Nhằm nâng cao đời sống của nhân viên cấp dưỡng trong trường mầm non công lập, tạo điều kiện để các trường tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc bán trú cho trẻ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, ngày 8/12/2018, HĐND tỉnh Quảng Trị ban hành Nghị quyết số 35/2018/NQ-HĐND về thực hiện chế độ lương và hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với lao động hợp đồng vị trí nấu ăn trong trường mầm non công lập (Nghị quyết 35). Đây thực sự là một chính sách mang nhiều ý nghĩa.
Với sự hỗ trợ của tỉnh, 2 năm qua, chị Nguyễn Thị Hồng, nhân viên cấp dưỡng của Trường Mầm non số 1 Đakrông, huyện Đakrông thêm yên tâm làm việc. Chị Hồng cho biết: “Tôi thực sự vui mừng, phấn khởi trước sự quan tâm của nhà nước đối với nhân viên cấp dưỡng tại các trường mầm non công lập khi được cấp lương ổn định và hỗ trợ đóng các loại bảo hiểm. Đó là sự động viên, khích lệ lớn để chúng tôi gắn bó lâu dài với nghề”. Đối với những trường mầm non vùng cao, nơi cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, kinh phí hoạt động hạn chế, Nghị quyết 35 đã góp phần “gỡ khó” cho các trường trong việc tuyển dụng nhân viên, cân đối thu nhập cho các nhân viên cấp dưỡng từ nhiều nguồn.

Hiệu trưởng Trường Mầm non số 1 Đakrông Trần Thị Thu cho biết thêm: “Hiện tại, trường có 15 lớp phân bổ tại 6 điểm trường, có 6 nhân viên cấp dưỡng chăm sóc bữa ăn cho 262 cháu. Trước năm 2018, mặc dù có 6 điểm trường nhưng đơn vị chỉ hợp đồng được 4 nhân viên cấp dưỡng, kinh phí do nhà trường tự chi trả. Có những điểm trường lẻ do số lượng trẻ ít, thiếu nhân viên cấp dưỡng nên phụ huynh phải mang cơm theo cho các cháu. Bởi vậy, khi tỉnh ban hành chính sách về chế độ lương, đóng bảo hiểm cho nhân viên cấp dưỡng, nhà trường rất phấn khởi. Nghị quyết 35 được thực hiện đã tạo điều kiện rất lớn cho nhà trường trong việc tổ chức bán trú cho 100% trẻ, giảm tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng, tỉ lệ trẻ mẫu giáo đi học đạt 100%. Đối với nhân viên cấp dưỡng, tuy tiền lương còn chưa cao (khoảng hơn 3 triệu/người/tháng) nhưng họ được hưởng lương đều đặn, được tham gia đóng các loại bảo hiểm theo quy định nên rất phấn khởi gắn bó với nghề, luôn tận tâm với công việc được giao”. Trao đổi với chúng tôi, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đakrông Nguyễn Sỹ Huấn cho hay: “Nghị quyết 35 được triển khai còn tạo điều kiện thuận lợi cho các trường mầm non công lập trên địa bàn tổ chức dạy 2 buổi/ngày và tổ chức bán trú cho các cháu, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục địa phương. Bên cạnh đó, qua hơn 2 năm thực hiện nghị quyết đã tạo điều kiện cho 75 lao động địa phương tìm được việc làm tại các trường mầm non với thu nhập ổn định”.
Cùng với công tác dạy, trông trẻ thì đội ngũ nhân viên cấp dưỡng là một trong những bộ phận quan trọng của bậc học mầm non. Nhiệm vụ của các nhân viên cấp dưỡng khá nặng nề với nhiều công đoạn từ việc lên thực đơn; lựa chọn thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; chế biến thức ăn phù hợp với độ tuổi của trẻ; thực hiện các quy trình vệ sinh, dọn dẹp… Thống kê của cơ quan chức năng cho biết, thực hiện Nghị quyết 35, đến nay tất cả nhân viên cấp dưỡng tại các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh (khoảng 750 người) đều được trả lương và hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa theo quy định của nghị quyết. Bên cạnh đó, một số đơn vị còn huy động các nguồn kinh phí hợp pháp để đóng bảo hiểm cho nhân viên cấp dưỡng trong 3 tháng hè. Nghị quyết 35 đã cải thiện rõ rệt đời sống của nhân viên cấp dưỡng cũng như chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại các trường mầm non trên địa bàn tỉnh.
Tuy vậy, hiện nay đời sống của đội ngũ nhân viên cấp dưỡng các trường mầm non công lập vẫn còn khó khăn do mức lương so với mặt bằng chung còn thấp. Đa số các trường mầm non có nhiều điểm trường lẻ vẫn chưa có bếp ăn nên nhà trường bố trí nấu từ điểm này đưa qua điểm khác gây không ít khó khăn cho nhân viên cấp dưỡng. Không ít trường chưa đóng được các loại bảo hiểm cho nhân viên cấp dưỡng 3 tháng hè nên họ phải tham gia bảo hiểm tự nguyện, ảnh hưởng đến thu nhập. Hợp đồng lao động vị trí nấu ăn không được ngân sách cấp kinh phí chi khác nên khó khăn cho các trường trong quá trình thực hiện các chế độ công tác phí, văn phòng phẩm, trang phục bảo hộ lao động, hoạt động hỗ trợ người lao động. Việc thực hiện chi trả lương cho lao động hợp đồng vị trí nấu ăn được áp dụng theo mức lương tối thiểu vùng, tuy nhiên từ ngày 1/1/2020 đến nay người lao động vẫn chưa được hưởng lương mới theo điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng của năm 2020, nhưng phía bảo hiểm xã hội vẫn yêu cầu phải nộp bảo biểm theo mức lương mới áp dụng đối với mức lương tối thiểu vùng tăng, điều này gây khó khăn cho người lao động.
Trước thực tế này, Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất UBND tỉnh, các ngành chức năng tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chế độ, chính sách đối với nhân viên cấp dưỡng trường mầm non công lập tại các địa phương. Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương xem xét, bổ sung trả lương cho nhân viên cấp dưỡng tại các trường mầm non công lập nghỉ việc trong thời gian bị ảnh hưởng COVID-19 được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP, ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do COVID-19, đồng thời thực hiện trả lương theo mức lương tối thiểu vùng được nhà nước quy định.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)