Khó khăn trong việc cung cấp nước sinh hoạt ở địa bàn miền núi

Tân Nguyên |

Theo số liệu của Bộ chỉ số theo dõi - đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tỉ lệ hộ dân sử dụng hợp vệ sinh ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông đạt 80,08%. Tuy nhiên, tỉ lệ người dân ở hai huyện này được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chỉ đạt 31,27%, trong khi tỉ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch bình quân của cả tỉnh đạt 57,14%.  

Thực tế cho thấy từ nhiều năm qua, tỉnh Quảng Trị đã quan tâm đầu tư xây dựng các công trình nước sạch để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân. Tại 31 xã thuộc hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông đã đầu tư xây dựng hơn 124 công trình cấp nước tập trung, cấp nước sinh hoạt cho khoảng 9.600 hộ, còn lại khoảng 15.400 hộ sử dụng nước từ các công trình cấp nước nhỏ lẻ như giếng khoan, giếng đào, khe suối…Hầu hết các công trình cấp nước ở huyện Hướng Hóa và Đakrông đều do cộng đồng quản lý. Các công trình cấp nước tập trung sau khi xây dựng hoàn thành, chủ đầu tư bàn giao lại cho các đơn vị hưởng lợi tự quản lý, vận hành, khai thác. Tuy nhiên, các công trình cấp nước tập trung ở đây có quy mô nhỏ, manh mún, phần lớn là các công trình tự chảy, công nghệ xử lý nước đơn giản và lạc hậu như lắng sơ bộ, lọc cát… thậm chí nhiều nơi còn sử dụng nước trực tiếp không qua xử lý, nguồn nước được lấy từ các khe suối nhỏ, xa khu dân cư.  

Công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng Lìa được xây dựng từ nguồn kinh phí xã hội hóa - Ảnh: H.N.K​
Công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng Lìa được xây dựng từ nguồn kinh phí xã hội hóa - Ảnh: H.N.K​

Mặt khác, việc quản lý bảo vệ gặp nhiều khó khăn, chi phí đầu tư cao, thiếu quy chế hoạt động đóng góp tiền sử dụng nước để duy tu sửa chữa nhỏ, trả thù lao cho người quản lý vận hành. Đa số các công trình dẫn nước bằng ống từ bể đầu nguồn về đến bể chứa tập trung tại các cụm dân cư rồi bằng nhiều hình thức đưa về tận hộ gia đình sử dụng. Phần lớn các công trình cấp nước tập trung ở địa bàn miền núi được xây dựng từ khá lâu, quy mô nhỏ, phân tán, công tác quản lý vận hành chưa đáp ứng duy trì hoạt động hiệu quả của công trình cấp nước. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, ảnh hưởng xấu đến nguồn nước, chất lượng nước và các công trình cấp nước. Đến nay do trữ lượng và chất lượng nguồn nước bị ảnh hưởng của thiên tai, chất thải sinh hoạt, hóa chất nông nghiệp, nạn phá rừng, khai thác khoáng sản… nên một số công trình thiếu nước về mùa khô, chất lượng nước ngày càng kém nên tình trạng người dân thiếu nước sinh hoạt luôn xảy ra. Công tác quản lý vận hành công trình cấp nước tập trung còn hạn chế.  

Ở địa bàn huyện Đakrông hiện có 44 công trình cấp nước tập trung đang hoạt động nhưng công suất chỉ đạt 20 - 70% so với công suất thiết kế. Về mùa nắng hạn, khe suối ở các xã như Mò Ó, Tà Rụt, A Ngo, Đakrông, Tà Long hầu như khô kiệt nên nguồn nước cung cấp cho các công trình tự chảy ở các địa phương này hầu như không đủ áp lực về tận bản làng. Bên cạnh đó, do nạn khai thác khoáng sản làm ô nhiễm nguồn nước khe suối nên người dân ở các xã như A Vao, A Ngo, Tà Rụt không sử dụng nước từ các công trình tự chảy hiện có tại địa phương. Ngoài ra do thiên tai thường xuyên xảy ra đã làm hư hỏng nhiều hạng mục công trình cấp nước tự chảy. Tại huyện Hướng Hóa, ngoài các xã dọc Quốc lộ 9 được sử dụng nước từ các Xí nghiệp cấp nước Lao Bảo, Khe Sanh như xã Tân Hợp, Tân Long, Tân Thành thì 16 xã còn lại hầu như chưa có nước sạch. Đến cuối năm 2020, toàn huyện Hướng Hóa có 43/50 công trình đang hoạt động với công suất cấp nước đạt thấp. Về mùa nắng hạn, nguồn nước khe suối cung cấp cho các công trình tự chảy ở các xã vùng Lìa như A Dơi, Thanh, Thuận, Xi hầu như không có. Trước thực trạng tình hình cung cấp nước như vậy nên những năm gần đây, chính quyền các địa phương và các tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ đầu tư gần 500 giếng khoan khai thác nước ngầm cung cấp cho từng nhóm hộ gia đình để tạm thời giải quyết vấn đề nước sinh hoạt cho người dân. Hiện tại mô hình cấp nước này đang phát huy hiệu quả tại hai huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông.  

Để giải quyết vấn đề nước sinh hoạt của người dân, trước mắt cần tiến hành rà soát, đánh giá lại hiện trạng, khả năng cấp nước của các công trình hiện có trên địa bàn 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông. Xây dựng kế hoạch đầu tư kinh phí khắc phục, sửa chữa những công trình cấp nước tập trung và các công trình cấp nước nhỏ lẻ bị hư hỏng để kịp thời cung cấp nước cho người dân sử dụng. Theo khảo sát, hiện nay trên địa bàn hai huyện Hướng Hóa, Đakrông có gần 19.000 hộ cần nước sạch sử dụng. Nhu cầu sử dụng nguồn nước phù hợp nhất là các công trình cấp nước bằng giếng khoan, giếng đào hoặc công trình cấp nước tập trung dạng tự chảy hoặc bơm dẫn. Đối với những vùng dân cư thưa thớt, nơi có điều kiện địa chất thủy văn thuận lợi thì đầu tư cấp nước bằng giếng khoan, giếng đào. Đối với công trình cấp nước tập trung tại những khu vực có đông dân cư, nơi có điều kiện thuận lợi về nguồn nước thì khắc phục, nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước hiện có. Chú trọng lắp đặt thêm hệ thống xử lý nước đạt chuẩn và đấu nối vào tận hộ gia đình thông qua đồng hồ đo nước...  

Hiện nay, việc cấp nước sinh hoạt cho người dân ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông đang gặp nhiều khó khăn. Bởi số lượng và tỉ lệ người dân sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh còn thấp so với khu vực đồng bằng; số lượng công trình kém hiệu quả vẫn còn cao, chất lượng nước hầu hết ở các công trình chưa được kiểm soát và không ổn định. Vì vậy, cần thực hiện đồng bộ và lồng ghép các giải pháp đầu tư xây dựng các công trình cấp nước. Trước hết là lồng ghép vào các chương trình, dự án có cùng mục tiêu về nước sạch trên địa bàn như chương trình xây dựng NTM, chương trình mục tiêu phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Tiếp tục thực hiện kế hoạch tín dụng ưu đãi cho hộ gia đình để thực hiện việc đầu tư cho nước sạch… Khuyến khích đầu tư cung cấp nước sạch cho vùng miền núi theo hình thức xã hội hóa.  

Đặc biệt là xây dựng cơ chế quản lý, vận hành sử dụng hiệu quả các công trình cấp nước ở vùng sâu, vùng xa. Ưu tiên bố trí vốn để tăng cường công tác quản lý vận hành sau đầu tư các công trình cấp nước tập trung để sử dụng có hiệu quả, tránh lãng phí. Nâng cao vai trò của hệ thống chính trị về việc cấp nước sinh hoạt tại vùng đồng bào miền núi, đặc biệt là phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người có uy tín trong cộng đồng, từ đó nâng cao nhận thức của người dân hưởng lợi trong việc thu hút nguồn lực đầu tư, góp kinh phí, tham gia quản lý sử dụng công trình. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp nước an toàn và chất lượng nhằm phát hiện, đánh giá và có biện pháp ngăn ngừa, cải thiện kịp thời các nguy cơ rủi ro ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước sinh hoạt của người dân. Có như vậy mới phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực cấp nước sinh hoạt cho người dân ở địa bàn 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa.  

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Thiếu nước sạch trầm trọng sau mưa lũ ở Hướng Hóa

Kô Kăn Sương |

Sau các đợt mưa lũ lịch sử trong năm vừa qua, các công trình cung cấp nước sạch trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) bị thiệt hại nghiêm trọng, nhất là đối với các xã vùng bản. Đa số đường ống, bể chứa đều bị san lấp, cuốn trôi và hư hỏng nặng. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, các địa phương chưa thể khắc phục sự cố nên vấn đề nước sạch cho người dân các xã vùng bản trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Quảng Trị: Hàng chục nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt sau lũ lụt

Nguyên Lý |

Tỉnh Quảng Trị có 66 công trình cấp nước bị hư hỏng do lũ lụt, khiến trên 23.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt, tập trung ở huyện Đakrông, Hướng Hóa, Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ.

Quảng Trị: Trồng dưa hấu trên đất lúa thiếu nước

Phan Việt Toàn |

Vụ Hè Thu 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị triển khai mô hình chuyển đổi sản xuất trên chân đất trồng lúa không chủ động nước tưới, sử dụng bạt che phủ nilon.

Thiếu nước sinh hoạt mùa khô hạn

Trần Tú |

Vừa bước vào mùa khô hạn năm nay, tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra gay gắt ở nhiều địa phương. Tại thôn Cam Vũ, xã Cam Thuỷ, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) gần 500 hộ dân ở đây cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng khi mà công trình nước duy nhất phục vụ sinh hoạt cho bà con nhiều năm không được nâng cấp, sửa chữa.