Mặc dù ở vùng khó nhưng một số ngôi trường trong tỉnh Quảng Trị đang trở thành điểm đến học hỏi kinh nghiệm, mục tiêu phấn đấu của nhiều cơ sở giáo dục tại địa bàn thuận lợi hơn. Một trong những lý do là vì những ngôi trường này đã và đang xây dựng, phát huy hiệu quả mô hình “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng”.
Từ miền núi rừng phía Tây Quảng Trị, em Hồ Thị Từng, 14 tuổi, học sinh Trường Tiểu học và THCS A Túc, huyện Hướng Hóa cùng các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Thủ lĩnh thay đổi hào hứng về TP. Đông Hà tham dự hội nghị tổng kết mô hình “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng”. Tại hội nghị, em Từng và các bạn biểu diễn một tiểu phẩm ngắn, thay lời cảm ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Tổ chức Plan International Việt Nam đã mang đến cho ngôi trường của mình và bản thân mỗi giáo viên, học sinh sự đổi thay ngoạn mục.
Trước đây, em Hồ Thị Từng không ít lần rơi nước mắt khi bị bạn bè trêu chọc. Bạo hành bằng lời nói không gây ra những vết thương trên thân thể nhưng khiến cô bé vùng cao cảm thấy đau trong lòng. Đáng nói là em Từng một thời không biết chia sẻ với ai điều đó. Sau này, khi mô hình “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” triển khai, Từng đã mở lòng, mở lời và được lắng nghe, chia sẻ, giải quyết vấn đề mà mình gặp phải.
Em Hồ Thị Từng tâm sự: “Mỗi khi gặp vấn đề khó nói, em và các bạn lại tìm đến phòng tham vấn tâm lý học đường của trường. Em cũng đã tham gia CLB Thủ lĩnh thay đổi. Nhờ góp mặt trong CLB mà em và các bạn trưởng thành lên rất nhiều. Chúng em đã có thể giúp các bạn khác tránh được những vết thương về cả thể xác lẫn tinh thần”.
Thực tế, không phải học sinh nào cũng may mắn như em Hồ Thị Từng. Mặc dù các cấp, ngành, đơn vị liên quan, giáo viên và phụ huynh nỗ lực vào cuộc nhưng thời gian qua, tình trạng bạo lực học đường vẫn xảy ra trên địa bàn, trở thành vấn nạn nhức nhối. Trong gia đình, nhà trường, câu chuyện bất bình đẳng giới đã và đang là một vấn đề đáng trăn trở. Không ít trường hợp học sinh nữ phải nghỉ học để nhường cơ hội đến trường cho anh, em trai mình. Ở các xã vùng sâu, vùng xa, thực trạng trên càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có sự rụt rè, e ngại, nhiều học sinh, đặc biệt là trẻ em gái không dám cất lên tiếng nói.
Từ thực tế trên, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Tổ chức Plan International Việt Nam triển khai mô hình “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng”. Mô hình được thử nghiệm thành công tại Hà Nội từ năm 2013 đến năm 2016. Ghi nhận những tín hiệu khả quan, Bộ GD&ĐT cùng Tổ chức Plan International Việt Nam đã quyết định nhân rộng mô hình “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” ở 5 tỉnh gồm: Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Giang, Lai Châu và Kon Tum. Được triển khai từ năm 2018, mô hình đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực thực hiện chuẩn mực ứng xử văn hóa, ngăn chặn và ứng phó với bạo lực học đường. Nhận thức về giới giữa học sinh nam và nữ được cải thiện, giúp tránh kỳ thị về giới. Từ 47 trường triển khai vào năm 2018, đến nay, có 174 trường ở 5 tỉnh đã áp dụng mô hình và đang tiếp tục nhân rộng.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Mai Huy Phương, ngay sau khi nắm bắt thông tin về mô hình “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng”, lãnh đạo sở đã nhận thấy, đây là một mô hình ý nghĩa. Nếu quan tâm triển khai, mô hình này sẽ mang lại những kết quả đáng mừng. Vì thế, lãnh đạo sở đã phối hợp với Văn phòng Plan vùng Quảng Trị chọn lựa, triển khai những bước đi đầu tiên tại hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. “Buổi đầu, một số người vẫn âu lo bởi mô hình cần sự phối hợp nhịp nhàng của cả giáo viên, học sinh lẫn phụ huynh. Đặc biệt, học sinh phải bước qua sự e ngại, rụt rè thì hiệu quả mô hình mới cao. Tuy nhiên, những âu lo ấy đã trôi qua rất nhanh khi mô hình nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực”, ông Phương cho biết.
Được sự quan tâm, hỗ trợ từ lãnh đạo Sở GD&ĐT cùng Văn phòng Plan vùng Quảng Trị, lãnh đạo, giáo viên các trường vùng cao ở huyện Hướng Hóa và Đakrông đã nhanh chóng vào cuộc. Các sự kiện truyền thông, hội thảo, chương trình tập huấn, buổi sinh hoạt… thu hút đông đảo giáo viên, phụ huynh, học sinh tham gia. Được sự khuyến khích, động viên, giáo viên các trường chủ động, sáng tạo trong việc lồng ghép nội dung về giới, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, kỹ năng phòng, chống bạo lực… vào các tiết học.
Ban giám hiệu các trường nhanh chóng thiết lập các phòng tham vấn học đường cho học sinh. Đặc biệt, để phát huy vai trò của trẻ em trong phòng, chống bạo lực học đường, bất bình đẳng giới, nhiều trường đã xây dựng CLB Thủ lĩnh thay đổi. Thầy giáo Nguyễn Mai Trọng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS A Xing, huyện Hướng Hóa cho biết: “Nhờ CLB Thủ lĩnh thay đổi mà học sinh ở trường chúng tôi mạnh dạn, tự tin hẳn lên và đặc biệt là có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng. Nhiều em đã tư vấn, hỗ trợ được cho các bạn khác trong trường”.
Tiếng lành đồn xa, không chỉ các trường ngoài vùng dự án mà nhiều trường miền xuôi đã ngược lên vùng cao Quảng Trị để học hỏi, xây dựng mô hình “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng”. Từ 2 huyện miền núi ban đầu, mô hình đã được nhân rộng ra huyện Cam Lộ, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị và TP. Đông Hà. Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh có 24 trường đang triển khai mô hình “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng”. Các trường đã xây dựng, vận hành 20 phòng tham vấn học đường, qua đó tổ chức tham vấn, hỗ trợ hàng nghìn học sinh. Tại các trường, 20 CLB Thủ lĩnh thay đổi đã được thành lập với sự tham gia của 368 trẻ em trai và 432 trẻ em gái. Hằng tháng, các CLB đều tổ chức sinh hoạt với các nội dung như: Nhận thức về giới; tự tin với cơ thể mình; cuộc sống không có bạo lực giới…
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Mai Huy Phương đánh giá, mô hình “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” đã mang lại nhiều kết quả đáng mừng. Không chỉ học sinh, giáo viên, mô hình còn tác động tích cực đến cả phụ huynh và những người xung quanh. Ai cũng nỗ lực để cùng các cấp, ngành liên quan, dự án chung tay xây dựng môi trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng tại các cơ sở giáo dục. Nhờ triển khai mô hình “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” mà nhiều trường vùng khó đã trở thành điểm sáng giáo dục.
“Để phát huy kết quả đạt được, lãnh đạo Sở GD&ĐT đã đề nghị với Tổ chức Plan International Việt Nam tiếp tục hỗ trợ việc tập huấn và cung cấp tài liệu cho các huyện trên địa bàn tỉnh được lựa chọn để nhận rộng mô hình “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng”. Chúng tôi cũng đã có ý kiến với Tổ chức Plan International Việt Nam về việc hỗ trợ một phần kinh phí để tiếp tục nhân rộng mô hình. Một việc quan trọng khác là hỗ trợ xây dựng bộ công cụ hướng dẫn chi tiết các hoạt động dự án cho các huyện, trường được chọn để trở thành những điểm sáng tiếp theo”, ông Phương nói.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)