Tận tâm với phụ nữ vùng cao

Lâm Phương |

Tìm thấy niềm vui, ý nghĩa trong những công việc mình đang làm, chị Phan Thị Chung, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã dành nhiều tâm huyết cho những hoạt động và phong trào thi đua của phụ nữ vùng cao huyện Đakrông.


Sinh ra và lớn lên ở huyện vùng cao Đakrông, chị Phan Thị Chung thấu hiểu những vất vả, thiệt thòi của chị em phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ người dân tộc thiểu số. Vì vậy, chị luôn nung nấu ước mơ góp sức mình để làm một cái gì đó vì sự tiến bộ của phụ nữ vùng cao. Tháng 9/2005, sau khi tốt nghiệp trung cấp nông nghiệp, chị nhận công tác tại UBND thị trấn Krông Klang.

Chị Phan Thị Chung trao quần áo ấm cho trẻ em nghèo vùng cao -Ảnh: LÂM PHƯƠNG​
Chị Phan Thị Chung trao quần áo ấm cho trẻ em nghèo vùng cao -Ảnh: LÂM PHƯƠNG​

Sau những giờ làm việc tại cơ quan, chị dành nhiều thời gian về các thôn bản, vận dụng những kiến thức học được hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế gia đình. Năng nổ, nhiệt tình với công việc, tháng 5/2011, chị được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Krông Klang. Gần 10 năm gắn bó với công tác hội, bộn bề công việc, nhưng với tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao, chị cùng các chị em trong hội đã huy động được sự đóng góp tích cực của từng cán bộ, hội viên trong các hoạt động và phong trào thi đua, góp phần đưa Hội Phụ nữ thị trấn liên tục đạt danh hiệu đơn vị xuất sắc tiêu biểu.

Nhớ lại những ngày đầu nhận nhiệm vụ, chị Chung tâm sự: “Khi đó, tôi rất lo lắng bởi chỉ tiêu phát triển hội viên còn chưa đạt. Trong khi đó, tìm hiểu thực tế tôi thấy phần lớn phụ nữ dân tộc thiểu số ngại đi sinh hoạt, ban ngày thì bận đi làm, tối về tập trung cho gia đình, chăm sóc con cái nên rất ít người muốn tham gia sinh hoạt hội”. Từ những băn khoăn đó, không quản ngại khó khăn, chị Chung đã đến từng gia đình để tuyên truyền vận động chị em tham gia sinh hoạt. Đưa ra nhiều sáng kiến như đoạn đường tự quản, hỗ trợ điện thắp sáng tại các điểm công cộng, thành lập các mô hình như phụ nữ 4 phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” tại Chi hội Làng Cát; phụ nữ cao tuổi giúp nhau tại Chi hội A Rồng; nuôi dạy con tốt tại Chi hội Khe Xong; “Gia đình không có trẻ suy dinh dưỡng” tại khóm Khe Xong; “Góc học tập cho trẻ”, hạn chế sử dụng túi ni lông tại khóm Làng Cát… nhằm thu hút chị em vào hội. Từ những việc làm đó, số lượng phụ nữ tham gia tổ chức hội tăng lên vượt bậc với 406 hội viên cuối năm 2015, đến nay số hội viên là 728 người, tỉ lệ thu hút hội viên đạt 83%.

Với vai trò chủ tịch hội phụ nữ, để nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của phụ nữ, chị Chung thường xuyên sâu sát, chia sẻ với chị em, tích cực vận động chị em tham gia sinh hoạt hội, không nghe theo lời kẻ xấu, không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo theo đạo trái phép. Đồng thời vận động chị em chung tay xây dựng nông thôn mới, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi, xây dựng tường rào, hố xí hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh môi trường.

Với một địa phương còn nhiều khó khăn như thị trấn Krông Klang, chị Chung cùng với ban chấp hành hội phụ nữ thị trấn luôn đẩy mạnh phong trào tương thân tương ái, vận động chị em đoàn kết giúp nhau lúc ốm đau hoạn nạn, nghèo khó. Nhằm giúp chị em có nguồn vốn vay tại chỗ để phát triển kinh tế, chị đã cùng với BCH hội triển khai thành lập 13 nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản với hơn 226 thành viên, số tiền tiết kiệm ngày càng nhiều hơn. Qua mô hình này tạo thói quen tiết kiệm trong phụ nữ người dân tộc thiểu số, từ đó có thêm vốn để hỗ trợ sản xuất hoặc sử dụng khi có việc đột xuất. Ngoài ra, chị Chung còn tích cực khai thác các nguồn vốn, tín chấp với các tổ chức tín dụng, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội để hỗ trợ nguồn vốn vay cho phụ nữ đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Tranh thủ nguồn hỗ trợ từ các dự án kịp thời hỗ trợ cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn các mô hình như chăn nuôi gà thả vườn, lợn quay vòng, dê quay vòng… mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ.

Đăc biệt, khi COVID- 19 xảy ra, chị đã chủ động triển khai nhiều hoạt động như tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh, tặng khẩu trang, xà phòng, tặng quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng trị giá gần 60 triệu đồng. Trong trận lũ lịch sử năm 2020, khi thấy người dân vùng Ba Lòng, Triệu Nguyên bị ngập chìm trong nước lũ, chị Chung đã kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ gạo và thực phẩm rồi vận động chị em nấu cơm để tiếp tế cho người dân ở vùng lũ và bệnh nhân nghèo đang điều trị nội trú tại Trung tâm Y tế huyện. Tổ chức các bữa ăn sáng cho trẻ em mầm non khó khăn tại điểm trường Làng Cát và A Rồng… Chị Hồ Thị Lan, một hội viên phụ nữ chia sẻ: “Ở trong bản này, chị em rất quý mến chị Chung, nhà ai có việc gì khó khăn chị đều nhiệt tình giúp đỡ. Như gia đình tôi trước nghèo lắm, được chị Chung vận động tham gia công tác hội, vận động chị em trong tổ cho mượn vốn chăn nuôi lợn, trồng rừng, tận dụng đất trống trồng màu nên kinh tế gia đình tôi hiện nay đã khá hơn trước. Không những thế, chị Chung còn thăm hỏi, động viên, vận động giúp đỡ để con tôi được tiếp tục đi học”.

Qua gần 10 năm là chủ tịch hội, gắn bó với hội viên phụ nữ, chị Phan Thị Chung đã nắm bắt được tâm ý từng hội viên và trong sinh hoạt hội chị luôn tạo điều kiện để hội viên chia sẻ buồn vui để cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình. Chị cũng đã nhiều lần làm hòa giải viên cho các vụ mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình hội viên… Bằng chính sự nhiệt tình và tâm huyết của mình, chị Phan Thị Chung đã tạo được niềm tin trong hội viên và góp phần đưa phong trào phụ nữ thị trấn Krông Klang có nhiều chuyển biến tích cực. Với những thành tích đó, chị Chung đã được các cấp, ngành tuyên dương, khen thưởng; đặc biệt là bằng khen của Hội LHPN tỉnh “Điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” giai đoạn 2018-2020.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Định nghĩa về một người phụ nữ hạnh phúc trong cuộc sống hiện đại

Thuý Nga |

Đặt người phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh xã hội và văn hóa hiện nay thì người phụ nữ phải cảm thấy hài lòng trong quan hệ với chồng, với con, với gia đình hai bên, với công ăn việc làm...

Người phụ nữ đi bộ… 3 vòng trái đất

Yên Mã Sơn |

Đó là bà Lê Thị Dưỡng (SN 1966, trú tại thôn Long Giang, xã Tân Long, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị). Với đôi quang gánh cùng dáng người dẻo dai, bà mưu sinh trên chính quê hương này bằng nghề đi bán bánh dạo.

Phụ nữ miền núi Quảng Trị thướt tha trong tà áo dài truyền thống

Thiên Sơn |

Hưởng ứng Tuần lễ “Áo dài Việt Nam” (diễn ra từ ngày 1 đến 8/3) do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, những ngày qua, đông đảo nữ công nhân, viên chức, lao động tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Trị đã tích cực hưởng ứng, duyên dáng trong tà áo dài truyền thống.

Tỏa sáng phẩm chất người phụ nữ

Trúc Phương |

Chị Nguyễn Thị Kim Ngân (sinh năm 1981), hiện sống tại thôn Trường Trí, xã Hải Thái, huyện Gio Linh (Quảng Trị) là một trong những điển hình về ý chí tự lực vươn lên, làm giàu từ hai bàn tay trắng được nhiều người ngưỡng mộ. Tuy bận rộn với công việc làm ăn là thế nhưng chị vẫn luôn dành thời gian chăm lo cho gia đình, nuôi dạy con cái nên người và đặc biệt tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do hội phụ nữ các cấp phát động.