Biên giới Việt – Lào những ngày tháng 4, hôm nay nắng, mai đổ mưa, mốt thì trở lạnh… khiến các lực lượng phòng dịch COVID-19 tỉnh Quảng Trị cắm chốt dọc đường biên gặp khó. Nhưng khó nhất, là chuyện đảm bảo lương thực thực phẩm, ổn định tình hình cư dân 2 bên biên giới. Để tiếp sức cho các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch, Quỹ TLV Lao Động đã đứng ra vận động, để có kinh phí mua gạo, nhu yếu phẩm hỗ trợ cho các lực lượng và người dân...
Bản mình, bản bạn đều gặp khó
25 tuổi, nông dân Hồ Văn Thanh ở thôn Ra Man (xã Xy, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) có 2 người con. Lập gia đình rồi ở riêng, gia đình anh chỉ có được 1 sào đất để trồng sắn, không đủ cho 4 miệng ăn, nên anh sang Lào hợp tác với bà con ở bản bạn trồng chuối từ 2 năm trước. Sau 2 năm trồng và chăm sóc, 800 cây chuối trồng trên đất bạn xanh mơn mởn.
Đầu năm 2020, vườn chuối bắt đầu cho thu hoạch. Hằng ngày, anh Thanh chạy xe 4km sang rẫy, rồi chuyến trở về chất đầy chuối. “Chuối đẹp, nên có chuyến bán được 1 triệu đồng, cả nhà mừng lắm” – anh Thanh, kể. Nhưng mới bỏ túi được hơn 5 triệu đồng từ chuối, thì dịch COVID-19 xuất hiện, biên giới thắt chặt khiến anh Thanh không sang rẫy thu hoạch chuối được. Hơn 2 tháng nay, anh và vợ cứ đi vào đi ra chăm sào sắn mới trồng mà không có một đồng thu nhập. Hỏi nếu dịch cứ kéo dài, không đi rẫy được thì lấy gì sống?, anh Thanh lắc đầu, nói “không biết”.
Bây giờ, cứ đi dọc biên giới, hỏi thăm thì nhiều gia đình hợp tác trồng rẫy chuối, nương lúa với bạn ở bên kia. Không ai nghĩ đến việc dịch bệnh xảy ra, nên khi biên giới bị cấm, ai cụng bị động, vướng khó.
Hôm chúng tôi cùng thiếu tướng Trần Đình Dũng, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP Việt Nam đến khu vực giáp biên tại xã Ba Tầng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), để trao quà là vật tư y tế và nhu yếu phẩm phòng dịch COVID-19 cho cơ quan chức năng nước bạn Lào, hỏi mới hay ở các bản bên kia còn khó khăn hơn so với bản bên mình.
Ông Ba Lê – Phó trưởng huyện Sa Muồi (tỉnh Salavan, Lào) nói rằng, lâu nay người dân dọc biên giới của Lào mua bán, trao đổi hàng hóa qua cửa khẩu với Việt Nam. Nay cửa khẩu đóng, sắn và chuối không bán được, có tiền cũng khó mua được gạo và nhu yếu phẩm. Là “cha đẻ” của mô hình kết nghĩa bản – bản 2 bên biên giới, thiếu tướng Dũng rớm nước mắt khi biết tình hình khó khăn hiện không gói gọn ở bên mình hay bên bạn. “Trong giai đoạn khó khăn này, phải tìm cách giúp bạn, bởi giúp bạn cũng như giúp mình” – thiếu tướng Dũng suy tư.
Tiếp sức cho lực lượng biên phòng
“Vận động được ít tiền, nên mua gì để hỗ trợ cho các lực lượng phòng dịch COVID-19” – ông Lâm Chí Công - Trưởng VPĐD Báo Lao Động khu vực Bắc Trung Bộ - đại diện Quỹ TLV Lao Động nhắn hỏi sau vài ngày gõ của các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân để kêu gọi hỗ trợ. Tôi trả lời ngay: “Gạo”. Ngay hai giờ sau, chiếc xe tải chở 2 tấn gạo lên đường đến biên giới Việt – Lào. Xe dừng trước Đồn Biên phòng Thanh (huyện Hướng Hóa), cán bộ chiến sĩ tiếp nhận gạo, rồi phối hợp với chính quyền địa phương lên danh sách những người khó khăn nhất bị ảnh hưởng bởi dịch để hỗ trợ ngay.
Đồn Biên phòng Thanh phụ trách 2 xã biên giới và 1 xã nội địa có đường biên giới tuyến rừng dài nhất ở tỉnh Quảng Trị, nơi này phần lớn là người đồng bào thiểu số sinh sống. Vào mùa này, sông biên giới Sê Pôn có đoạn gần như trơ đáy, nên đồn rải quân, lập nhiều chốt dọc đoạn biên giới để ngăn người xuất nhập cảnh phòng dịch COVID-19. Thấy cán bộ, chiến sĩ vất vả dãi nắng dầm sương ở các chốt, nên Quỹ TLV Lao Động đề xuất sẽ hỗ trợ ít kinh phí do bạn đọc Báo Lao Động đóng góp, thì Đại úy Nguyễn Văn Anh - Chính trị viên Đồn Biên phòng Thanh từ chối, và gợi ý nên “quy ra gạo” cho bà con. “Giúp đỡ được cho bà con, là coi như giúp đỡ chúng tôi” – đại úy Nguyễn Văn Anh, nói.
Sau lời gợi ý nên “quy ra gạo” cho bà con của đại úy Nguyễn Văn Anh, nữ nhà báo Lê Thanh Uyên – Báo Lao Động đã tìm cách kết nối, kêu gọi hỗ trợ, và tiền bạn đọc gửi đến Quỹ TLV Lao Động không dừng lại ở vài tấn gạo cho Đồn Biên phòng Thanh. Hơn 10 ngày, không kể cuối tuần, xe chở gạo của Quỹ TLV có mặt ở toàn bộ các đồn biên phòng ở tuyến rừng tại tỉnh Quảng Trị, và 17 tấn gạo, 20.000 chai nước lọc, 250 két nước giải khát đã đến tay các lực lượng và người dân...
Giúp bạn như giúp mình
Giữa tháng 4, là ngày Tết Bunpimay của nước bạn Lào. Những năm về trước, vào thời điểm này, chính quyền địa phương và lực lượng Biên phòng Quảng Trị đều sang thăm các lực lượng ở bạn, kèm theo đó là món quà chia vui. Năm nay, Tết Bunpimay đúng vào dịp “cuộc chiến” COVID-19 đang căng thẳng, nên hai bên chỉ gặp nhau ở biên giới, chào nhau bằng điều lệnh hoặc cử chỉ. “Món quà chúng tôi gửi đến bạn dịp này không phải chia vui, mà là chia sẻ khó khăn, động viên nhau cùng cố gắng” - Thượng tá Nguyễn Xuân Toàn – Chính ủy Biên phòng tỉnh Quảng Trị nói với đại úy Somkieth Sathavisouk – Chính trị viên trưởng Đại đội 511 (Lào) tại khu vực giáp viên ở Trạm kiểm soát Công an A Cha Lào (cụm 3, huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan, Lào).
Món quà trao cho bạn lúc đó, gồm gạo, nước giải khát và vật tư y tế. Đại úy Somkieth Sathavisouk chỉ nói được vài câu tiếng Việt, nhưng ông không cần phiên dịch: “Trong khó khăn chung, các bạn vẫn nhớ đến người dân và lực lượng bảo vệ biên giới Lào. Món quà là nguồn động viên quý giá trong thời điểm này. Chúng tôi sẽ cố gắng giữ vững đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển với các bạn. Trước mắt, sẽ chung tay, quyết tâm chiến thắng dịch COVID-19”.
Ngoài món quà do chính tay Chính ủy Biên phòng Quảng Trị tặng cho bạn nói trên, các đồn biên phòng cũng đã tiến hành hỗ trợ gạo và vật tư y tế cho các lực lượng và người dân ở bên kia biên giới. Và góp vào món quà thắm tình hữu nghị đó, có 4 tấn gạo và 100 két nước giải khát của Quỹ TLV Lao Động. "Ai cũng khó khăn trong thời điểm này. Nhưng chúng tôi vẫn quyết định trích một phần quà do Quỹ TLV Lao Động hỗ trợ để trao cho bạn Lào. Món quà đến từ bạn đọc của quý báo đến rất kịp thời, và càng ý nghĩa hơn khi góp sức cùng lực lượng làm tốt công tác dân vận, phòng dịch nơi biên giới” - Đại tá Lê Văn Phương – Chỉ huy trưởng Biên phòng Quảng Trị nói.