Những nữ blouse trắng tận tâm với nghề

Hiếu Giang |

Luôn khắc ghi lời thề Hippocrates thiêng liêng, những bóng hồng khoác lên mình chiếc áo blouse trắng ở những vùng biển bãi ngang, vùng cửa sông, cửa lạch vốn còn nhiều gian khó vẫn ngày đêm nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, lặng lẽ dốc bầu tâm huyết thực hiện nhiệm vụ cao cả: Chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Duyên nợ với… hộ sinh!

Những ngày này, bác sĩ Bùi Thị Ngọc, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Gio Hải, huyện Gio Linh (Quảng Trị) lại bồi hồi khi nhắc về những ngày tháng gắn bó với y tế cơ sở. Năm nay 51 tuổi nhưng chị Ngọc đã có thâm niên 28 năm gắn bó với công tác y tế ở các vùng biển bãi ngang, vùng cửa lạch, cửa sông trên địa bàn huyện. Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế Huế vào năm 1993, chị xin về công tác tại Trạm Y tế xã Gio Hải.

Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hoài (áo trắng) trong một chuyến thiện nguyện ở miền núi -Ảnh: Đ.V​
Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hoài (áo trắng) trong một chuyến thiện nguyện ở miền núi -Ảnh: Đ.V​

“Hồi đó, trạm y tế ở đây thực ra chỉ là một căn phòng nhỏ cũ kỹ nằm giữa vùng cát, mọi thứ đều thiếu thốn, chỉ tấm lòng nhiệt huyết là có thừa. Đường sá hầu như chưa có, đời sống kinh tế của người dân quá khó khăn, dân trí thấp nên công tác y tế theo đó cũng khó theo. Trạm y tế dù thiếu thốn đủ bề nhưng cũng chính là điểm tựa chăm sóc sức khỏe ban đầu quan trọng cho người dân địa phương thời bấy giờ. Đến năm 1996, vùng này mới có con đường liên xã đổ đất đỏ, mọi thứ dần thuận lợi hơn”, chị Ngọc nói. Sau vài năm gầy dựng củng cố Trạm Y tế Gio Hải, đến năm 1998 chị chuyển lên công tác tại Trạm Y tế xã Gio Mai. Tròn 18 năm công tác ở Trạm Y tế xã Gio Mai, đến năm 2016 chị được điều chuyển trở về làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Gio Hải. Chị cho biết, quá trình công tác lâu năm ở những vùng được xem là khó khăn này, chị đã trải qua nhiều kỷ niệm vui buồn đáng nhớ. Trong đó, chị có rất nhiều lần đỡ đẻ cho những sản phụ trong những tình huống khó quên. Thời điểm còn công tác ở Gio Mai, chị đã có nhiều lần giúp những sản phụ ở xóm vạn đò sinh nở ngay trên con thuyền nhỏ bé tròng trành giữa sông nước. “Hồi đó phụ nữ xóm vạn đò và vùng biển bãi ngang thường sinh nhiều con với quan niệm để có con đi biển hay theo nghề sông nước. Nhiều lần tôi hộ sinh cho sản phụ vạn đò ngay trên thuyền chật chội. Hay có những lần gặp ca dự sinh khó, tôi hộ tống hỗ trợ sản phụ bằng đò ngược sông Hiếu lên bệnh viện tỉnh để sinh nở. Mỗi lần giúp được chị em sinh nở mẹ tròn con vuông là mình lại thấy vui trong lòng”, chị Ngọc chia sẻ.

Cách đây vài năm, vào tháng 9/2017, có một sản phụ ở xã Gio Hải chuyển dạ, gia đình thuê xe taxi tức tốc chở đi bệnh viện tỉnh sinh nhưng mới chỉ đi một đoạn thì sản phụ sinh con ngay trên xe. Cũng may chị biết được và kịp thời hỗ trợ cắt dây rốn, vệ sinh sạch sẽ cho mẹ con sản phụ xong rồi đưa vào trạm y tế chăm sóc cho đến ngày mẹ con sản phụ khỏe mạnh trở về nhà. Cũng trong năm 2017, chị cùng chồng đang là Trạm trưởng Trạm Y tế xã Gio Việt hỗ trợ sinh nở thành công cho một ca sinh thai ngược khá nguy cấp. “Hôm đó trời vừa tảng sáng, tôi trực đêm vừa trở về nhà thì nghe có người đến kêu cứu khi có sản phụ sinh ngược, thai nhi mới ra được hai chân. Tôi chỉ kịp xách túi đồ hỗ trợ sinh tìm đến nhà sản phụ, nhưng lúc đó sản phụ đang trên đường đến bệnh viện. Lập tức tôi chạy theo xe một đoạn rồi hối thúc đưa sản phụ vào Trạm Y tế xã Gio Việt để đỡ đẻ kịp thời, bởi trường hợp này nếu chậm một lát thôi sẽ rất dễ dẫn đến tình huống xấu cho cả hai mẹ con sản phụ. Sau một thời gian ngắn thì chúng tôi xử trí, hỗ trợ sản phụ sinh thành công, em bé ra đời nặng 3,3 kg. Ai chứng kiến cũng vui mừng khôn xiết sau bao căng thẳng, lo âu”, chị Ngọc nhớ lại.

Nữ điều dưỡng trẻ mê thiện nguyện

Dù mới bước qua tuổi 31 nhưng đến nay chị Nguyễn Thị Thu Hoài, Trạm Y tế xã Hải An, huyện Hải Lăng đã có 10 năm gắn bó với công tác y tế ở miền biển bãi ngang của huyện Hải Lăng. Với tinh thần, trách nhiệm và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Hoài luôn nỗ lực rèn luyện, học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ khám điều trị bệnh và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho Nhân dân tại địa phương.

Bác sĩ Bùi Thị Ngọc, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Gio Hải, huyện Gio Linh đo huyết áp cho một người dân đến khám bệnh -Ảnh: Đ.V​
Bác sĩ Bùi Thị Ngọc, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Gio Hải, huyện Gio Linh đo huyết áp cho một người dân đến khám bệnh -Ảnh: Đ.V​

Năm 2019, chị Hoài được tín nhiệm bầu làm Phó trạm trưởng Trạm Y tế xã Hải An. Chị Hoài cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ khi công tác tại địa phương. Vào khoảng 11 giờ tối một đêm hè năm 2019, lúc đó chị Hoài đang mang bầu đứa con thứ 2 thì nghe công an báo cần sự hỗ trợ cấp cứu của y tế cho nạn nhân bị tai nạn giao thông ở trục đường Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Có người đến chở chị và đứa con đầu đi thực hiện việc cấp cứu, khi gần đến chỗ vụ tai nạn thì xe máy chở chị bị mất thắng nên đâm thẳng vào tường rào một nhà dân bên đường. “Lúc ấy theo quán tính em bồng con nhảy xuống xe, toàn thân xây xước ê ẩm. Nhưng sau đó em vẫn tiếp tục đến nơi thực hiện cấp cứu và chuyển viện cho nạn nhân”, chị Hoài kể. Hay một hôm đang nghỉ trực ở nhà thì chị Hoài nghe tiếng kêu cứu ngoài bãi tắm Mỹ Thủy. Có một em bé học lớp 4 ở Nghệ An vào thăm bố là bộ đội ở Lữ đoàn 384, bị đuối nước khi tắm biển và được người dân đưa lên bờ. Lúc ấy, chị Hoài đã nhanh chóng có mặt thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và may mắn cứu sống được cháu bé...

Ngoài hoạt động chuyên môn, 6 năm qua chị Hoài còn tham gia tích cực các hoạt động thiện nguyện ý nghĩa. “Niềm đam mê thiện nguyện của em xuất phát từ ba. Hằng năm, ba em thường xuyên tổ chức 2 đợt trao quà cho người nghèo ở xã Triệu Lăng, Hải An và Hải Khê. Đến nay em cũng không nhớ mình đã thực hiện bao nhiêu chuyến thiện nguyện giúp đỡ người nghèo, hỗ trợ phòng chống COVID-19, hỗ trợ người dân sau bão lũ ở khắp cả miền núi lẫn đồng bằng”, chị Hoài nói thêm. Thông qua việc kêu gọi trên mạng xã hội và những mối quan hệ thân quen, những tấm lòng hảo tâm, chỉ riêng đợt lũ lụt lịch sử cuối năm 2020 vừa qua, chị Hoài đã vận động được số tiền mặt, hàng hóa nhu yếu phẩm trị giá khoảng 1,4 tỉ đồng và hàng nghìn bộ quần áo, 10.000 quyển vở. Số hàng hóa này đã được Hoài và nhóm thiện nguyện của chị kịp thời trao tặng cho người dân vùng lũ ở huyện Hải Lăng và các địa phương thiệt hại nặng do mưa lũ trong tỉnh. Chị Hoài cũng thường xuyên kêu gọi nguồn lực để hỗ trợ một số bệnh viện nấu cháo cho bệnh nhân trong đợt lũ lụt vừa qua... Chị Hoài cho biết: “Thời điểm đi thiện nguyện trong đợt mưa lũ lịch sử đó cũng là đợt em đang được nghỉ sau sinh, con chỉ mới gần 6 tháng phải gửi dì chăm sóc. Biết em đam mê thiện nguyện nên gia đình cũng động viên, hỗ trợ hết mình. Đối với đi vùng cao, miền núi, em toàn phải chạy xe máy do say xe ô tô, lần xa nhất là tự chạy xe lên xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa”. Chia sẻ với chúng tôi, Hoài nói rằng sẽ nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, bên cạnh đó sẽ tiếp tục niềm đam mê thiện nguyện khi điều kiện cho phép. Bởi với chị, đó là niềm vui sống, tâm nguyện sẻ chia và cống hiến vì cộng đồng...

Hết mình vì nhiệm vụ

Dù mỗi ngày phải vượt quãng đường đi về hơn 40 km nhưng chị Hoàng Thị Hoa, Phó trạm trưởng Trạm Y tế xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong vẫn tràn trề nhiệt huyết cống hiến, hết mình vì công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Chị Hoa cho biết mình quê ở xã Triệu Tài nhưng hiện đang sinh sống với chồng và 2 con ở xã Thanh An, huyện Cam Lộ. Tốt nghiệp ngành nữ hộ sinh, Trường Cao đẳng Y tế Trung ương 2 Đà Nẵng, năm 2001 chị Hoa ra trường và được phân về công tác tại Trạm Y tế xã Triệu Ái, sau đó tiếp tục luân chuyển qua nhiều trạm khác cho đến khi được chuyển về công tác tại Trạm Y tế xã Triệu Độ trong 10 năm nay. Với đặc thù là vùng cửa sông, cửa lạch, địa phương có một thôn người dân sinh sống bằng nghề chài lưới nên nhiều năm trước đây công tác chăm sóc sức khỏe, truyền thông cho những người này gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận. Chị Hoa cùng với cán bộ, nhân viên y tế trạm đã tích cực bám nắm cơ sở, lồng ghép truyền thông về y tế, dân số, phòng dịch nhằm nâng cao nhận thức của người dân địa phương để họ thực hiện, trong đó đặc biệt chú trọng đối với các gia đình làm nghề sông nước... Nhờ vậy mà nhận thức, ý thức chăm sóc sức khỏe của người dân địa phương đã được nâng lên. Hiện nay, với vai trò là người được phân công phụ trách về Dược và quản lý tài sản cơ quan, chị Hoa luôn tham mưu tốt với bác sĩ khám bệnh tại trạm và cán bộ dược tuyến trên để lập dự trù, nhận thuốc đầy đủ nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh của trạm.

Dược sĩ Hoàng Thị Hoa, Phó trạm trưởng Trạm Y tế xã Triệu Độ luôn hết mình vì công việc được giao - Ảnh: Đ.V​
Dược sĩ Hoàng Thị Hoa, Phó trạm trưởng Trạm Y tế xã Triệu Độ luôn hết mình vì công việc được giao - Ảnh: Đ.V​

Đặc biệt, trong năm 2020, trước tình hình diễn biến phức tạp của COVID-19 chủng mới, chị Hoa đã có hai đợt được phân công và tình nguyện tham gia thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh tại các khu cách ly của huyện. “Phải làm việc xa nhà, rồi còn tham gia công tác phòng chống COVID-19 trong hàng chục ngày liền, nếu không có sự động viên, khích lệ của gia đình, chồng con và bạn bè, e rằng tôi khó hoàn thành được. Làm nghề gì cũng có khó khăn riêng, nhưng với sự đặc thù của nghề y thì nhiều khi phải biết chấp nhận những hy sinh. Trên tất cả, được thực hiện sứ mệnh cao quý là chăm lo sức khỏe cho Nhân dân và cộng đồng là niềm hạnh phúc của mỗi người công tác trong ngành y”, chị Hoa tâm sự.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hơn 500 tình nguyện viên tham gia Chương trình “Blouse trắng- Trái tim hồng”

Lệ Như |

Nhân dịp kỷ niệm 66 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 (1955-2021), sáng nay 23/2/2021, Công đoàn ngành Y tế phối hợp với Sở Y tế tổ chức Chương trình “Blouse trắng- Trái tim hồng” năm 2021.

Hơn 200 y, bác sĩ tham gia hiến máu cứu người

Phúc Đạt |

Hơn 200 cán bộ, y, bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế và 100 người đăng kí hiến máu cứu người.

Nữ bác sĩ tăng thêm thu nhập từ sản xuất tinh dầu

Ngọc Trang |

Là bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng nên chị Trần Tôn Nữ Kiều Anh, ở xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), công tác tại Trung tâm Y tế huyện Triệu Phong, đã vận dụng những kiến thức học được cũng như kinh nghiệm trong quá trình khám, chữa bệnh để nghiên cứu, sản xuất tinh dầu thiên nhiên nguyên chất. Các sản phẩm lao động ngoài giờ làm việc của chị không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình mà còn phục vụ tích cực cho hoạt động chuyên môn.

Nữ bác sĩ tài năng, tâm huyết với nghề

Tú Linh |

Là tác giả và đồng tác giả của 5 đề tài cấp sở, 2 đề tài quốc tế, trong đó có 1 đề tài đạt giải thưởng quốc tế cao nhất của Hội Nhãn khoa Pháp; ba lần nhận học bổng Nhãn khoa tại Pháp và học bổng Lancaster Nhãn khoa tại Hoa Kỳ; nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo; Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen… Đó là thành quả của quá trình công tác, nghiên cứu của thạc sĩ - bác sĩ nội trú Bùi Thị Vân Anh (sinh năm 1985), Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Quảng Trị.