Sử dụng thiết bị, đồng hồ thông minh để theo dõi nhịp tim và nhịp thở khi vận động, vậy có khi nào bạn thắc mắc khi ta ngủ những chỉ số ấy sẽ thay đổi thế nào?
Nhịp tim khi nghỉ ngơi vào ban ngày của mỗi người có sự khác nhau, vì vậy nhịp tim khi ngủ của mọi người cũng sẽ khác nhau. Nói chung, nhịp tim khi ngủ (trạng thái nghỉ ngơi) sẽ dao động ở mức thấp hơn mức hoạt động bình thường.
Theo Harvard Health, nhịp tim lúc nghỉ ngơi bình thường dao động từ 60-100 nhịp/phút, những người có cường độ vận động tích cực (như các vận động viên) có thể có nhịp tim lúc nghỉ ngơi từ 40-50 nhịp/phút.
Nếu nhịp tim nghỉ ngơi bình thường vào ban ngày của một người dao động từ 70-85 nhịp/phút, hãy mong đợi nhịp tim khi ngủ là 70-75 nhịp/phút hoặc thậm chí là chậm hơn.
Nếu nhịp tim của một người không giảm trong khi ngủ mà tăng cao hơn nhịp tim nghỉ ngơi ban ngày thì đó có thể là dấu hiệu bất ổn về sức khỏe hoặc liên quan đến vấn đề tâm lý, bao gồm cả lo lắng hoặc rung nhĩ.
Ngoài ra, giống như nhịp tim, nhịp thở sẽ giảm trong khi ngủ. Nhịp thở bình thường của người lớn là 12-20 nhịp thở/phút. Ở một người lớn khỏe mạnh, thoải mái, hơi thở phải bình thường và đều đặn trong suốt giấc ngủ.
Nhịp thở có thể tăng lên trong giấc ngủ REM (một thuật ngữ khoa học về giấc ngủ) khi đang mơ (đặc biệt nếu bạn đang mơ dữ dội), nhưng sẽ chuyển về kiểu thở chậm khi bạn chuyển sang giấc ngủ không REM.
Sự thay đổi nhịp tim (HRV) là sự thay đổi về lượng thời gian giữa các nhịp đập của tim. Nếu đang trong giai đoạn vận động hoặc căng thẳng, tim sẽ đập nhanh và sẽ có rất ít thời gian giữa các nhịp đập của tim (HRV thấp).
Mặt khác, khi một người thư giãn, tim của sẽ đập chậm hơn và có nhiều thời gian hơn giữa các nhịp tim (HRV cao).
HRV là một dấu hiệu thể hiện mức độ căng thẳng của cơ thể tại một thời điểm nhất định. Các nghiên cứu chỉ ra rằng HRV khi ngủ ở chỉ số thấp có thể phản ánh sự rối loạn giấc ngủ. Vì vậy, nếu ở mức thấp, hãy xem xét các yếu tố có thể ảnh hưởng đến nó như: mức độ căng thẳng, thói quen đi ngủ và môi trường ngủ.
Ngoài ra, nếu nghi ngờ về một loại thuốc hoặc tình trạng sức khỏe là tác nhân ảnh hưởng, hãy gặp các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn.
(Nguồn: Báo Lao Động)