Thời gian qua, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh tích cực phối hợp, hỗ trợ người dân tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong nông nghiệp.
Nhờ vậy, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt và chăn nuôi hiệu quả ở nông thôn. Qua đó, giúp người dân có việc làm, nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua liên kết phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Kỳ vọng mô hình nuôi ốc hương ven biển
Trước đây, thu nhập của gia đình anh Phan Thanh Hoàng ở thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng chủ yếu dựa vào nghề nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, những trận lũ lụt hằng năm gây thiệt hại nặng nề các hồ tôm, nhất là nước lũ làm tôm bị dịch bệnh, chết hàng loạt. Sau một thời gian nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm cách nuôi ốc hương, gia đình anh quyết định chuyển hướng từ nuôi tôm sang loại ốc này.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng mô hình họ gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí và kinh nghiệm. Sau khi khảo sát, xây dựng kế hoạch, tháng 4/2021, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Hải Lăng, Công đoàn cơ sở (CĐCS) xã Hải An phối hợp với CĐCS thành viên Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị, Tổ Công đoàn Trạm Khuyến nông Hải Lăng tổ chức cắm biển mô hình nuôi ốc hương vùng ven biển hỗ trợ gia đình anh Hoàng thực hiện mô hình.
Theo đó, gia đình anh Hoàng được hỗ trợ nuôi 5 hồ có tổng diện tích 2.000 m2 với 60 vạn con giống, thời gian sinh trưởng là 6 tháng. Nguồn kinh phí thực hiện 200 triệu đồng, trong đó Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 70% chi phí thức ăn và con giống.
Anh Hoàng chia sẻ: “Gia đình tôi rất phấn khởi khi được quan tâm hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi ốc hương. Quá trình nuôi ốc, chúng tôi được cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn kỹ thuật theo hướng cầm tay chỉ việc. Ốc hương có nhiều ưu điểm như: Ít bị dịch bệnh, quy trình chăm sóc dễ thực hiện; tận dụng được nguồn thức ăn chủ yếu là các loại cá có giá thành thấp trên địa bàn; nguồn chất thải được tận dụng để làm thức ăn nuôi cá, đảm bảo vệ sinh môi trường; đầu ra sản phẩm khá phong phú, giá thành cao. Để tận dụng chất thải từ hồ nuôi tôm, chúng tôi đầu tư nuôi trên 3.000 m2 cá. Hiện nay, ốc hương phát triển rất tốt, dự kiến 3 tháng nữa thu hoạch; ước cả năm thu hoạch khoảng 8 - 10 tấn/2 vụ. Nếu giá thị trường thuận lợi, bình quân 1 tấn ốc hương lãi từ 100 - 120 triệu đồng”.
Để mô hình nuôi ốc hương vùng ven biển mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, trước đó, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nông dân, LĐLĐ huyện chỉ đạo CĐCS xã Hải An phối hợp tuyên truyền, vận động bà con tích cực hưởng ứng, tham gia tập huấn và ứng dụng kỹ thuật vào thực hiện mô hình.
Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Hải Lăng Trần Quang Dũng cho biết: “Thời gian tới, LĐLĐ huyện và CĐCS xã Hải An tiếp tục phối hợp với Trạm khuyến nông huyện theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật, tuyên truyền vận nông dân tích cực thực hiện mô hình nuôi ốc hương đảm bảo quy trình, đạt hiệu quả cao nhất; đưa mô hình ứng dụng thực hiện rộng rãi trong nông dân, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế bền vững cho Nhân dân vùng ven biển”.
Hỗ trợ chăn nuôi lợn theo công nghệ mới
Gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh ở thôn Phương An 2, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ chăn nuôi lợn đã nhiều năm. Tuy nhiên, do chăn nuôi theo phương thức truyền thống nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao.
Cuối tháng 7, gia đình chị được LĐLĐ huyện phối hợp với CĐCS thành viên Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị, Tổ Công đoàn Trạm Khuyến nông Cam Lộ, CĐCS xã Cam Nghĩa hỗ trợ triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ trên đệm lót sinh học có liên kết sản xuất đầu ra sản phẩm an toàn thực phẩm”. Mô hình có số lượng 42 con lợn giống nhập ngoại, mỗi con khoảng 35 - 45 kg với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng (bao gồm chuồng trại, con giống và thức ăn cho lợn). Trong đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí về con giống và thức ăn cho lợn.
Qua một thời gian ngắn thực hiện, được sự quan tâm động viên khích lệ của các đơn vị hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi của cán bộ khuyến nông huyện, mô hình bước đầu có nhiều tín hiệu khả quan.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cho biết: “Tôi thấy, chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ trên đệm lót sinh học có rất nhiều ưu điểm, đặc biệt là góp phần bảo vệ môi trường. Mùi hôi của phân chuồng hầu như không còn do chất thải bị tiêu hủy trên nền đệm lót. Giúp giảm công sức, chi phí nhân công dọn dẹp chuồng trại, tiết kiệm nước và điện do không cần rửa chuồng, tắm cho lợn; giảm tỉ lệ mắc các bệnh thường gặp; lợn tăng trọng tốt. Ngoài ra, có thể tận dụng đệm lót sau khi thu dọn để dùng bón cho cây trồng. Kỹ thuật phối trộn thức ăn cho lợn cũng rất đơn giản. Thức ăn sau khi lên men kích thích lợn ăn và phát triển tốt. Hiện nay, gia đình tôi có nuôi 10 lợn nái, sắp tới sau khi xuất chuồng lứa lợn này, chúng tôi tiếp tục tái đàn và chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ trên đệm lót sinh học, phấn đấu xứng đáng là mô hình điểm để các hộ chăn nuôi lợn ở địa phương nhân rộng”.
Được biết, hằng năm, Tổ Công đoàn Trạm Khuyến nông Cam Lộ thường xuyên phối hợp với LĐLĐ huyện và CĐCS các xã trên địa bàn huyện triển khai cắm biển hỗ trợ xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chăn nuôi, được người dân đánh giá cao và học tập nhân rộng.
Trưởng trạm, Tổ trưởng Tổ Công đoàn Trạm Khuyến nông huyện Cam Lộ Dương Hồng Phong cho biết: “Mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ trên đệm lót sinh học có liên kết sản xuất đầu ra sản phẩm an toàn thực phẩm là một trong những mô hình đầu tiên trên địa bàn xã Cam Nghĩa có sự phối hợp giữa các đơn vị trong chuyển giao KHKT chăn nuôi, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Thời gian tới, các đơn vị sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá, tổng kết mô hình và có các phương án hỗ trợ nông dân áp dụng các mô hình chăn nuôi an toàn, hiệu quả, góp phần chung tay xây dựng xã Cam Nghĩa đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)