Công việc lái xe rất mệt nhọc và vất vả, không những phải đối diện với nhiều nguy hiểm, các bác tài còn phải cầm lái trong khoảng thời gian dài khiến sức khỏe suy yếu và dễ mắc phải một số căn bệnh “nghề nghiệp”.
Ảo giác xe lùi
Sức khỏe của tài xế có liên quan trực tiếp đến sự an toàn khi lái xe. Do đó, khi tài xế bị căng thẳng, mệt mỏi có thể dẫn đến ảo giác xe lùi dù xe vẫn đang đứng yên, đã về số N/P hoặc chân phanh vẫn giữ. Ngoài ra, hiện tượng này cũng có thể xảy đến với những tài xế mới chưa quen với không gian đóng kín trong xe ô tô và sự chênh lệch giữa môi trường trong/ngoài xe.
Hiện tượng ảo giác xe đi lùi cũng thường xuất hiện khi tài xế tập trung vào việc riêng trong quá trình lái xe như dừng bên đường quá lâu, xem điện thoại hoặc đọc sách khi dừng. Khi đó, não bộ chưa kịp thích ứng với hoàn cảnh xung quanh sẽ tạo ảo giác như xe bị lùi.
Điều này rất nguy hiểm vì tài xế có thể bị giật mình, vô tình đạp nhầm chân ga, dẫn đến tai nạn thảm khốc.
Để đảm bảo an toàn, lái xe nên chủ động chuyển về số P/N khi dừng quá 30 giây để giữ an toàn cho bản thân. Ngoài ra, lái xe nên chú ý giữ gìn sức khỏe, ngủ đủ giấc để giữ tinh thần tỉnh táo, tránh làm việc quá sức dẫn đến mệt mỏi.
Đau lưng khi thường xuyên lái xe đường dài
Phần lớn các lái xe đường dài thường bị đau lưng, thậm chí những người sử dụng ôtô bình thường vẫn sẽ gặp triệu chứng đau lưng khi phải lái xe trong một thời gian dài mà không nghỉ ngơi.
Nguyên nhân một phần đến từ thiết kế ghế ngồi của các nhà sản xuất chưa thực sự tối ưu. Tuy nhiên, một phần cũng đến từ việc người sử dụng có tư thế ngồi chưa phù hợp.Vậy tư thế ngồi lái đúng cách là như thế nào? Bạn hãy đặt 2 tay lên song song với vô lăng, sau đó giữ nguyên tư thế và nhìn xuống phía dưới chân nếu nhìn thấy tâm vô lăng và 2 chân bị tay che khuất thì vị trí ngồi đã cân bằng. Để giảm các áp lực lên đĩa đệm bạn nên ngả ghế 100 độ. Ngoài ra, tư thế tốt nhất là bạn nên giữ khoảng cách với vô lăng sao cho tay có độ cong. Về phần chân, bạn nên mở rộng vừa với khoảng cách của chân ga.
Đau mỏi vai gáy, xương khớp
Đây là căn bệnh phổ biến thường xảy ra đối với các tài xế. Đầu, cổ, vai và hai cánh tay phải hoạt động liên tục dẫn đến tài xế thường có cảm giác ê nhức và tê cứng.
Các tài xế nên tập những bài thể dục nhẹ nhàng, dùng 2 bàn tay kẹp vào nhau và xoay tròn. Lắc đầu nhẹ nhàng theo vòng tròn, hoặc gật đầu lên xuống, trái, phải.
Đau dạ dày
Ăn uống không theo giờ giấc cố định và một phần do đồ ăn không đảm bảo vệ sinh là lý do khiến tài xế hay bị đau dạ dày. Một khi đã mắc căn bệnh này, tài xế thường xác định sẽ sống chung cùng bệnh suốt đời. Về lâu dài bệnh khiến cơ thể trở nên mệt mỏi, mất ngủ, kém trí nhớ hay cáu gắt và gây nhiều bất tiện cho cuộc sống sinh hoạt.
Tài xế nên chú ý ăn uống đúng giờ, ăn đồ ăn đảm bảo vệ sinh, mặt khác hạn chế dùng cà phê khi đang đói và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, khoa học.
Bệnh về mắt
Phải tập trung với cường độ cao cộng thêm không khí bụi bẩn làm thị lực của các tay lái suy yếu và thường dễ mắc bệnh khô mắt, viễn thị… Để khắc phục bệnh này, tài xế nên nhỏ mắt từ 3-5 lần, tập một vài bài thư giãn, mát xa cho mắt khi cần thiết.
(Nguồn: Lao Động Trẻ)