Thời gian gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều trường hợp người cao tuổi (NCT) liên tục bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn qua mạng bằng công nghệ tinh vi.
Vì vậy, các thành viên trẻ tuổi trong gia đình nên dành thời gian nhiều hơn nữa quan tâm đến NCT để giúp họ nhận ra những yếu tố mà họ không đủ thông tin và độ tỉnh táo để ứng xử với các tình huống bất ngờ trong xã hội. Đặc biệt, con, cháu nên nói chuyện với NCT trong gia đình về những tình huống lừa đảo có thể gặp để họ không trở thành nạn nhân.
Đầu tháng 7/2023, bà Lê Thị Lưu (tên nhân vật đã thay đổi), hưu trí, ở Khu phố 3, Phường 1, TP. Đông Hà bất ngờ nhận được cuộc gọi từ người lạ. Người này tự xưng là cán bộ điều tra của Công an tỉnh Quảng Trị, thông báo gia đình bà đang vay nợ 50 triệu đồng nhưng không chịu trả nên bị gửi hồ sơ đến cơ quan chức năng để khiếu kiện; với món nợ này vợ chồng bà Lưu có thể bị truy cứu hình sự.
Người lạ yêu cầu bà Lưu chuyển số tiền 20 triệu đồng vào tài khoản của mình, nếu không sẽ bị bắt giam, các con của bà cũng bị ảnh hưởng. Người lạ tiếp tục đề nghị bà Lưu phải xác định họ tên, số điện thoại và số căn cước công dân (CCCD).
Khi bà Lưu đang loay hoay tìm CCCD để đọc số thì chồng bà ngồi cạnh biết được sự tình liền cầm điện thoại của bà Lưu để tiếp tục nói chuyện với người lạ. Lúc này người lạ ở đầu dây bên kia biết sự việc lừa đảo bị phát hiện nên tắt máy.
Sau đó bà Lưu cùng chồng gọi điện thoại cho con trai kể về sự việc thì con trai cho biết, nếu bà cung cấp số CCCD cho đối tượng lừa đảo như vậy thì nguy cơ cao tài khoản tiền gửi cá nhân tại ngân hàng của bà Lưu bị chúng rút sạch. Ngoài ra, chúng còn sử dụng số CCCD này để thực hiện nhiều hành vi lừa đảo khác. Nghe đến đây bà Lưu mới tỉnh ngộ, giải thích rằng không hiểu tại sao lúc nghe điện thoại, bà thấy rất lo sợ nên làm theo những gì kẻ gian yêu cầu. May sao sự việc chưa dẫn đến hậu quả xấu.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tỉnh táo như vợ chồng bà Lưu. Một trường hợp khác tại Phường 5, TP. Đông Hà không được may mắn như thế. Cụ thể, bà Phong (tên nhân vật đã thay đổi), một cán bộ công chức về hưu, nhận được cuộc gọi video từ tài khoản facebook của em gái hiện đang ở TP. Hồ Chí Minh. Qua cuộc gọi video bà nhìn thấy hình ảnh em gái nhưng chập chờn rồi cuộc trao đổi bị tắt giữa chừng.
Sau đó, tài khoản trên nhắn tin, trao đổi với bà Phong với lý do mạng chậm, không gọi được, chỉ nhắn tin. Nội dung tin nhắn là em gái nhờ chị chuyển 50 triệu đồng vào tài khoản gửi kèm do em gặp được lô hàng rẻ nhưng chất lượng nên mua nhiều để trữ bán dần. Tin tưởng tin nhắn của “em gái” nên không cần gọi điện thoại xác minh, bà Phong gom tiền từ 3 tài khoản tiết kiệm online của mình và chuyển tiền theo yêu cầu nội dung tin nhắn. Chuyển xong bà gọi cho em gái theo tài khoản của facebook thì bị chặn.
Bà Phong tiếp tục gọi điện thoại cho em gái, lúc ấy mới hay em gái bà không biết tài khoản mình bị kẻ gian đánh cắp và dùng để lừa đảo chuyển tiền. Nếu như bà Phong báo ngay với cơ quan chức năng thì có thể tài khoản nhận tiền bị phong tỏa ngay lập tức để lấy lại tiền cho bà. Nhưng sau khi biết mình bị lừa, bà Phong cảm thấy tiêu cực, xấu hổ, chán nản nên càng che giấu sự việc.
Cơ quan chức năng của tỉnh cảnh báo, lợi dụng việc đa số NCT thường hay cả tin và không có nhiều kiến thức về công nghệ thông tin, kẻ gian đã nhắm vào họ để tấn công không chỉ tại địa bàn thành phố mà còn cả nông thôn. Một số hình thức lừa đảo NCT được kể đến là giả mạo cơ quan nhà nước (công an, viện kiểm sát, thanh tra, dịch vụ khai thuế…) hoặc dùng deepfake để lấy tiền.
Sau khi đưa ra các chiêu trò để lôi kéo nạn nhân cài đặt các ứng dụng trên, đối tượng xấu sẽ tìm cách chiếm đoạt quyền truy cập vào toàn bộ dữ liệu điện thoại như: thông tin ứng dụng, tài khoản, danh bạ, tin nhắn, hình ảnh, các tập tin tài liệu, mã OTP (sử dụng để xác thực khi giao dịch ngân hàng)… Chiếm được quyền, các đối tượng lập tức đăng nhập vào ứng dụng ngân hàng của nạn nhân và chiếm đoạt tài sản trong tài khoản.
Deepfake là cụm từ được kết hợp từ “deep learning” và “fake”, là phương thức tạo ra các sản phẩm công nghệ giả (fake) dưới dạng âm thanh, hình ảnh hoặc thậm chí là cả video, bởi trí tuệ nhân tạo tinh vi. Kẻ gian cắt video, hình ảnh sau đó dùng những công cụ để tạo deepfake. Khi nhận cuộc gọi video deepfake, thường kẻ gian sẽ ngắt giữa chừng với lý do mất sóng, sóng yếu...
Vì vậy, người dùng cần lưu ý các chi tiết sau đây để nhận diện cuộc gọi lừa đảo: nhân vật trong cuộc gọi có một số dấu hiệu thiếu bình thường, như khuôn mặt thiếu tính cảm xúc và tư thế lúng túng. Màu da của nhân vật trong video cũng có thể bất thường, ánh sáng kỳ lạ, bóng đổ không đúng vị trí khiến cho video trông giả tạo không tự nhiên. Hoặc âm thanh không đồng nhất với hình ảnh, có nhiều tiếng ồn bị lạc vào, hoặc không có âm thanh. Và cuối cùng, tài khoản nhận tiền không phải của người đang thực hiện cuộc gọi.
Để ngăn chặn tình trạng này, những người trẻ tuổi, có lợi thế về CNTT nên nhắc nhở NCT tuyệt đối không truy cập các trang thông tin không chính thống; không cài đặt các phần mềm, ứng dụng từ các nguồn không tin cậy; không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và các tài khoản khác của mình cho bất kỳ ai qua điện thoại, mạng xã hội và các kênh, diễn đàn trực tuyến.
Đặc biệt, không nên tin vào các cuộc giao dịch, mua bán hay sửa chữa qua điện thoại. Tất cả mọi thành viên trong gia đình, cơ quan, đoàn thể cần có trách nhiệm với nhau, chủ động kịp thời thông tin những những mánh khóe của tội phạm lợi dụng công nghệ cao nhằm góp phần tránh được những thiệt hại về vật chất, tinh thần cho mọi người, cùng nhau thúc đẩy, xây dựng xã hội văn minh, thượng tôn các giá trị văn hóa và pháp luật.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)