Những năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động thiết thực, trong đó có phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, tạo động lực, hỗ trợ hội viên phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” vươn lên làm giàu chính đáng. Từ thực tiễn xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình hội viên mà còn tạo việc làm cho con em đồng đội và người dân.
Chúng tôi có dịp ghé thăm cơ sở hấp sấy cá và làm ruốc của vợ chồng anh Lê Minh Thái, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Gio Việt, huyện Gio Linh vào một ngày đầu năm. Tại đây, không khí làm việc rất khẩn trương, vợ chồng anh cùng hơn 10 lao động vừa trò chuyện, vừa nhanh tay xếp đặt cá vào nồi hấp, vào thùng chứa sản phẩm để kịp giờ giao hàng cho các thương lái. “Ban đầu chúng tôi làm cá hấp, sấy quy mô nhỏ, chủ yếu là phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình. Đến năm 2007, nhận thấy lượng hải sản do người dân địa phương đánh bắt ngày càng lớn nhưng các cơ sở hấp sấy tại địa phương vẫn còn rất ít nên chúng tôi đã đầu tư xây dựng cơ sở này”, anh Thái cho biết. Trung bình mỗi năm, mô hình kinh tế này mang lại cho vợ chồng anh khoản thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 12 - 14 lao động là các hội viên CCB và con em hội viên trên địa bàn với mức lương từ 5 - 10 triệu đồng/người/tháng tùy theo công việc.
Được biết, anh Thái từng là một người lính của Sư đoàn 375, Quân chủng Phòng không - Không quân, đóng quân tại Đà Nẵng. Năm 1992, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, anh vẫn luôn ấp ủ mong muốn được góp sức mình xây dựng quê hương. Với sự kiên trì, không ngại khó, ngại khổ cùng ý chí, bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ”, anh Thái đã phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng thành công. Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Gio Linh Nguyễn Hữu Sơn cho biết: “Trong thời gian qua, không chỉ riêng anh Thái mà rất nhiều hội viên CCB trên địa bàn đã mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, vươn lên thoát nghèo. Hiện toàn huyện Gio Linh có khoảng 37 mô hình kinh tế do Hội CCB huyện hỗ trợ về vốn vay ưu đãi, khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm…và rất nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả khác của hội viên CCB. Nhờ đó tạo được việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, trong đó có con em của các hội viên CCB. Riêng năm 2020, Hội CCB huyện đã phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội thực hiện giải ngân với số vốn trên 1,5 tỉ đồng cho 29 dự án kinh tế của hội viên”.
Không chỉ tại huyện Gio Linh mà ở nhiều địa phương trong toàn tỉnh, phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” cũng được các cấp hội triển khai sôi nổi, hiệu quả. Điển hình như mô hình của ông Nguyễn Văn Cảnh ở thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ. Nhờ sự nhạy bén với thị trường, cùng tinh thần, bản lĩnh của một người từng ở trong môi trường quân ngũ, ông đã không chỉ làm giàu chính đáng cho bản thân mà còn tạo việc làm cho lao động trên địa bàn. Hiện tại, ông Cảnh đang là chủ của một xưởng may với quy mô 90 máy và tạo việc làm cho hơn 70 lao động. Không những thế, vợ chồng ông Cảnh còn xây dựng trang trại chăn nuôi với hơn 600 con lợn. Nhờ chịu khó học hỏi, nắm bắt kỹ thuật chăn nuôi nên đàn lợn phát triển tốt, ít khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thu được lãi khá cao. Ngoài ra, ông còn trồng tiêu với diện tích từ 4 - 5 sào, mở thêm đại lý buôn bán thức ăn gia súc, mỗi năm cung cấp cho người dân địa phương hàng trăm tấn thức ăn đảm bảo chất lượng. Mô hình kinh tế của CCB Nguyễn Văn Cảnh đã được nhiều CCB, Nhân dân trong và ngoài tỉnh tới tham quan, học hỏi…
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội CCB tỉnh Quảng Trị Trần Hữu Đức, phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” được triển khai từ những ngày đầu thành lập hội nhưng trong vòng 10 năm trở lại đây mới thực sự phát triển mạnh mẽ. Nhờ phát huy bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ”, nhiều hội viên CCB đã tích cực học tập và mạnh dạn xây dựng mô hình phát triển kinh tế, từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 85 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 50 hợp tác xã, 97 tổ hợp tác sản xuất, 1.572 trang trại, gia trại và 1.182 hộ kinh doanh - dịch vụ do hội viên CCB làm chủ, tạo việc làm thu nhập ổn định cho hơn 11.000 lao động. Có được kết quả này, hội CCB các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ hiệu quả hội viên về kiến thức sản xuất, kinh doanh, vốn vay ưu đãi, giống cây con, tiến bộ khoa học kỹ thuật, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như tổ chức hiệu quả các hoạt động hội viên giúp nhau phát triển kinh tế gia đình… “Những năm qua, số lượng mô hình làm ăn kinh tế trên các lĩnh vực của hội viên CCB các cấp đã tăng lên đáng kể, góp phần giải quyết nhu cầu việc làm cho nhiều người, từ đó kéo giảm nhanh số hộ nghèo trong hội viên. Đến cuối năm 2020, số hộ nghèo là hội viên CCB trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 760 hộ/30.269 hộ. Điều này đã thể hiện sự lan tỏa mạnh mẽ của phong trào thi đua làm giàu chính đáng giữa các hội viên, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của CCB cũng như đóng góp quan trọng vào xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn hóa văn minh đô thị ở các địa phương”, ông Đức cho biết thêm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)