Huy động các nguồn lực chăm lo cho cuộc sống người dân

Lâm Thanh |

Những ngày thành phố Đông Hà (Quảng Trị) thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) thành phố đã có nhiều hoạt động thiết thực huy động mọi nguồn lực hỗ trợ, chăm lo đời sống cho người dân sống trong các khu vực phong tỏa, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế… Liên quan đến nội dung này, phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn bà VÕ THỊ HOA HẰNG, Phó Chủ tịch UBMTTQVN thành phố Đông Hà.

- Thưa bà! Thành phố Đông Hà đang trải qua những ngày căng thẳng vì dịch bệnh, UBMTTQVN thành phố và các tổ chức thành viên đã có những hoạt động cụ thể gì đóng góp vào "cuộc chiến" chống dịch hiện nay của địa phương?

- Trong điều kiện nguồn lực của Nhà nước hạn chế nên rất cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội vào “cuộc chiến” đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội cho người nghèo, người yếu thế, sớm đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới.

 

Trên tinh thần đó, UBMTTQVN thành phố đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Chữ thập đỏ thành phố và UBMTTQVN các phường tăng cường công tác tuyên truyền thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn để ổn định tư tưởng, tâm lý của người dân. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống nhân ái, “thương người như thể thương thân” ủng hộ kinh phí, hàng hóa, vật tư y tế, nhu yếu phẩm, ngày công… để hỗ trợ công tác phòng chống COVID-19 của thành phố.

Một ngày sau khi thành phố Đông Hà thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, chúng tôi đã kết nối, tập hợp các nhóm tham gia tình nguyện như: Chuyến xe 0 đồng của anh Nguyễn Nhanh; Cơ sở kinh doanh Hương đồng nội; Hội Phụ nữ Đông Thanh, nhóm Thiện nguyện Thiện Quảng, nhóm Chia sẻ yêu thương Quảng Trị, Biệt đội 74 Quảng Trị và ACE thiện nguyện Đông Hà để phối hợp kêu gọi nguồn hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, nhất là nguồn thực phẩm tươi sống từ các địa phương trong tỉnh, điều phối và phân bổ các nguồn hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, người dân sống trong các khu cách ly, khu phong tỏa trên địa bàn thành phố một cách kịp thời và hợp lý nhất.

- Với phương châm “lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho dân”, thời gian qua mặt trận thành phố đã có nhiều hoạt động huy động các nguồn lực hỗ trợ phòng chống COVID-19, đề nghị bà cho biết kết quả huy động đến nay như thế nào?

- Tính đến ngày 7/10/2021, UBMTTQVN thành phố các cấp đã vận động trên 273,5 triệu đồng tiền mặt. Về hàng hóa thiết yếu, đã huy động 12 tấn gạo, trên 7,1 tấn rau củ, trên 3 tấn thịt cá, 14.500 khẩu trang các loại và nhiều mặt hàng thiết yếu khác như sữa, mì ăn liền, nước lọc, bỉm trẻ em… Từ nguồn hỗ trợ này, chúng tôi đã phân phối trao trên 12.253 suất quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố, nhất là hộ khó khăn sống trong các khu vực phong tỏa. Bên cạnh đó, mặt trận cũng vận động được một số nhà hảo tâm trực tiếp đến các điểm chốt trao quà hỗ trợ cho người dân; phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo thành phố trao quà hỗ trợ tại 40 điểm phong tỏa, cách ly trên địa bàn; đồng thời tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức thăm hỏi, động viên các lực lượng tuyến đầu chống dịch tại các trung tâm y tế, các điểm chốt và đội, tổ truy vết, giám sát công cộng.

Những phần quà mà mặt trận và các tổ chức thành viên huy động được trong thời gian qua đã kịp thời hỗ trợ hàng nghìn người dân có hoàn cảnh khó khăn có được các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu, đảm bảo cuộc sống hằng ngày, góp phần giúp người dân yên tâm chấp hành các quy định phòng chống dịch bệnh trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội, đồng thời động viên, chia sẻ khó khăn với các lực lượng tuyến đầu chống dịch, mong thành phố sớm đẩy lùi dịch bệnh.

- Với các nguồn lực đơn vị huy động được thì công tác phân bổ được thực hiện cụ thể như thế nào, thưa bà?

- Nguyên tắc của UBMTTQVN là phân bổ theo quy định của Nghị định 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ về Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ Nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Theo đó, các khoản Nhân dân đóng góp trước hết phải phân bổ đến những địa chỉ mà người đóng góp đề nghị, sau đó ưu tiên hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh với tinh thần “ở đâu người dân khó khăn thì ở đó có sự hỗ trợ, chăm lo của mặt trận”.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn trong thời gian qua, UBMTTQVN thành phố có quy định cứ đúng 16 giờ hằng ngày, các nhóm thiện nguyện tổng hợp, báo cáo chi tiết số tiền và các loại hàng hóa huy động được về Thường trực UBMTTQVN thành phố. Từ số liệu báo cáo của các nhóm đăng ký, mặt trận sẽ rà soát, lập danh sách và đối chiếu với số lượng nhu cầu của người dân các phường mà mặt trận cơ sở gửi về, làm căn cứ để phân bổ nguồn hàng cho ngày hôm sau. Quá trình phân bổ nguồn hỗ trợ, chúng tôi luôn cân đối ưu tiên đối tượng hộ nghèo, hộ khó khăn, gia đình chính sách, người già neo đơn, lao động mất việc làm… ở trong các khu phong tỏa, đảm bảo không để ai bị thiếu, đói, “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong thời điểm khó khăn hiện nay.

- Với phương châm hoạt động trước đây là “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” nhưng hiện nay dịch bệnh diễn biến phức tạp, mọi người đều hạn chế tiếp xúc trực tiếp thì cán bộ cơ sở của mặt trận và các tổ chức thành viên hoạt động như thế nào để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ, vừa phòng chống dịch bệnh an toàn, thưa bà?

- Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, chúng tôi tăng cường làm việc nhóm, kết nối thông tin qua không gian mạng từ tổ dân cư, khu phố đến phường, thành phố để trao đổi, thực hiện công việc.

Tiếp nhận thực phẩm thiết yếu từ các nhà hảo tâm trước khi phân bổ về cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Đông Hà - Ảnh: L.T
Tiếp nhận thực phẩm thiết yếu từ các nhà hảo tâm trước khi phân bổ về cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Đông Hà - Ảnh: L.T

Ngay sau khi thành phố Đông Hà áp dụng Chỉ thị 16, UBMTTQVN thành phố và UBMTTQVN các phường đều công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý ngay các trường hợp gặp khó khăn cần hỗ trợ gấp. Trong suốt thời gian qua, cán bộ mặt trận và các tổ chức thành viên từ thành phố đến cơ sở đều chủ yếu làm việc, điều hành công việc qua điện thoại và các nhóm “Kết nối cộng đồng” trên Facebook, Zalo…

Hạn chế gặp gỡ trực tiếp nhưng các nhóm đều hoạt động thường trực 24/7 nên nắm bắt, giải quyết thông tin, sự việc rất kịp thời. Các nhóm “Kết nối cộng đồng” có nhiệm vụ cập nhật kịp thời tất cả các thông tin chỉ đạo mới về phòng chống dịch bệnh của cấp trên để mọi người nắm bắt và triển khai thực hiện; nhóm cũng kết nối để trao đổi thông tin về các trường hợp khó khăn về lương thực, thực phẩm… Qua đó, nắm bắt kịp thời tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, làm cơ sở tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc nảy sinh.

Thực tế nhu cầu nguồn thực phẩm tươi sống của người dân sống trong các khu vực phong tỏa hiện nay lớn hơn nguồn cung cấp. Để đảm bảo cân đối nguồn hàng hỗ trợ đến đúng đối tượng, đúng thời điểm, cán bộ cơ sở đều có kết nối thông tin liên lạc với tất cả các gia đình trong khu phong tỏa trước khi UBMTTQVN thành phố thông báo về nguồn hàng. Hằng ngày, chúng tôi điều phối các nhóm thiện nguyện tập kết hàng hóa tại chốt, cán bộ mặt trận cơ sở phải nắm chắc hoàn cảnh từng trường hợp để thông báo giờ, địa điểm nhận hàng hỗ trợ cho từng hộ dân đến nhận tại chốt, đảm bảo tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế.

- Xin cảm ơn bà!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tấm lòng thơm thảo của người phụ nữ mù

Trúc Phương |

“Tuy bị mù bẩm sinh nhưng chị Oanh lại có một trái tim trong sáng và luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vĩnh Linh Vũ Văn Phong đã nói như thế khi dẫn chúng tôi đến thăm chị Nguyễn Thị Oanh (sinh năm 1975), hiện sống tại thôn Thủy Trung, xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị)- người phụ nữ mù đã nhiều lần tham gia đóng góp trong các phong trào, cuộc vận động gây quỹ tại địa phương. Điều này khiến chúng tôi không khỏi tò mò và muốn tìm hiểu nhiều hơn về chị.

Tấm lòng thơm thảo của anh Sinh

Mỹ Hằng |

Sống giản dị, chân thành và tốt bụng là nhận xét mà nhiều người đã dành cho anh Trần Đức Sinh ở thôn Tân Lập, xã Vĩnh Long huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Nhiều năm qua, anh luôn dành thời gian, tâm sức để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, qua đó góp phần lan tỏa tình yêu thương, lòng nhân ái trong cộng đồng.

Tấm lòng của người Quảng Trị gửi miền Nam

Nguyễn Phong Hạnh |

Hơn 16 tỉ đồng là số tiền ước tính của số hàng hóa nhu yếu phẩm thiết yếu của người dân Quảng Trị ủng hộ đồng bào miền Nam, kết quả sau 20 ngày Ủy ban MTTQVN tỉnh kêu gọi hướng về Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chung tay đẩy lùi COVID-19.

Tấm lòng thơm thảo của anh Sinh

Mỹ Hằng |

Sống giản dị, chân thành và tốt bụng là lời nhận xét mà nhiều người đã dành cho anh Trần Đức Sinh ở thôn Tân Lập, xã Vĩnh Long (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Nhiều năm qua, anh luôn dành thời gian, tâm sức để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Việc làm của anh đã góp phần lan tỏa tình yêu thương, lòng nhân ái trong cộng đồng.