêm 2 mũi vắc xin miễn phí. “Thấu hiểu được tâm lý của sinh viên khi phải học tập và sinh sống xa quê, nhà trường đã ân cần động viên, chia sẻ để giúp các em vơi đi nỗi nhớ nhà. Cùng với đó, đội ngũ giảng viên của nhà trường luôn nỗ lực đồng hành, giúp các em vượt qua khó khăn trong mùa dịch. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa nhằm hỗ trợ thêm cho các em”, thầy Hạnh bộc bạch.

Suaykham Vongxaolor vui vẻ chia sẻ với chúng tôi: “Dù phải xa nhà nhưng ở đây, chúng em luôn được thầy cô và bạn bè quan tâm giúp đỡ; được các cá nhân, tổ chức hảo tâm thường xuyên hỗ trợ nên chẳng ai thiếu thốn gì. Thầy cô cũng đã động viên chúng em, tuyên truyền, tạo điều kiện tốt nhất để em và các bạn có một cuộc sống an toàn, không bị nhiễm dịch bệnh”.

Còn với Khamkee, cô sinh viên Lào của lớp cao đẳng Điều dưỡng K5, thầy cô như là những người bố, người mẹ thứ 2 của mình. “Dịch bệnh xảy ra, ai cũng gặp khó khăn nhưng thầy cô vẫn rất quan tâm đến cuộc sống của chúng em. Điều này khiến em và các bạn sinh viên Lào khác thật sự hạnh phúc”, Khamkee cho hay.

Dịch bệnh phức tạp, các bạn sinh viên Lào không thể về quê. Thế nhưng những hành động mang ý nghĩa nhân văn của các trường và tổ chức, cá nhân hảo tâm trên địa bàn tỉnh đã góp phần giúp các bạn sinh viên Lào đang lưu trú tại Quảng Trị có thêm động lực và điều kiện ổn định cuộc sống, sớm vượt qua khó khăn trong mùa dịch.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Kỹ năng cần có của giáo viên

Hoài Nam |

Thời gian gần đây, mạng xã hội liên tục xuất hiện những clip ghi lại cảnh giáo viên nổi nóng, la mắng, xúc phạm người học hoặc sinh viên chửi tục, thách thức giáo viên gây xôn xao dư luận.

Lan tỏa phong trào đọc sách trong thời đại công nghệ số

Lê Trường |

Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” tỉnh Quảng Trị năm 2021 được phát động từ ngày 20/5 - 15/7/2021. Sau 3 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các em từ bậc Tiểu học đến THPT trong toàn tỉnh. Qua cuộc thi đã xuất hiện nhiều học sinh có niềm đam mê đọc sách, truyền cảm hứng, lan tỏa và khơi dậy phong trào đọc sách đến với mọi người, nhất là thế hệ trẻ trong thời đại bùng nổ công nghệ số.

Trẻ em mồ côi do dịch COVID-19: Cần sự quan tâm đặc biệt

Minh Huệ |

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề nghị các tỉnh, thành ưu tiên bố trí, hỗ trợ để trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19 được chăm sóc thay thế trong môi trường gia đình, bảo đảm lợi ích tốt nhất.

Điều còn mãi…

Lê Đức Dục |

Evtouchenko - một nhà thơ Nga có câu thơ mà hầu như ai đã từng đọc đều thấy ngạc nhiên vì sự khái quát nhân sinh của nó: “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử”.