Trước thực trạng tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn đang có nguy cơ bị mai một, thời gian qua, huyện Đakrông (Quảng Trị) triển khai nhiều giải pháp bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, công tác bảo tồn ngôn ngữ của các DTTS ở huyện gặp không ít khó khăn, cần sự chung tay của toàn xã hội, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của cộng đồng DTTS.
Huyện Đakrông là địa phương có trên 80% dân số là đồng bào DTTS. Xác định việc bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của các DTTS là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc, giúp các DTTS có điều kiện phát triển và tiến bộ nhanh về kinh tế, văn hóa, xã hội; trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương, tỉnh liên quan đến bảo tồn, phát triển tiếng nói, chữ viết các DTTS, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tham mưu triển khai thực hiện bảo tồn, phát triển tiếng nói, chữ viết các DTTS.
Đồng thời, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện về nhiệm vụ giáo dục dân tộc cho các đơn vị trên địa bàn huyện, trong đó có việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết của DTTS. Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đakrông đã tham mưu Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 481/ QĐ-SGDĐT, ngày 2/6/2022 về việc cho phép Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đakrông tổ chức dạy học tiếng Brũ-Vân Kiều cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). UBND huyện cũng đã ban hành kế hoạch giai đoạn 2 thực hiện Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2029”.
Trên cơ sở đặc điểm tình hình địa phương, hằng năm, Trung tâm GDNN-GDTX huyện tổ chức khảo sát nhu cầu, xây dựng kế hoạch chiêu sinh mở lớp dạy tiếng Brũ-Vân Kiều cho CBCCVC và Nhân dân trên địa bàn. UBND huyện tổ chức mở lớp học tiếng Brũ -Vân Kiều cho CBCCVC công tác tại phòng, ban chuyên môn cấp huyện, qua đó giúp cho CBCCVC đang công tác trên địa bàn có thể giao tiếp, am hiểu hơn về phong tục, tập quán, văn hoá của đồng bào DTTS, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ ở lĩnh vực được đảm nhận. Trên cơ sở kế hoạch dạy học tiếng Brũ-Vân Kiều của Sở GD&ĐT, năm học 2015-2016, UBND huyện chỉ đạo triển khai dạy thí điểm tiếng Brũ - Vân Kiều cho học sinh Trường PTDTNT huyện Đakrông.
Trung tâm GDNNGDTX huyện đã phối hợp với Trung tâm CNTTNN của Sở GD&ĐT tổ chức chiêu sinh và dạy tiếng Brũ-Vân Kiều dành cho đối tượng là CBCCVC trên địa bàn huyện. Trong hai năm 2022-2023, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đakrông đã tuyển sinh, đào tạo 3 lớp với 166 học viên là CB,CC,VC trên địa bàn, cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh và Bộ đội Biên phòng tỉnh. Số CBCCVC công tác ở vùng DTTS và miền núi được bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng DTTS là 123 người.
Hiện nay, việc sử dụng tiếng nói, chữ viết của các DTTS trong cộng đồng, các hoạt động văn hóa, thông tin, tuyên truyền chủ yếu thông qua tiếng nói, ít trao đổi bằng chữ viết...
Trong công tác giảng dạy, giáo viên các đơn vị trường học đã lồng ghép, phiên âm tiếng phổ thông qua tiếng BrũVân Kiều hoặc tiếng Pa Kô để học sinh dễ hiểu, dễ học đối với những từ ngữ, hình ảnh khó.
Trung tâm GDNN-GDTX huyện đã tích hợp nội dung nghiên cứu, khai thác, giới thiệu văn hoá, văn học - nghệ thuật bằng tiếng nói, chữ viết các DTTS thông qua chương trình giáo dục địa phương cho học sinh lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Tài liệu, chương trình giảng dạy tiếng Brũ- Vân Kiều do Ban Dân tộc tỉnh và Sở Nội vụ ban hành đã được hoàn thiện và chỉnh lý năm 2019.
Ngoài ra trên địa bàn huyện, thời gian qua còn một số tổ chức, cá nhân tích cực tham gia bảo tồn, phát triển ngôn ngữ các DTTS. Nghệ nhân Ưu tú Kray Sức ở xã Tà Rụt, là một trong số ít người tâm huyết bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của người Pa Kô đã có những hoạt động bảo tồn ngôn ngữ của dân tộc mình.
Trong đó, ông đã tham gia vào Nhóm Tiên phong “Vì tiếng nói người dân tộc thiểu số”; cùng với Nhóm “Đồng nghiên cứu người dân tộc Pa Kô” tại xã Tà Rụt dành nhiều thời gian xây dựng nên những tác phẩm ảnh với chủ đề “Bảo vệ thiên nhiên với cộng đồng” dân tộc Pa Kô và nghiên cứu về chữ viết, ngôn ngữ của người Pa Kô để chú thích ảnh bằng các thứ tiếng: Kinh, Pa Kô (Tà Ôi), Vân Kiều; tham gia truyền dạy dân ca Pa Kô.
Ông Kray Sức cho biết: “Nếu được phép của các cơ quan chức năng, tôi sẵn sàng tham gia nghiên cứu sưu tầm, dịch thuật, truyền dạy chữ viết của người Pa Kô cho CBCCVC, giáo viên, học sinh và Nhân dân ở địa phương”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc bảo tồn, phát triển ngôn ngữ các DTTS ở huyện còn gặp không ít khó khăn. Hiện nay, đội ngũ giảng dạy tiếng Brũ-Vân Kiều rất ít, chỉ có 1 giáo viên được Trung tâm GDNN-GDTX huyện hợp đồng. Các chương trình hỗ trợ cho người học còn ít. Số lượng người dân tộc Pa Kô sinh sống trên địa bàn huyện khá lớn, ngôn ngữ trao đổi hằng ngày bằng tiếng nói của người dân tộc Pa Kô (Tà Ôi).
Tuy nhiên, chữ viết của người dân tộc Pa Kô (Tà Ôi) chưa có, chưa được biên soạn. Mặt khác, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có chủ trương, kế hoạch giảng dạy và học tiếng dân tộc Pa Kô (Tà Ôi) cho học sinh người DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và Trung tâm GDNN-GDTX huyện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Lê Đại Lợi cho biết: thời gian tới, huyện tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng tiếng DTTS cho CBCCVC. Phát triển GD&ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giáo viên giảng dạy, bảo tồn tiếng DTTS.
Đồng thời, đề nghị các cấp, các ngành, đơn vị liên quan quan tâm phát hành văn hoá phẩm bằng chữ viết của DTTS và bằng song ngữ (tiếng Việt - tiếng DTTS). Tăng cường thời lượng phát sóng tiếng DTTS BrũVân Kiều, Pa Kô (Tà Ôi) trên truyền hình VTV5. Có chủ trương, kế hoạch biên soạn, giảng dạy và học tiếng dân tộc Pa Kô (Tà Ôi) cho học sinh người DTTS trên địa bàn huyện”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)