Kinh tế ban đêm: Giữ gìn các giá trị văn hóa, an ninh trật tự

PV |

Kinh tế ban đêm sẽ được tập trung đẩy mạnh nhằm nâng cao thu nhập và đời sống của người dân địa phương; hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực với bảo tồn các giá trị văn hóa...


Những năm gần đây, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế ban đêm của Chính phủ, không chỉ tại các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Cần Thơ mà hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đã và đang dần hình thành, phát triển mạnh mẽ các hoạt động kinh tế ban đêm; trong đó, nhộn nhịp nhất là các phố đi bộ, phố ẩm thực, chợ đêm… và sự bùng nổ của hệ thống cửa hàng tiện lợi.

Xét ở nhiều bình diện, phát triển kinh tế ban đêm xuất phát từ nhu cầu việc làm, tăng ca, giờ của người lao động để tăng thu nhập; qua đó gia tăng nguồn thu cho doanh nghiệp, cho ngân sách địa phương, tạo thêm động lực cho các ngành kinh tế khác cùng phát triển.

Nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích hiển hiện, nhiều chuyên gia kinh tế quan ngại để phát triển kinh tế ban đêm cần có một kế hoạch dài hạn, xây dựng các chính sách, cơ chế, quy hoạch cụ thể nhằm đảm bảo các hoạt động kinh tế đêm duy trì được sự ổn định về an ninh trật tự, giảm thiểu các tệ nạn xã hội; giữ gìn giá trị văn hóa, đồng thời, gia tăng được lượng du khách để thúc đẩy doanh thu thương mại.

Phản ánh thực trạng của doanh nghiệp và những vấn đề phát sinh sau quá trình triển khai kinh tế đêm ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Phạm Bá Phúc, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Thương mại DIC, quản lý cụm Khách sạn Cap Saint Jacques, DIC Star và Khu du lịch Biển DIC nhận định các dịch vụ đêm ở một số nước trong khi vực và trên thế giới chủ yếu thiên về giải trí, thư giãn, dạo phố, ăn uống, mua sắm.

Chẳng hạn, nếu đến du lịch Thái Lan, bất kể thủ đô Bangkok hay các tỉnh lỵ như Pattaya, Chiang mai, Chiang rai… đều dễ thấy ban đêm náo nhiệt gấp nhiều lần ban ngày với hàng loạt phố đi bộ, chợ đêm, hàng ăn, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, ca nhạc hiện đại, massage, thời trang, bán quà lưu niệm… Du khách khắp thế giới đổ về tản bộ, mua sắm, thưởng thức ẩm thực cho thấy cảm tưởng như không có ban đêm.

Ở Bà Rịa-Vũng Tàu hiện nay hoàn toàn thiếu không gian này. Cũng chưa có các lễ hội hay sự kiện định kỳ đủ sức thu hút du khách. Hàng năm, Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ có khai hội văn hóa-du lịch vào dịp đầu năm mới, nhưng địa điểm tổ chức tại trung tâm thành phố, khá xa xôi và không thuận tiện cho khách du lịch thưởng thức. Nếu xác định sự kiện cho du lịch nên luân phiên đưa về các khu nghỉ dưỡng hay các huyện, thị có thế mạnh về du lịch, ông Phúc nêu ý kiến.

Khác với Bà Rịa-Vũng Tàu, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh là địa bàn phát triển kinh tế ban đêm từ rất sớm và là hợp phần không thể thiếu tạo nên sức mạnh, tiềm năng và điểm nhấn của ngành du lịch dịch vụ nhằm thu hút ngày càng đông khách du lịch.

Theo ông Trần Nhuận Vinh, Giám đốc Công ty Trách niệm hữu hạn Một thành viên Du lịch Nam Phong, phát triển kinh tế đêm tại Quảng Ninh, nhất là thành phố Hạ Long là xu thế tất yếu, bởi một thành phố năng động, đông khách du lịch quốc tế, không thể thiếu các không gian khám phá, tham quan, mua sắm và giải trí về đêm. Người tiêu dùng hiện nay, luôn coi các hoạt động chi tiêu vào ban đêm, như một xu hướng đậm gu thời thượng, thu hút nhiều người, nhất là giới trẻ hưởng ứng tham gia.

Hiện nay, Hạ Long đang được chỉnh trang và rực rỡ hơn từng ngày; khả năng cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, thương hiệu và chất lượng cũng không ngừng được nâng cao với sự đầu tư nghiêm túc và bài bản của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể; giao thông đi lại cũng trở nên thuận tiện, ánh sáng vào đêm đẹp rực rỡ và đồng bộ.... Tuy nhiên, để Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung phát triển kinh tế đêm đúng hướng và hiệu quả, rất cần những chính sách khích lệ và quy chế quản lý chặt chẽ, ông Vinh khuyến nghị.

Theo ông Vinh, cần lập ban quản lý, phối hợp với cơ quan chức năng, giám sát quá trình hoạt động kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp, hộ kinh doanh liên kết xây dựng sản phẩm, đưa ra cơ chế cạnh tranh, cam kết môi trường, văn hóa kinh doanh lành mạnh, tự quản an ninh trật tự, không để phát sinh việc ép giá và tệ nạn, bạo lực. Cùng với đó, tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ giao thông, vệ sinh môi trường, hệ thống lưới điện, nước và hệ thống thu gom rác thải, thoát nước thải..., tạo thuận lợi cho người kinh doanh, tạo sự yên tâm cho cư dân địa phương và sự hài lòng ở du khách.

Dù chưa phải là địa phương lấy ngành du lịch làm mũi nhọn thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, song không thể đứng ngoài xu thế chung, ngày 12/8/2022, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Đề án Phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum cho hay mục tiêu là nhằm định hướng hình thành và đầu tư phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn. Qua đó, khai thác tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành du lịch, giúp ngành này thực sự trở thành mũi nhọn và tạo sức lan tỏa tới các ngành kinh tế khác; đẩy mạnh hơn nữa tốc độ tăng trưởng của khu vực thương mại dịch vụ, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng đến nền kinh tế 24 giờ.

Kinh tế ban đêm sẽ được tập trung đẩy mạnh, nhằm nâng cao thu nhập và đời sống của người dân địa phương; đồng thời, hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với việc bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ an ninh trật tự và tài nguyên môi trường.

(Nguồn: TTXVN)

Lan tỏa những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô trong trường học

Tây Long |

Không thờ ơ, đứng ngoài cuộc, thời gian qua, nhiều cán bộ, giáo viên vùng cao Quảng Trị đã góp sức giúp học sinh người Vân Kiều, Pa Kô giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS A Xing, huyện Hướng Hóa NGUYỄN MAI TRỌNG, một trong những nhà giáo luôn trăn trở, không ngừng nỗ lực đưa ngôi trường của mình trở thành điểm sáng với các mô hình “giữ hồn” dân tộc ý nghĩa.

Hội nghị toàn quốc “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường”

Thanh Hải |

Ngày 22/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị.

Đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trần Cát Linh |

Ở trong giai đoạn nào, văn hóa truyền thống cũng luôn có vai trò, vị trí quan trọng trong đời sống của Nhân dân, làm nên bản sắc văn hóa dân tộc. Qua các hoạt động văn hóa, Nhân dân làm phong phú thêm đời sống tinh thần và càng vun đắp hơn bản sắc dân tộc. Do đó, ngoài sáng tạo nền văn hóa mới phù hợp với thời đại mới, cấp ủy đảng, chính quyền và người dân luôn quan tâm công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bộ VHTTDL công bố Danh mục 10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Minh Thu |

Các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận lần này thuộc các loại hình: Lễ hội truyền thống; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Nghề thủ công truyền thống; Tri thức dân gian...