Đau đáu, đồng cảm vì có những người thân ruột thịt trong gia đình chiến đấu và hy sinh đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt, hàng chục năm qua cựu chiến binh (CCB) Đinh Ngọc Hồi, 68 tuổi ở thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị dành nhiều tâm huyết cho công việc tìm kiếm, cung cấp thông tin về nơi chôn cất liệt sĩ cũng như khảo sát, quy tập hài cốt liệt sĩ tại địa phương.
Với sự tận tâm và nặng lòng với đồng chí, đồng đội, tính đến nay, ông đã góp sức mình trong việc tìm kiếm, quy tập được khoảng 100 hài cốt liệt sĩ trên địa bàn.
Ông Hồi năm nay tròn 47 năm tuổi Đảng, từng nhập ngũ và huấn luyện tại Sư đoàn 441, tỉnh Hà Tĩnh từ năm 1978, đến năm 1982 xuất ngũ. Trở về địa phương, ông từng làm Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Công an xã Hải Lệ…
Đến năm 1999, vì nhiều lý do, ông xin nghỉ trước tuổi trở về làm nông nghiệp. Dù làm bất kỳ công việc gì ông vẫn luôn dành thời gian, tâm huyết với việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Ông Hồi cho biết, chính bản thân mình có một người em con chú ruột đã chiến đấu hy sinh trên địa bàn xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng và một người cậu ruột hy sinh ở chiến khu Ba Lòng (cũng có người nói tập kết ra Bắc rồi hy sinh), đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt nên ông luôn đau đáu nỗi niềm, cố gắng hết sức để hỗ trợ cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại những địa bàn mình nắm rõ.
Khoảng năm 1975-1976, khi tham gia lực lượng rà phá bom mìn phục hồi sản xuất, khi đi ngang một khu vực đồi ở xã Hải Phú, ông Hồi đã nhớ lại và cung cấp thông tin quan trọng để đội quy tập hài cốt liệt sĩ của huyện Hải Lăng quy tập được mười mấy bộ hài cốt liệt sĩ tại đây.
Những liệt sĩ được quy tập lần này thuộc Sư đoàn 312. “Thời điểm năm 1972, tôi là du kích xã, thường xuyên dẫn đường cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ trinh sát, triển khai trận địa chặn đánh quân địch tái chiếm Thành Cổ Quảng Trị nên khá thông thuộc địa hình. Vì thế, khoảng năm 1978, khi có một gia đình ở tỉnh Hà Nam Ninh cũ vào nhờ hỗ trợ tìm mộ của người thân, tôi đã cố gắng tìm hiểu thông tin và kết hợp đi thực tế để tìm mộ giúp gia đình. Khi tìm thấy, liệt sĩ đó còn khá nguyên vẹn, được bọc trong tăng, thân nhân rất vui mừng. Đó là lần đầu tiên tôi giúp thân nhân tìm kiếm và quy tập liệt sĩ”, ông Hồi nhớ lại.
Thời điểm từ năm 1985-1986, khi ông Hồi còn làm xã đội trưởng, ông nhiều lần cùng dân quân về tìm kiếm khu vực bãi mộ liệt sĩ gần khu vực nhà hòa hợp (nơi ta và địch trao đổi thông tin, trò chuyện) thuộc thôn Tích Tường nhưng không có kết quả.
“Khu bãi mộ này tôi phát hiện khoảng những năm 1973-1975 nhưng do nhiều trận mưa lũ lớn tràn về đã làm ngập, lấp hết các phần mộ nên sau này rất khó xác định được vị trí. Mãi sau này, có một cựu chiến binh ngoài miền Bắc vào hỗ trợ và đã tìm được 11 hài cốt liệt sĩ tại khu vực đó”, ông Hồi cho biết.
Cách đây vài năm, ông Hồi cũng cung cấp thông tin quan trọng để góp phần giúp lực lượng quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh tìm được 40 hài cốt liệt sĩ tại bãi Soi giữa thôn Tân Mỹ và thôn Như Lệ.
Những năm trở lại đây, dù bận bịu việc gia đình nhưng thỉnh thoảng ông Hồi cũng dẫn đường giúp các gia đình tìm hài cốt liệt sĩ. Ông cũng thường xuyên tìm kiếm, cung cấp thông tin về liệt sĩ cho các đơn vị tìm kiếm, quy tập.
“Dù công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn xã Hải Lệ những năm qua đã đạt được kết quả khá tích cực nhưng thật sự, số hài cốt chưa tìm được hiện vẫn còn rất nhiều. Đặc biệt là ở các địa điểm như: phía Nam chân Động ông Do, phẫu 314, phẫu Bệnh viện 88, phẫu 96 ở chân cao điểm 138, Dốc Mang - Dốc Miếu…
Điều đó khiến tôi và các cộng sự rất trăn trở. Bởi vậy với sự thông thuộc địa bàn và những thông tin mình có được, nếu gia đình liệt sĩ và các đơn vị quy tập hài cốt liệt sĩ cần đến, tôi sẵn sàng cung cấp và hỗ trợ tìm kiếm để có kết quả tốt nhất. Được đóng góp công sức mình đưa đồng đội trở về đoàn tụ với gia đình, với tôi đó là niềm hạnh phúc”, ông Hồi chia sẻ.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)