* NGUYỄN ĐĂNG QUANG, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, đánh giá cao vị trí, vai trò và sự đóng góp quan trọng của phụ nữ Việt Nam trong quá trình phát triển, bảo vệ và xây dựng đất nước. Bác từng nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”, hay “Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Trong dòng chảy lịch sử của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Quảng Trị đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng quê hương, đất nước, tạo dựng nên truyền thống bản sắc của phụ nữ Việt Nam. Từ trong gian khổ hy sinh, phụ nữ Quảng Trị bằng các hoạt động của mình, càng sáng ngời đức tính dũng cảm kiên cường và tấm lòng nhân hậu, thủy chung son sắt.
Chúng ta mãi mãi không quên hình ảnh những nữ chiến sĩ cách mạng đầu tiên tiêu biểu của Đảng và của Hội Phụ nữ Quảng Trị: Các chị Hoàng Thị Ái, Lê Thị Quế, Phan Thị Hồng, Lê Thị Diệu Muội...; hình ảnh những nữ dân quân bến đò B Cửa Tùng, của mẹ Trần Thị Diệm ngày đêm vá cờ; Anh hùng Liệt sĩ Trần Thị Tâm và biết bao nữ liệt sĩ, du kích đã cống hiến cả tuổi xuân của mình cho Tổ quốc, giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng; những người mẹ Quảng Trị anh hùng đã cống hiến một phần máu thịt của mình là những người chồng, người con yêu quý cho độc lập, tự do của Tổ quốc, để hôm nay, mỗi tên đất, tên làng Quảng Trị đều trở thành những di tích lịch sử.
Những truyền thống tốt đẹp, những phẩm chất cao quý đó của phụ nữ Quảng Trị lại tiếp tục được khẳng định và nâng lên một tầm cao mới trong thời kỳ mới. Ngày càng có nhiều tấm gương phụ nữ điển hình tiêu biểu, có nhiều cống hiến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, phấn đấu vì mục tiêu bình đẳng, tiến bộ của phụ nữ, xây dựng gia đình hạnh phúc, tạo nên những chuyển biến mới, những thành tựu to lớn trong phong trào phụ nữ và hoạt động hội, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển của tỉnh.
Trên lĩnh vực chính trị, phụ nữ Quảng Trị ngày càng ý thức được quyền và trách nhiệm của mình trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Tỉ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy các cấp, đại biểu HĐND ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Tỉ lệ phụ nữ giữ các vị trí chức danh lãnh đạo trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị ngày càng tăng.
Về phương diện kinh tế, phụ nữ tiếp tục phát huy vai trò làm chủ, tham gia tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phụ nữ chiếm tỷ lệ 52,2%-là lực lượng đóng góp đáng kể vào chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tham gia tích cực trong việc chuyển dịch theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, liên kết hợp tác. Nhiều nữ doanh nghiệp đã khắc phục khó khăn, đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, giải quyết việc làm và đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phụ nữ Quảng Trị tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, trực tiếp tham gia và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong lực lượng quân đội, công an, biên phòng....; nhiều chị đã chủ động tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, tích cực tham gia các phong trào quần chúng giữ gìn trật tự an toàn xã hội và bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương; kiên quyết đấu tranh chống âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn của các thế lực thù địch; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, là hậu phương vững chắc cho những người thân đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, phụ nữ Quảng Trị đã thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, sáng tạo, linh hoạt, san sẻ yêu thương, hỗ trợ lẫn nhau trong phòng chống dịch. Nhiều tấm gương sáng, hình ảnh đẹp, nhiều hoạt động hiệu quả của phụ nữ đang được lan tỏa ở khắp mọi nơi như: Góc bếp yêu thương, suất cơm nghĩa tình, thu hoạch và tiêu thụ nông sản, tặng khẩu trang, nhu yếu phẩm, tích cực tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, tham gia tổ COVID cộng đồng; quyên góp ủng hộ phụ nữ nghèo, người dân các tỉnh ở vùng dịch phía Nam...
Có thể khẳng định rằng, dù ở cương vị nào, lĩnh vực nào, phụ nữ Quảng Trị luôn đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của tỉnh.
Bước vào thời kỳ mới, trong xu thế hội nhập và phát triển, phụ nữ tiếp tục đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Để xây dựng phụ nữ Quảng Trị phát triển toàn diện, vững bước đi lên trong thời kỳ mới, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII xác định: “Chăm lo nâng cao trình độ, kỹ năng và đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ, thực hiện tốt bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển tài năng, vai trò, trách nhiệm của mình trong gia đình và xã hội; bảo đảm tỉ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, chính quyền các cấp. Khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tiếp cận với khoa học công nghệ, thành lập các mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ. Kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, buôn bán, xâm hại nhân phẩm phụ nữ và trẻ em gái”.
Để thực hiện nhiệm vụ đó, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền, tổ chức Hội LHPN các cấp trong toàn tỉnh cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, các cấp hội và hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, nêu cao tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên, vì hạnh phúc, bình đẳng, phát triển của phụ nữ Quảng Trị. Xây dựng người phụ nữ phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, tinh thần, năng lực sáng tạo, tuân thủ pháp luật đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Vận động phụ nữ rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về vai trò của phụ nữ đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, với quá trình phát triển của địa phương, với hạnh phúc của mỗi gia đình và bình đẳng giới.
Thứ hai, trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới của thời kỳ CNH,HĐH đất nước, khi thế giới đang tiến hành cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đòi hỏi cần thiết phải có tri thức công nghệ thông tin, ngoại ngữ tốt, chuyên môn sâu, kỹ năng mềm, kinh nghiệm làm việc thực tế và mức độ thích ứng nhanh. Với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội” và “Lấy hạnh phúc, lợi ích của phụ nữ làm mục tiêu”, các cấp Hội Phụ nữ cần quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho lao động nữ, phát triển đa dạng mạng lưới các loại hình dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động để mở rộng cơ hội cho lao động nữ tiếp cận với việc làm trên thị trường lao động, truyền thông nâng cao nhận thức cho lao động nữ về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những yêu cầu của giai đoạn mới, tầm quan trọng của việc rèn luyện các phẩm chất cần thiết, nhất là sự tự tin, năng động, ý thức tổ chức, kỷ luật, khả năng đổi mới sáng tạo để thích ứng với khoa học công nghệ. Hỗ trợ, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực hưởng ứng tham gia chuyển đổi số, góp phần thực hiện mục tiêu năm 2025 “Quảng Trị cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội”.
Chú trọng đầu tư, hỗ trợ các mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ đảm bảo từ sản xuất đến sàn thương mại điện tử để tiêu thụ. Lựa chọn những mô hình sản xuất đủ điều kiện để chuyển đổi số, nhằm nâng cao năng suất lao động, tạo những sản phẩm có chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị nhằm bảo hộ cho người sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững.
Tăng cường công tác thông tin, giáo dục về đường lối đối ngoại của Đảng cho cán bộ, hội viên phụ nữ để góp phần nâng cao bản lĩnh hội nhập, tạo được nhận thức chung và sự đồng thuận xã hội về các vấn đề quốc tế và đối ngoại. Nâng cao chất lượng quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống với phụ nữ tỉnh Salavan, Savannakhet (Lào), Ủy ban phát triển phụ nữ tỉnh Mukdahan(Thái Lan), góp phần giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em, phòng ngừa mua bán người, các tội phạm và tệ nạn xã hội, xây dựng đường biên giới hòa bình-hợp tác-hữu nghị và phát triển.
Thứ ba, trước đại dịch COVID-19, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường, công tác hội và phong trào phụ nữ đang đứng trước nhiều thuận lợi, đan xen với thách thức, cùng nhiều vấn đề mới đặt ra cần phải giải quyết. Tình hình đó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển của địa phương, đời sống, việc làm, thu nhập của phụ nữ, đặt ra cho các cấp ủy, chính quyền và các cấp Hội Phụ nữ nhiệm vụ vừa phải ngăn chặn dịch, chống thiên tai, vừa tập trung khôi phục phát triển kinh tế, ổn định đời sống phụ nữ và trẻ em.
Để “không ai, không phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau”, các cấp ủy, chính quyền và các cấp hội cần tiếp tục thực hiện các hoạt động giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững; vận động phụ nữ phát huy tinh thần vượt khó, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng để tạo nguồn vốn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của phụ nữ. Phối hợp liên kết đào tạo nghề đáp ứng đúng nhu cầu về việc làm, có tính đến xu hướng nghề phục vụ cho các khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh. Phối hợp tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động cho phụ nữ. Phát huy vai trò của các Câu lạc bộ, Hội “Nữ doanh nhân” trong hỗ trợ phát triển kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động nữ. Liên kết với các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.
Thứ tư, với chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho hội viên, phụ nữ, các cấp Hội Phụ nữ cần xây dựng tổ chức hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả. Nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, đề xuất chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát huy quyền làm chủ, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tổ chức các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý, cán bộ nữ các cấp.
Phối hợp và phát huy vai trò của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp, các ngành, thúc đẩy trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và phát triển bền vững. Tham mưu thực hiện công tác cán bộ nữ theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW và Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư khóa XII về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới. Tích cực, chủ động phát hiện, giới thiệu hội viên, phụ nữ ưu tú, tạo nguồn cán bộ nữ, giới thiệu nhân sự nữ đủ tiêu chuẩn vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý.
Với niềm tự hào về truyền thống cách mạng phụ nữ Việt Nam, tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, tạo điều kiện của chính quyền các cấp, phụ nữ Quảng Trị sẽ vững bước đi lên trong thời kỳ đổi mới, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với tám chữ vàng mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân dành tặng cho phụ nữ: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)