Mang những mùa vàng ấm no cho dân bản

Lê Trường |

Khi cái rét cuối đông dần tan là lúc sắc xuân mang theo sự đủ đầy hiển hiện trên nhiều bản làng ở phía Tây Quảng Trị. Sự đổi thay mang theo khát vọng của người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Có được sự đổi thay ấy, đồng bào nơi đây không thể không nhắc đến những chiến sĩ mang “quân hàm xanh” ngày đêm gắn bó, đồng hành với bà con để mang về “mùa xuân no ấm” trên các bản làng vùng cao.


Cho biên cương thêm xanh

Nằm cách trung tâm huyện Hướng Hóa hàng chục cây số, xã Hướng Phùng là một trong những địa phương vùng biên gặp nhiều khó khăn trong phát triển KT-XH. Nơi đây hiện có hơn 160 ha đất nông nghiệp sử dụng trồng cây lúa nước và ngô nhưng do đồng bào dân tộc Vân Kiều vẫn còn canh tác theo lối truyền thống nên năng suất, chất lượng cây trồng không cao.

Trước thực tế đó, với mong muốn thay đổi tư duy, cách nghĩ của bà con và tạo sinh kế bền vững, cán bộ Đồn Biên phòng Hướng Phùng đã mạnh dạn nghiên cứu, phối hợp với một đơn vị ở tỉnh Thái Bình triển khai trồng thử nghiệm 2 giống lúa và 1 giống ngô nếp mới. Sau một thời gian, kết quả cho thấy, các giống này vượt trội so với giống bản địa.

Những ngày cuối năm, chúng tôi theo chân cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Phùng đến thôn Bụt Việt thăm mô hình trồng thử nghiệm giống lúa và ngô nếp mới của anh Hồ Văn Phoi.

Một góc thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông -Ảnh: L.T
Một góc thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông -Ảnh: L.T

Dẫn chúng tôi đến vườn trồng ngô nếp mới trái vụ, anh Phoi phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, bà con dân bản trồng ngô đơn giản lắm, chỉ nhờ vào trời đất nên cứ mất mùa hoài thôi. Giờ được các anh bộ đội biên phòng hỗ trợ phân bón, giống ngô và lúa mới để trồng, gia đình tôi mừng lắm.

Không những thế, chúng tôi còn được các anh hướng dẫn quy trình từ trồng, chăm sóc, thu hoạch nên riêng giống ngô nếp TBM18, vụ chính sau hơn 2 tháng trồng đã cho quả bắp to, thơm, ngon và được thương lái rất ưa chuộng, đến tận ruộng để mua với giá từ 4.000- 5.000 đồng/quả tươi. Còn vụ trái này dù năng suất không bằng nhưng cây sinh trưởng nhanh và ít sâu bệnh hơn giống truyền thống”.

Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Hướng Phùng, Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng cho biết, sau khi nghiên cứu, đơn vị đã đề xuất với chính quyền địa phương cho phép trồng thử nghiệm bộ đôi giống lúa TBR97, TBR225 trên diện tích 10 sào của 2 hộ gia đình và 5 sào đối với giống ngô nếp TBM18. Kết quả mang lại bất ngờ, vì so với các cây giống khác thì những giống này thích nghi tốt với thổ nhưỡng tại địa phương, ít sâu bệnh, sinh trưởng nhanh và năng suất, chất lượng cao gấp nhiều lần.

“Để tạo sinh kế bền vững cho bà con, tháng 6/2023, đơn vị đã trao tặng 35 hộ dân trên địa bàn 870 kg giống lúa mới các loại để canh tác, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn và bắt tay chỉ việc cho các gia đình từ làm đất, xuống giống, chăm sóc và thu hoạch. Riêng về giống ngô nếp, tới đây, đồn tiếp tục mở rộng diện tích trên 3 ha theo phương pháp gối vụ để nhân rộng trong toàn xã”, Thiếu tá Bằng thông tin.

Mong muốn đem lại những mùa vàng ấm no cho bà con dân bản không chỉ là mục đích của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Phùng mà còn là “mệnh lệnh” từ trái tim của những người lính mang “quân hàm xanh” thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Trị.

Mô hình “Trồng chuối lùn” của Đồn Biên phòng A Vao mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con thôn Pa Ling - Ảnh: L.T
Mô hình “Trồng chuối lùn” của Đồn Biên phòng A Vao mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con thôn Pa Ling - Ảnh: L.T

Đồn Biên phòng A Vao có nhiệm vụ quản lý và bảo vệ đoạn biên giới dài 22,807 km, 10 mốc quốc giới và chiều sâu 5 km; phụ trách địa bàn 6 thôn thuộc xã A Vao, huyện Đakrông. Những năm qua, đồn luôn là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia; hỗ trợ Nhân dân phát triển KT-XH bằng nhiều cách làm, mô hình hiệu quả.

Trò chuyện với Chính trị viên Đồn Biên phòng A Vao, Thiếu tá Bùi Huy Tịnh cho hay, để hỗ trợ Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ đơn vị thường xuyên về tận thôn, bản để tuyên truyền, vận động các hộ dân thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng. Cụ thể, vào tháng 4/2022, từ sự đóng góp của nhà hảo tâm, đơn vị đã hỗ trợ gia đình các đoàn viên thanh niên thôn Pa Ling triển khai thí điểm mô hình “Trồng chuối lùn” với 2.000 gốc cây giống, phân bón.

“Ngoài ra, chúng tôi cử cán bộ về tận vườn để chỉ cách trồng, chăm sóc, thu hoạch và hỗ trợ tìm kiếm đầu ra tiêu thụ giúp bà con. Sau hơn 1 năm, vườn chuối phát triển tốt, sai trái, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con”, Thiếu tá Tịnh phấn khởi chia sẻ.

“Cầu nối” xóa đói giảm nghèo cho dân bản

Dự án trồng “Một triệu cây xanh” của Đồn Biên phòng Thanh vừa góp phần ngăn chặn, hạn chế tình trạng sạt lở đất ở khu vực dọc biên giới sông Sê Pôn vào mùa mưa lũ, vừa thay đổi nhận thức của bà con về cách thức canh tác, giúp Nhân dân có thêm thu nhập từ cây công nghiệp dài ngày. Sau 3 năm triển khai, đến nay, dự án đã hỗ trợ 115 hộ gia đình thuộc xã Thanh và Xy (huyện Hướng Hóa) trồng trên 180.000 cây keo tràm dọc biên giới sông Sê Pôn.

“Dân có ấm no thì biên cương mới vững bền”, với phương châm đó, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Trị luôn xác định vai trò nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia phải gắn liền với công tác hỗ trợ, đồng hành, là “cầu nối” giúp Nhân dân vùng biên phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo.

Các đơn vị thuộc BĐBP tỉnh đã tích cực đứng ra kêu gọi, vận động nhà hảo tâm bằng nhiều nguồn lực khác nhau hỗ trợ lực lượng trong triển khai thực hiện các chương trình, mô hình hướng về người dân vùng biên giới mang lại hiệu quả thiết thực.

Cụ thể, từ năm 2009 đến nay, BĐBP tỉnh đã xây dựng 120 ngôi nhà “Mái ấm biên cương” và các công trình dân sinh, giếng nước sạch tại các bản làng khó khăn, vùng sâu, vùng xa khu vực biên giới với tổng trị giá trên 12 tỉ đồng. Trao tặng 51 con bò giống, 20 cặp dê giống có giá trị trên 620 triệu đồng; xây dựng gần 10 km “Ánh sáng vùng biên” với tổng trị giá 800 triệu đồng. Trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, đơn vị đã xây dựng 21 giếng khoan nước sinh hoạt cho Nhân dân, 1 hệ thống nước sạch với trị giá hơn 1 tỉ đồng và 22 công trình dân sinh trị giá gần 3 tỉ đồng.

Cán bộ Đồn Biên phòng Hướng Phùng về tận ruộng hướng dẫn anh Hồ Văn Phoi cách chăm sóc cây ngô nếp trồng trái vụ - Ảnh: L.T
Cán bộ Đồn Biên phòng Hướng Phùng về tận ruộng hướng dẫn anh Hồ Văn Phoi cách chăm sóc cây ngô nếp trồng trái vụ - Ảnh: L.T

Chia sẻ với phóng viên Báo Quảng Trị, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh, Đại tá Ngô Xuân Thường cho biết, để hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, BĐBP Quảng Trị phải gắn bó mật thiết, dựa vào dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và hệ thống chính trị ở địa phương. Vì vậy, hỗ trợ Nhân dân khu vực biên giới phát triển KT-XH được xác định là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài của lực lượng BĐBP tỉnh.

Thời gian tới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động duy trì, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động quần chúng; tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên 2 tuyến biên giới gắn với thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước.

Đồng thời, đơn vị chú trọng việc lựa chọn, phân công đảng viên ở các đồn biên phòng có phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác để bám sát địa bàn biên giới; cùng ăn, cùng ở, tận tình hướng dẫn, giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn tại địa phương.

Mỗi một đảng viên, cán bộ, chiến sĩ “quân hàm xanh” phải luôn gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, cùng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của bà con; tích cực tuyên truyền, vận động để người dân ở khu vực biên giới không nghe, không tin những nội dung tuyên truyền, xuyên tạc của kẻ xấu, khuyến khích người dân chăm lo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên chính quê hương của mình.

Những bước chân lặng thầm của người lính “quân hàm xanh” vẫn miệt mài để gìn giữ sự bình yên cho biên cương Tổ quốc. Những bước chân này cũng ghi dấu ấn trên những bản làng xa xôi để “bắt tay chỉ việc” cho bà con trong phát triển KT-XH với mong muốn màu xanh trù phú sẽ phủ khắp những miền quê biên viễn.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Tổ hợp tác trồng hoa An Lạc đa dạng hóa các loại hoa phục vụ Tết

Đức Việt |

Cùng với các loại hoa truyền thống như mọi năm, được sự hỗ trợ nguồn giống của thành phố, năm nay người dân Tổ hợp tác trồng hoa An Lạc, phường Đông Giang, TP. Đông Hà (Quảng Trị) đầu tư trồng thêm một số loại hoa mới để phục vụ nhu cầu, thị hiếu của khách hàng dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Hiện nay, người trồng hoa nơi đây đang chạy đua với thời gian, khắc phục mọi khó khăn về thời tiết, tập trung chăm sóc vườn cây để kịp có hoa bán trong dịp Tết.

Cam Lộ: Tiếp tục chuyển đổi 5 ha đất rừng sang trồng mít Indonesia

Anh Vũ |

Nhằm chuyển đổi cơ cấu trồng để nâng cao thu nhập cho người dân, sau khi trồng thử nghiệm thành công 2 ha mít Indonesia tại thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền, hiện nay huyện Cam Lộ (Quảng Trị) tiếp tục cho chuyển đổi thêm 5 ha đất trồng rừng để mở rộng trồng loại cây này.

Người dân xã Hải Định thất thu do hàng chục héc ta trồng cây ném bị ngập úng

Hiếu Giang |

Bị ngập úng dài ngày do ảnh hưởng đợt mưa lũ vừa qua đã khiến hàng chục héc ta trồng cây ném và các loại hoa màu khác của nông dân xã Hải Định, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) bị thiệt hại nặng.

Liên kết sản xuất, tạo đầu ra bền vững cho gỗ rừng trồng và cao su

Thanh Trúc |

Xác định nông nghiệp- nông dân- nông thôn là định hướng phát triển SX-KD chủ lực, Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị đã triển khai liên kết, thu mua, chế biến, quảng bá và kinh doanh các loại nông sản của tỉnh. Trong đó, việc liên kết thu mua nguyên liệu gỗ rừng trồng, đặc biệt là gỗ có chứng nhận quản lý rừng bền vững (FCS) và mủ cao su đã giải quyết đầu ra sản phẩm cho nông dân.