Ngôi nhà mới của những đứa trẻ ở gầm cầu

Phan Hoài Hương |

Từ giữa tháng 6/2023, những đứa trẻ sống dưới gầm cầu Đông Hà (Quảng Trị) đã có một mái ấm.

Từ đây, giấc ngủ của các em được tròn hơn, bước chân đến trường cũng bớt chông chênh hơn. Dù bên cạnh không có ba mẹ chăm sóc nhưng tình thương yêu của các cô chú ở mái ấm tình thương cùng nhiều tấm lòng khác trong xã hội sẽ bù đắp phần nào những mất mát mà các em phải gánh chịu. Hành trình đi tìm mái ấm cho những đứa trẻ này là câu chuyện xúc động, nhân văn.

Hơn 6 năm về trước, trong một phiên tòa xét xử hai vợ chồng về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, chúng tôi có ấn tượng đặc biệt về những đứa con của hai bị cáo. Đọng lại trong chúng tôi là câu hỏi đầy trăn trở: những đứa trẻ này sẽ ra sao khi ba mẹ lần lượt đi thụ án?

Phiên tòa diễn ra vào một ngày mùa đông, cái lạnh khiến những đứa trẻ co ro, sợ hãi. Thời điểm đó, đứa con út mới chỉ hơn 1 tháng tuổi, thỉnh thoảng giật mình khóc to khiến vợ bị cáo cứ thấp thỏm không yên. Hai đứa trẻ, một bé trai lên 4 tuổi (con riêng của H. - tên người vợ) và một bé gái 2 tuổi thì cứ quanh quẩn ngoài hành lang, thỉnh thoảng đưa mắt vào trong, tò mò không biết ba mẹ đang làm gì. Phiên tòa năm đó, người chồng bị tuyên án 7 năm tù, người vợ 5 năm tù nhưng vì đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi nên được hoãn thi hành án.

Chị Hiền (thứ nhất từ trái sang) và chị Thanh Thúy (thứ 2 từ phải sang) cùng các cháu nhỏ trước giờ khởi hành ra Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh -Ảnh: H.N
Chị Hiền (thứ nhất từ trái sang) và chị Thanh Thúy (thứ 2 từ phải sang) cùng các cháu nhỏ trước giờ khởi hành ra Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh -Ảnh: H.N

Chừng đó thời gian trôi qua, những đứa trẻ ngày nào đã lớn. H. cũng đã sinh thêm một người con nữa. Do hoàn cảnh đẩy đưa, nhà không có nên mấy mẹ con dạt về sống dưới gầm cầu, bữa đói bữa no qua ngày. Lại nói về người mẹ, sau bản án năm nào chưa thi hành, cô lại tiếp tục phạm tội, bị tuyên án về một tội danh khác và thời gian phải thi hành án đang đến rất gần vì con nhỏ đã ngoài 36 tháng tuổi.

May mắn trong hoàn cảnh đó, những đứa trẻ này đã được giúp đỡ để vào sống ở Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh. Từ đây, người mẹ có thể yên tâm phần nào để thi hành bản án phạt tù sau thời gian được tạm hoãn. Phía sau câu chuyện “cổ tích” này là hành trình đầy trách nhiệm và yêu thương của những cán bộ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) TP. Đông Hà.

Trưởng Phòng LĐ,TB&XH TP. Đông Hà Võ Thị Thanh Thúy cho biết: “gần tết Nguyên đán 2023, chúng tôi tiếp nhận thông tin có một số em nhỏ sống ở gầm cầu Đông Hà. Người mẹ của những đứa trẻ này được phản ánh có nhân thân không tốt, khó gần và khó tiếp xúc”.

Từ thông tin đó, chị Thúy cùng đồng nghiệp đã về tận nơi để nắm bắt vụ việc. Đúng như thông tin phản ánh, dưới gầm cầu là 4 đứa trẻ (2 trai, 2 gái), đứa lớn sinh năm 2010, đứa nhỏ nhất sinh năm 2020 đang sống với mẹ. Tuy nhiên, ấn tượng về người mẹ thì khác so với những gì cán bộ Phòng LĐ,TB&XH đã nghe trước đó. Người mẹ này khá dễ gần, ăn nói rành mạch, lễ phép.

Qua trò chuyện, chị đã kể về cuộc đời éo le của mình và hoàn cảnh đáng thương của những đứa trẻ. Trong thời gian được hoãn thi hành án, H. phải đi nhặt phế liệu để nuôi những đứa con. Trước đây, mấy mẹ con H. sống trong ngôi nhà được cho mượn trên đường Cửa Tùng ở Phường 1 (TP. Đông Hà). Không may, vào một buổi tối, đóng phế liệu mà cô mang về nhà phát nổ khiến đứa con trai sinh năm 2010 bị thương ở mắt. Do không có tiền chữa trị nên tình trạng bệnh của cháu càng bị nặng.

Trong thời gian xảy ra COVID-19, do túng quẩn nên H. nảy sinh trộm cắp, phải lãnh án 1 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”, chấp hành với bản án 5 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” trước đó, tổng hợp là 6 năm tù. Sự xuất hiện của những cán bộ Phòng LĐ, TB&XH như chiếc phao cứu sinh đối với người mẹ tại thời điểm đó, khi thời gian phải thi hành các bản án đang đến rất gần.

Sau khi biết hoàn cảnh của mấy mẹ con, chị Thúy cùng cán bộ Phòng LĐ, TB&XH quyết tâm tìm mái ấm cho các em, cũng là tạo điều kiện để người mẹ yên tâm đi thi hành án. Tuy nhiên, dù có nhiều kinh nghiệm trong tiếp nhận, xử lý người lang thang, cơ nhỡ nhưng theo chị Thúy, trước nay chưa có trường hợp nào phức tạp như trường hợp của mấy mẹ con H. Theo quy định thì những đứa trẻ này thuộc trường hợp được nuôi dưỡng khẩn cấp tại trung tâm bảo trợ xã hội ở Quảng Trị.

Tuy nhiên khi xác minh thì Phòng LĐ,TB&XH phát hiện ở Hà Tĩnh vẫn còn gia đình bên ngoại các cháu sinh sống nên phải chuyển các cháu ra trung tâm bảo trợ ngoài đó. Để giải quyết vấn đề này, Phòng LĐ,TB&XH đề xuất Sở LĐ,TB&XH Quảng Trị gửi văn bản đề nghị Hà Tĩnh xem xét tiếp nhận các cháu. Và cuối cùng, mái ấm đón các cháu là Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh.

Khi mọi chuyện tưởng chừng xong xuôi thì nảy sinh một khó khăn khác, đó là giấy tờ khai sinh của những đứa trẻ này không có. Đây là thủ tục bắt buộc để các em được Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh tiếp nhận. “Lại một lần nữa, chúng tôi phải tỏa đi các hướng để tìm kiếm thông tin và tìm cách tháo gỡ khó khăn này”, chị Thúy chia sẻ. Phải qua nhiều thủ tục, cán bộ Phòng LĐ, TB&XH mới làm được bản sao giấy khai sinh cho cả 4 người con của H.

Ngày những đứa trẻ được đưa ra nhà mới, chị Thúy cùng đồng nghiệp đã theo cùng. Nhìn những đứa trẻ hồn nhiên, quấn quýt bên mẹ mà các chị không khỏi rưng rưng. Dù người mẹ này đã từng lầm lỗi nhưng các chị đều cảm nhận rằng cô ấy dạy con rất tốt. Những đứa trẻ ngoan ngoãn, hiểu chuyện, không hề quấy rầy mẹ và những người xung quanh.

Chia tay mẹ, các em không hề gào khóc, chỉ vẫy tay chào mẹ mà nước mắt chảy dài. Người mẹ cũng luyến lưu không nỡ xa các con, nhắn nhủ người con gái lớn hãy ôm em trước mỗi giấc ngủ, hãy chăm sóc và đừng quát mắng em.

Câu hỏi của một đứa trẻ khiến chị Thúy cay ở sống mũi: “Dì ơi, khi mô mẹ cháu về?”. “Chỉ vài cái Tết thôi con nhé”, chị trả lời mà hy vọng người mẹ nghe được, biết được sự trong ngóng của các con để cải tạo thật tốt, sớm trở về đoàn viên cùng bầy con thơ.

“Hành trình tìm mái ấm cho những đứa trẻ ở gầm cầu là câu chuyện đáng nhớ đối với chúng tôi. Hiện nay, các em được chăm sóc chu đáo tại Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh.

Cháu nhỏ nhất được cho đi học trường mầm non quốc tế, những cháu khác đều được đến trường. Riêng đối với cháu trai bị hỏng mắt sẽ được đưa đi chữa trị”, chị Thúy chia sẻ thêm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Những thực trạng đáng lo ngại về bữa sáng của trẻ em Việt Nam

Thanh Mai |

Sữa là nguồn protein dồi dào, song thường xuyên thiếu vắng trong các bữa ăn sáng của trẻ em.

Trao hơn 150 suất quà và bữa ăn yêu thương cho trẻ em vùng cao

Bảo Phú |

Ngày 1/7/2023, CLB Ươm Nắng (TP. Đông Hà, Quảng Trị) phối hợp với BCH Đoàn xã Húc Nghì tổ chức chương trình “Nắng yêu thương” cho hơn 150 em nhỏ tại thôn Cựp, xã Húc Nghì (Đakrông, Quảng Trị).  

Diễn đàn Đại biểu Quốc hội - HĐND tỉnh với trẻ em năm 2023

Tây Long |

Ngày 18/6, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) - HĐND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức Diễn đàn ĐBQH - HĐND tỉnh với trẻ em năm 2023, chủ đề: “Phòng chống tổn hại cho trẻ em”. 

Lắng nghe trẻ em nói

Trần Cát Linh |

Diễn đàn đối thoại với Hội đồng trẻ em là nơi để trẻ em mạnh dạn nói lên tiếng nói về tâm tư, nguyện vọng của mình và được các cấp, các ngành lắng nghe, ghi nhận và làm cơ sở để giải quyết các vấn đề cho trẻ em.