Mang nụ cười trở lại

Quang Hiệp |

Gắn bó với vùng khó, cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học&THCS Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) không chỉ miệt mài làm nhiệm vụ trồng người mà còn trăn trở tìm cách giúp học sinh luôn vui tươi, hạnh phúc. Họ cũng chính là những người đưa nụ cười trở lại trên môi nhiều em thơ, trong đó có Hồ Thủy Linh, cô học trò từng trải qua 17 ca phẫu thuật.

 

Chuyện buồn của Linh

Trường Tiểu học & THCS Hướng Việt nằm giữa thung lũng xanh tươi. Đứng ở trường, có thể thấy điệp trùng núi cao ẩn hiện giữa lồng lộng mây trời. Trông yên bình vậy nhưng cũng như người dân xã Hướng Việt, các thầy cô đã và đang làm nhiệm vụ ươm chữ giữa thung lũng này luôn phải ở trong tâm thế sẵn sàng cho “cuộc chiến” với thiên tai, đói nghèo, lạc hậu… Cái khó đặt ra biết bao thử thách đối với đường đến trường của học sinh địa phương. Toàn Trường Tiểu học & THCS Hướng Việt hiện có 303 học sinh, phần lớn là người Vân Kiều, thuộc diện hộ nghèo. Mỗi lần thấy một vị trí ngồi trong lớp bị trống, các thầy cô lại lo.

Thầy cô và những tấm lòng hảo tâm đã góp phần đưa nụ cười trở lại trên môi Thủy Linh - Ảnh: Q.H
Thầy cô và những tấm lòng hảo tâm đã góp phần đưa nụ cười trở lại trên môi Thủy Linh - Ảnh: Q.H

Câu chuyện liên quan đến cô bé Hồ Thủy Linh cũng bắt đầu với một vị trí trống như thế. Thấy Thủy Linh vắng học, giáo viên chủ nhiệm liền báo với lãnh đạo nhà trường. Ngay sau đó, các thầy cô nhanh chóng đến nhà học sinh để tìm hiểu nguyên nhân. Thì ra, trong lúc chơi nhảy dây với các bạn, Thủy Linh không may bị chấn thương ở chân. Vì gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bệnh viện lại xa nhà nên ba mẹ Linh đã nhờ một người quen thổi, đắp thuốc cho em theo phong tục. Thế nhưng, chiếc chân đau của cô bé không lành. Linh không thể đi lại được.

Sau cuộc trò chuyện với thầy cô, gia đình Thủy Linh đã tức tốc đưa con gái ra bệnh viện huyện, chuyển về tỉnh, rồi vào tận Huế để khám, điều trị. Kết quả kiểm tra cho thấy Linh bị viêm xương. Để cứu Thủy Linh, cách duy nhất là phải phẫu thuật. Tuy nhiên, không ai dám chắc sau khi phẫu thuật cô bé có thể bình phục hay không. Nhận được thông tin, cả người thân của Linh lẫn thầy cô, bạn bè đều bàng hoàng. Ai cũng mong điều kỳ diệu sẽ đến với cô bé.

Từ khi biết bệnh tình của Thủy Linh, ba mẹ em rất hoang mang, lo lắng. Gia đình Linh không dư dả gì. Để nuôi chị em Linh ăn học, ba và mẹ phải làm việc quần quật suốt ngày. Vậy mà, đôi khi, một bữa cơm ngon, manh áo mới vẫn là cả niềm ước ao của chị em Linh. Giờ Thủy Linh mắc bệnh, ba mẹ em không biết phải xoay chạy vào đâu. Hai người chỉ còn cách bán những thứ có thể bán. Thế nhưng, số tiền mà ba mẹ gom góp để chữa bệnh cho Linh như muối bỏ bể. Nhớ lại ngày ấy, anh Hồ Văn Lập, ba của Thủy Linh chia sẻ: “Đó là giai đoạn khủng hoảng của gia đình tôi. Vợ chồng tôi lo lắng đến mức ăn không ngon, ngủ không yên. Đêm nào tôi cũng mơ con thoát khỏi những cơn đau và có thể đi lại được”.

Tiếp sức cho trò vượt bệnh tật

Đến giờ, mỗi lần nhắc tới Thủy Linh, cô Nguyễn Thị Thúy Phụng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Hướng Việt vẫn không giấu được sự xúc động. Cô Phụng quê ở huyện Triệu Phong. Tốt nghiệp đại học, năm 2007, cô tình nguyện lên huyện miền núi Hướng Hóa “trồng người”. Sau nhiều năm đứng lớp ở xã Hướng Phùng, cô Phụng được luân chuyển vào Hướng Việt, đảm nhận trọng trách phó hiệu trưởng. “Khi mới chuyển vào công tác, tôi nhận được thông tin về hoàn cảnh của Thủy Linh. Về thăm nhà, tôi xót xa khi thấy em ấy không thể đi lại được, chân rỉ mủ, đau đớn. Tôi và đồng nghiệp chỉ mong sau khi em đến viện, mọi chuyện sẽ ổn. Nào ngờ…”, cô Phụng bỏ lửng câu nói.

Thủy Linh tích cực học tập để không phụ lòng thầy cô - Ảnh: Q.H
Thủy Linh tích cực học tập để không phụ lòng thầy cô - Ảnh: Q.H

Thương và biết rõ hoàn cảnh gia đình học trò, cô Phụng cùng đồng nghiệp bàn nhau tìm cách giúp học sinh. Ngay sau đó, lãnh đạo, giáo viên, phụ huynh, học sinh của trường đã gom góp người ít, người nhiều để hỗ trợ Thủy Linh có kinh phí phẫu thuật. Thấy số tiền còn khá ít, cô Phụng và các thầy cô chia sẻ câu chuyện của Linh lên mạng xã hội, mong tìm thấy sự đồng cảm, quan tâm của mọi người. Từ đây, các nhà hảo tâm đã biết đến và chung tay. Nghe câu chuyện của Linh, một nhà hảo tâm ở xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa liền vẽ tranh, bán đấu giá để lấy tiền ủng hộ em chữa bệnh.

Không ai nghĩ, hành trình vượt qua căn bệnh viêm xương của em Hồ Thủy Linh lại dài và gian khó đến thế. Cô bé người Vân Kiều phải trải qua rất nhiều lần phẫu thuật. Mỗi ca phẫu thuật là một cơn ác mộng đối với Linh. Cơn ác mộng ấy càng khủng khiếp hơn khi sau đó các bác sĩ cho biết Thủy Linh vẫn chưa thể lành bệnh. Giữa những cơn đau, động lực khiến cô bé vượt qua chính là tình cảm của gia đình, thầy cô, bạn bè. Những ngày ở viện, Linh thường xuyên nhận được những cuộc gọi, lời hỏi thăm từ giáo viên và bạn bè. Các thầy cô động viên Linh chịu khó đọc sách, làm bài để không bị hụt mất kiến thức. Mỗi lần em được trở về nhà, một số giáo viên dành thời gian đến tận nơi, giúp Linh “học đuổi” cho kịp bạn bè.

Sự bền bỉ của gia đình, thầy cô và nhà hảo tâm đã tiếp sức cho Thủy Linh. Thế nhưng, may mắn lại không mỉm cười với em. Bệnh tình của Linh không thuyên giảm mà có dấu hiệu trở nặng. Không còn cách nào khác, các bác sĩ yêu cầu tháo khớp chân của Linh. Hơn 4 năm chống chọi với căn bệnh, đã trải qua 16 lần phẫu thuật, đây là điều Linh và mọi người xung quanh đều không mong muốn. “Ban đầu, gia đình em không chịu nhưng các bác sĩ khuyên nếu không tháo khớp chân thì bệnh em sẽ nặng hơn. Thế nên, em phải bước vào lần phẫu thuật thứ 17, bỏ đi chiếc chân của mình”, Linh không giấu được dòng nước mắt chia sẻ về ngày tháng khó khăn ấy.

Món quà trong mùa tri ân

Đối với một cô bé lớp 9, việc mất đi sự lành lặn của đôi chân là điều quá khủng khiếp. Dù đã chuẩn bị tinh thần suốt nhiều năm nhưng cú sốc về cả thể xác lẫn tinh thần vẫn quá sức chịu đựng đối với em Hồ Thủy Linh. Trở về nhà sau ca phẫu thuật thứ 17, Linh thu mình lại trong căn nhà nhỏ. Em tránh gặp mọi người và không muốn đến trường. Chiếc nạng mà các thầy cô xin cho Thủy Linh nằm bơ vơ ở góc nhà, ít được dùng đến.

Nỗi niềm của Linh được các thầy cô Trường Tiểu học & THCS Hướng Việt thấu cảm. Trăn trở tìm cách giúp học trò, cô Phụng chợt nhớ đến một bác sĩ và cũng là ân nhân đã hỗ trợ mình lúc bị tai nạn, không đi lại được. Sau khi nhận được cuộc gọi của cô Phụng, vị bác sĩ giàu lòng yêu thương đã liên hệ với một nhóm thiện nguyện chuyên hỗ trợ người có công, trẻ khuyết tật và chia sẻ về hoàn cảnh Thủy Linh. Nhờ thế, ba và em Hồ Thủy Linh được đưa ra Nghệ An để làm chân giả. Trong những ngày xa nhà, mọi chi chí xăng xe, ăn ở của hai ba con được nhóm thiện nguyện lo. Hôm Thủy Linh cùng ba rời Nghệ An, một số tình nguyện viên còn đặt vào tay em món tiền và quà hỗ trợ.

Em Hồ Thủy Linh chụp ảnh lưu niệm với cô giáo Nguyễn Thị Thúy Phụng - Ảnh: Q.H​
Em Hồ Thủy Linh chụp ảnh lưu niệm với cô giáo Nguyễn Thị Thúy Phụng - Ảnh: Q.H​

Thấy Linh trở về bản với chiếc chân giả, mọi người vừa mừng, vừa thương. Đón em trong vòng tay, lãnh đạo, giáo viên Trường Tiểu học & THCS Hướng Việt trao tặng 2 con dê cùng 9 triệu đồng do nhà hảo tâm gửi tặng. Hơn 4 năm nay, thầy cô vẫn luôn là chiếc cầu nối bền bỉ giữa nhà hảo tâm với Thủy Linh. Tất cả khoản tiền hỗ trợ em được thông tin cụ thể, công khai, minh bạch. Trong những ngày cô bé điều trị, nhiều thầy cô đã trở thành nhà hảo tâm cho em dù họ rất khó khăn. Một số thầy cô kết hôn lâu năm nhưng vẫn chưa có nổi căn nhà riêng để ở. Vậy mà, không ai tiếc gì với học trò của mình.

Hôm chúng tôi lên thăm Trường Tiểu học & THCS Hướng Việt, các thầy cô vui mừng cho biết, Linh đã rời cây nạng, đi được trên chiếc chân giả. Gương mặt cô bé người Vân Kiều cũng không còn buồn hiu hắt như trước. Các thầy cô khẳng định, nụ cười của Thủy Linh chính là món quà ý nghĩa nhất mà mình nhận được trong mùa hiến chương năm nay.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Người Thầy gieo chữ, gieo tình...

Hoàng Thủy |

Về làng tôi, hỏi thăm nhà thầy Diệm (Hoàng Ngọc Diệm), chắc hẳn ai cũng sẽ được người quê chỉ đường tận tình, nếu cần họ sẵn lòng đưa vào tận ngõ. Con người ấy đến nay gần tròn tuổi 90, lặng lẽ gieo chữ, gieo tình cho biết bao thế hệ học trò từ năm 1960…

Vượt khó dạy chữ ở Ba Lòng

Tú Linh |

Mấy mươi năm qua, thầy cô giáo Trường Tiểu học &THCS Ba Lòng, xã Ba Lòng, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã không quản gian khổ, cách trở, bền bỉ dạy chữ, dạy người cho biết bao thế hệ học sinh con em vùng chiến khu xưa Ba Lòng trưởng thành, góp sức xây dựng quê hương, đất nước.

10 năm hành trình “trao yêu thương, nhận nụ cười”

Lê Trường |

Qua những chuyến công tác ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa của Quảng Trị, chứng kiến cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn của trẻ em nơi đây, một nhóm bạn trẻ đã có ý tưởng lập ra một câu lạc bộ (CLB) thiện nguyện nhằm kêu gọi, hỗ trợ, giúp đỡ các em vùng khó vơi bớt những thiệt thòi. Trải qua thời gian 10 năm hoạt động, CLB thiện nguyện có tên Ươm Nắng của những người trẻ này đã góp phần mang đến yêu thương cho nhiều trẻ em vùng khó.

Chuyện đi tìm nhân vật trong bức ảnh “Nụ cười thách thức bom đạn”

Hoàng Táo |

Tháng 7/2020, bức ảnh “Nụ cười thách thức bom đạn” của Đoàn Công Tính được Tỉnh ủy Quảng Trị chọn để đúc vào trống đồng, do Hội Di sản cổ vật Thanh Hóa cung tiến. Sự kiện này khiến nhiều người nhớ lại câu chuyện đi tìm nhân vật trong bức ảnh cách đây 20 năm, được kể lại bởi ông Trần Khánh Khư, nguyên Trưởng Ban quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị.