Lắng nghe tiếng nói của trẻ em

Thu Hạ |

Với ý nghĩa lắng nghe, thấu hiểu trẻ em, thời gian qua các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Quảng Trị đã tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn trẻ em.

Các diễn đàn này đã trở thành cầu nối gắn kết chặt chẽ giữa lãnh đạo địa phương, các ngành, đoàn thể với trẻ em. Đây cũng là một hoạt động tích cực trong công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục những mầm xanh tương lai của đất nước.

Theo đánh giá của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH), những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của các ngành, đoàn thể xã hội, các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng cùng với sự chăm lo cho trẻ em trong mỗi gia đình. Việc tập trung đầu tư, hỗ trợ để trẻ em được phát triển toàn diện và thực thi quyền của mình luôn được quan tâm, ưu tiên hàng đầu trong chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Tuy nhiên, hiện nay, tình hình thực hiện quyền trẻ em vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định như vẫn còn tình trạng trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại, lao động sớm, bỏ học giữa chừng... Đặc biệt, từ năm 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh có 63 trẻ em bị tử vong do đuối nước và con số này có chiều hướng tăng trong thời gian gần đây.

Trẻ em tham gia thảo luận, lên ý tưởng thuyết trình về vấn đề thực thi quyền trẻ em tại hội thảo với chủ đề “Tiếng nói trẻ em với các vấn đề liên quan thực thi quyền trẻ em, lên tiếng với bạo lực, xâm hại trẻ em” - Ảnh: H.T
Trẻ em tham gia thảo luận, lên ý tưởng thuyết trình về vấn đề thực thi quyền trẻ em tại hội thảo với chủ đề “Tiếng nói trẻ em với các vấn đề liên quan thực thi quyền trẻ em, lên tiếng với bạo lực, xâm hại trẻ em” - Ảnh: H.T

Đây thực sự là lời cảnh tỉnh đối với các cấp, ngành, mỗi gia đình và toàn xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Chính vì thế, việc tổ chức các hội thảo, diễn đàn trẻ em hằng năm là việc làm quan trọng, ý nghĩa, thiết thực và bổ ích với các em. Khi tham gia các hoạt động này, trẻ em có cơ hội để chia sẻ những kinh nghiệm hay trong học tập, rèn luyện và bày tỏ tâm tư, nguyện vọng về ước mơ, hoài bão, về quyền và nghĩa vụ với người lớn; đồng thời, được giao lưu, lắng nghe lãnh đạo các ngành trả lời, chia sẻ về ý kiến, nguyện vọng của các em. Các diễn đàn, hội thảo nếu được chuẩn bị, tổ chức bài bản, hiệu quả thì sẽ là hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm tiếp tục tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động của các cấp, ngành và toàn xã hội về thực hiện quyền trẻ em.

Nhằm tạo điều kiện để trẻ em được nói lên quan điểm, mong muốn của mình về những vấn đề bức xúc hiện nay, mới đây, Sở LĐ,TB&XH phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn Thế giới, các đơn vị, địa phương trong tỉnh tổ chức hội thảo với chủ đề “Tiếng nói trẻ em với các vấn đề liên quan thực thi quyền trẻ em, lên tiếng với bạo lực, xâm hại trẻ em” thu hút sự tham gia của gần 30 trẻ em tiêu biểu cấp Tiểu học và THCS - đại diện cho hơn 181 ngàn trẻ em trên toàn tỉnh - cùng cán bộ phụ trách đến từ các trường học trên địa bàn tỉnh.

Thông qua nhiều hình thức đa dạng như: Tổ chức tham vấn nhóm để trẻ em bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình về các vấn đề liên quan đến trẻ em; thảo luận các vấn đề bằng hình thức thuyết trình lồng ghép với kỹ năng xây dựng cây vấn đề; xây dựng giải pháp, khuyến nghị theo hình thức sân khấu hóa…, các em đã mạnh dạn chia sẻ, đưa ra các thông điệp, mong muốn đối với các cấp chính quyền, địa phương.

Tại diễn đàn lần này, các em đã đưa ra những mong muốn rất chính đáng như được tham gia nhiều hoạt động tập huấn, hướng dẫn các kỹ năng tự bảo vệ bản thân khi gặp các tình huống xâm hại, bạo lực, nhất là đối với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa; trang bị kỹ năng toàn diện để có thể tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, bị dụ dỗ, lôi kéo làm điều xấu trên môi trường mạng; đầu tư xây dựng nhiều bể bơi tại các địa phương để học bơi vào mùa hè; tiếp cận thế giới công nghệ số đúng đắn, biết sử dụng mạng đúng cách; muốn được người lớn lắng nghe bằng sự quan tâm, trân trọng.

Ngoài ra, các em cần một môi trường sống an toàn từ trong gia đình đến nhà trường và xã hội; có điểm vui chơi lành mạnh; được học tập, rèn luyện để phát triển toàn diện chứ không bị bắt buộc phải bỏ học để lao động sớm…

Trước đó, năm 2021, năm định kỳ tổ chức Diễn đàn trẻ em toàn quốc, Sở LĐ, TB&XH cũng đã tổ chức hoạt động tham vấn, lấy ý kiến trẻ em thông qua hình thức trực tuyến với chủ đề “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh” với sự tham gia của gần 500 trẻ em từ 7 - 18 tuổi đang sinh sống và học tập trên địa bàn tỉnh.

Tại diễn đàn này, 500 trẻ em đại diện cho trẻ em Quảng Trị được lấy ý kiến về các nội dung: Bạo lực thân thể, bạo lực trên môi trường mạng và bảo vệ trẻ em kịp thời trong bối cảnh COVID - 19. Thông qua hoạt động tham vấn đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hành động của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình và bản thân trẻ em về thực hiện quyền trẻ em.

Tạo điều kiện để trẻ em nói lên nguyện vọng của mình về những vấn đề có liên quan đến trẻ em. Đây cũng là cơ sở để các cấp, ngành và địa phương có thể đưa ra những đề xuất, tham mưu phù hợp để tỉnh có những quyết sách, chủ trương đúng đắn, kịp thời trong việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng, xây dựng một môi trường sống lành mạnh để trẻ em trên địa bàn tỉnh được phát triển toàn diện.

Chương trình giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em do Nhà Thiếu nhi tỉnh Quảng Trị tổ chức trong dịp hè năm 2022 - Ảnh: H.T
Chương trình giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em do Nhà Thiếu nhi tỉnh Quảng Trị tổ chức trong dịp hè năm 2022 - Ảnh: H.T

Trên tinh thần thân thiện, bình đẳng, đại diện các sở, ban, ngành liên quan đã lắng nghe, tiếp nhận, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của trẻ, đồng thời trực tiếp trả lời câu hỏi, giải đáp thắc mắc trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của mình.

Thời gian tới, để làm tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, các sở, ngành, địa phương, đơn vị cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em, có những giải pháp phòng chống và xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

Nghiên cứu, tổ chức nhiều hoạt động, diễn đàn, hội thảo với chủ đề, nội dung thiết thực, gắn bó mật thiết với đời sống xã hội để trẻ có thể dễ dàng tiếp thu và bày tỏ những thắc mắc, nguyện vọng chính đáng của bản thân. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho trẻ em trải nghiệm các hoạt động xã hội, tiếp cận thông tin liên quan nhằm góp phần bồi đắp kiến thức và hình thành nhân cách sống cho trẻ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Chăm lo cho trẻ em vùng biên giới

Nguyễn Thành Phú |

So với những nơi có điều kiện xã hội phát triển thì trẻ em vùng cao biên giới vẫn còn rất nhiều khó khăn, thiệt thòi, phải sống trong điều kiện thiếu thốn trăm bề, thậm chí phải nhọc nhằn mưu sinh cùng gia đình.

Cảnh báo nguy cơ lây lan virus đậu mùa khỉ ở trẻ em

Hà My |

Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ đang theo dõi sát sao nguy cơ lây lan bệnh đậu mùa khỉ trong nhóm trẻ em.

“Chúng em tập vẽ” – mang sắc màu đến với trẻ em vùng cao

Bảo Phú |

Dự án “Chúng em tập vẽ” – hoạt động hè vui chơi bổ ích cho trẻ em biên giới chính thức được khép lại sau hơn 10 ngày hoạt động tại Trường TH&THCS A Xing (Hướng Hóa, Quảng Trị).

Lớp học hè cho trẻ em miền núi

Thảo Trang |

Mùa hè năm nay, Huyện đoàn Hướng Hóa (Quảng Trị) đã triển khai nhiều lớp học hè miễn phí cho học sinh vùng cao. Thông qua những lớp học yêu thương này, trẻ em miền núi không chỉ được học tập, mà còn được tiếp thu nhiều kỹ năng bổ ích.