Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động nông thôn

Lê An |

Phát triển nguồn nhân lực lao động trực tiếp, đặc biệt là lao động nông thôn được xem là yếu tố quyết định thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giúp nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Chị Trương Thị Thanh Tâm ở thôn Đoàn Kết, xã Cam Chính là một trong những lao động có thu nhập khá nhờ tham gia học nghề. Mặc dù đã có nhiều năm chăn nuôi gà nhưng trước đây chị chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm của mình nên gà thường chậm lớn, chi phí sản xuất cao, lại gây ô nhiễm môi trường. Sau khi học xong lớp đào tạo nghề chăn nuôi gà an toàn do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện triển khai, chị đã mạnh dạn mở rộng chuồng trại, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Mô hình nuôi gà thịt của chị Trương Thị Thanh Tâm cho thu nhập từ 20 - 30 triệu đồng/tháng -Ảnh: L.A
Mô hình nuôi gà thịt của chị Trương Thị Thanh Tâm cho thu nhập từ 20 - 30 triệu đồng/tháng -Ảnh: L.A

Chị Tâm cho biết, hiện nay chị đang có 3 chuồng nuôi khép kín với đầy đủ hệ thống máng ăn, máng uống, nền chuồng được phủ bằng đệm lót sinh học để giảm mùi hôi. Với phương thức nuôi gối đầu nhau, hiện tại mỗi tháng chị xuất bán từ 1.000 - 1.500 con gà thịt, mang lại lợi nhuận từ 20 - 30 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

“Nhờ áp dụng những kiến thức đã được học từ lớp đào tạo nghề như cách phòng trị bệnh, cách phối trộn thức ăn, sử dụng đệm lót sinh học… mà đàn gà của gia đình tôi luôn phát triển ổn định. Không những thế, một số học viên chúng tôi đã liên kết với nhau thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi gà Cùa để hỗ trợ nhau phát triển sản xuất”, chị Tâm cho biết thêm.

Cũng tại xã Cam Chính, sau khi tìm hiểu thị trường, nguồn nhân lực, năm 2020, ông Nguyễn Văn Cảnh ở thôn Mai Lộc 2 quyết định thành lập Nhà máy may xuất khẩu Cảnh Lộc với ngành nghề chủ yếu là may gia công các mặt hàng áo dạ xuất khẩu. Để đảm bảo tay nghề cho người lao động, đáp ứng yêu cầu của các đơn hàng, ông Cảnh đã phối hợp với Trung tâm GDNN - GDTX huyện tổ chức lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho toàn bộ công nhân trong nhà máy.

Huyện Cam Lộ hiện có trên 22.650 lao động trực tiếp trong độ tuổi có khả năng lao động. Từ năm 2018 đến nay, huyện đã mở được 44 lớp đào tạo nghề cho hơn 1.700 lao động, trong đó đào tạo nghề nông nghiệp cho gần 570 lao động và phi nông nghiệp cho gần 1.150 lao động. Tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật được 79 lớp với hơn 3.500 lượt người tham gia. Tổng số lao động đã qua đào tạo trên địa bàn huyện hơn 12.750 người, đạt tỉ lệ 56,27%.

Đến nay, bình quân mỗi tháng nhà máy của ông tạo việc làm ổn định cho hơn 70 công nhân tại địa phương với thu nhập từ 4 - 7 triệu đồng/tháng. Trao đổi với chúng tôi, ông Cảnh cho biết, do nhiều địa phương trong cả nước hiện đang phải tạm ngừng sản xuất nên nhà máy của ông nhận được số lượng đơn hàng khá lớn. Để đáp ứng yêu cầu sản xuất, hiện tại ông đang mở thêm 1 dây chuyền may với số lượng lao động cần tuyển thêm từ 40 - 50 người. Đây là cơ hội rất lớn để lao động tại địa phương, trong đó có những người trở về quê hương do ảnh hưởng của COVID-19 từ các tỉnh, thành phố phía Nam có việc làm, bảo đảm thu nhập, ổn định đời sống.

Huyện Cam Lộ đã gắn công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với việc đáp ứng nhu cầu tổ chức sản xuất các sản phẩm công nghiệp có thế mạnh của địa phương. Bên cạnh đó, huyện đã tạo điều kiện thuận lợi về chính sách, cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất tại các cụm công nghiệp, xã, thị trấn thu hút hàng trăm lao động của địa phương sau đào tạo vào làm việc như nghề may công nghiệp, chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất vật liệu xây dựng…

Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Nguyễn Thanh Bắc khẳng định, việc thực hiện Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã giúp người nông dân thay đổi nhận thức. Từ thói quen lao động nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp, giờ đây phần lớn nông dân đã mạnh dạn làm ăn nhờ những kiến thức, hiểu biết thông qua các lớp đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật… để mang lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất, kinh doanh. Nhiều mô hình đào tạo được triển khai thực hiện có hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho người lao động như mô hình chăn nuôi gà thả vườn; kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồ tiêu, cây lạc, cây dược liệu…Qua khảo sát, số người được đào tạo nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục việc làm cũ nhưng năng suất và thu nhập cao hơn đạt trên 90%. Đáng chú ý, đã có 330 lao động được đào tạo theo mô hình liên kết với doanh nghiệp và toàn bộ được ký hợp đồng lao động sau khi đào tạo.

Ông Nguyễn Thanh Bắc cho biết, theo Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đến năm 2025 tỉ lệ lao động trực tiếp qua đào tạo toàn huyện đạt trên 65%, hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo và đào tạo lao động trình độ cao. Tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 2.000 - 2.500 lao động/ năm. Giải quyết việc làm cho khoảng 1.200 - 1.300 người/năm.

Để đạt được mục tiêu trên, huyện Cam Lộ đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn tham gia các lớp đào tạo nghề. Đồng thời, rà soát nhu cầu đào tạo để xây dựng những mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, đảm bảo phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tiềm năng lợi thế của địa phương.

Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu các mô hình kinh tế có hiệu quả cao; đưa các giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế vào sản xuất; khuyến khích các mô hình sản xuất mới, thu hút nhiều lao động. Từng bước chuyển đổi mô hình đào tạo theo “những gì thị trường cần” và hướng tới đào tạo “những gì thị trường sẽ cần”, từ đó đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng lao động.

“Trước mắt, huyện đang tập trung rà soát, nắm bắt số lượng, ngành nghề, trình độ tay nghề của các lao động đang làm việc tại các tỉnh, thành phía Nam trở về quê do ảnh hưởng của COVID-19. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động có nhu cầu. Đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp trên địa bàn để nhằm có hướng giải quyết việc làm hiệu quả nhất”, ông Bắc cho biết thêm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Phát triển chăn nuôi hữu cơ theo chuỗi khép kín

Lê Trường |

Mô hình chăn nuôi tổng hợp theo hướng hữu cơ của anh Nguyễn Đăng Vương ở thôn Bình An, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) bước đầu đã mang lại hiệu quả, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, giải quyết việc làm cho một số lao động địa phương.

Nuôi vịt trên sàn lưới, bước đi “đột phá” trong ngành chăn nuôi tại miền núi

Trường Sơn |

Thay vì chăn nuôi vịt truyền thống bằng cách chăn thả trên đồng ruộng, ao hồ thì nhiều hộ chăn nuôi ở xã Tân Long (Hướng Hóa, Quảng Trị) đã áp dụng hình thức chăn nuôi vịt trên sàn lưới. Bước đầu đã phát huy được hiệu quả, tăng năng suất và đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế được dịch bệnh.

Hiệu quả từ chăn nuôi vịt trên sàn lưới tại Hướng Hóa

Bích Liên |

Những năm gần đây, bên cạnh cách nuôi vịt truyền thống như chăn thả trên đồng hay ao hồ, hiện nay nhiều nông dân ở xã Tân Long, huyện Hướng Hóa (Quảg Trị) mạnh dạn áp dụng những hình thức chăn nuôi vịt trên sàn lưới. Cách làm mới này đã và đang phát huy hiệu quả, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh vừa tăng năng suất cho các hộ nông dân tại đây. 

Thành công từ những mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp

Kô Kăn Sương |

Sau khi nhiều chính sách ưu đãi bị cắt giảm, người dân ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã chủ động tìm hướng làm ăn mới phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, có những hộ dân biết cách khai thác điều kiện tự nhiên, đất đai sẵn có, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để xây dựng thành công các mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp.