Doanh nghiệp dân doanh và FDI vẫn là hai khu vực dẫn đầu về mức thưởng cao nhất dịp Tết Âm lịch, ghi nhận tiền tỷ ở TP HCM và Đà Nẵng.
Hiện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chưa công bố chính thức tiền lương, thưởng Tết năm nay trên cả nước. Mặt bằng chung thưởng Tết Nhâm Dần khó cao hơn so với trước, do hai năm liên tiếp chịu ảnh hưởng của dịch.
TP HCM có hơn 200.000 doanh nghiệp hoạt động song chỉ hơn 1.000 đơn vị báo cáo thưởng Tết, chiếm khoảng 0,5%. Lao động nhận thưởng bình quân 8,8 triệu đồng, tương đương Tết Tân Sửu. Mức thưởng cao nhất xấp xỉ 1,3 tỷ đồng thuộc về cá nhân làm việc trong khối FDI, cao hơn so với năm trước đó ghi nhận hơn 1,07 tỷ đồng.
Hà Nội có gần 318.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với hơn 4,17 triệu lao động, chỉ hơn 6.200 doanh nghiệp (chiếm gần 2%) báo cáo tiền lương, thưởng Tết cuối năm. So với năm trước, mức thưởng Tết của người lao động ở Hà Nội giảm nhẹ, thưởng cao nhất trong các khối doanh nghiệp nhà nước và công ty góp vốn chi phối của nhà nước lần lượt đạt 23 và 28,5 triệu, giảm so với mức thưởng năm ngoái là 30 triệu đồng.
Đà Nẵng ghi nhận mức thưởng Tết cao nhất hơn 1,4 tỷ đồng thuộc về lao động trong công ty công nghệ thông tin. Số tiền cao gấp 11 lần so với thưởng 127 triệu của năm trước, thậm chí cao hơn mức 927 triệu đồng tại thời điểm chưa chịu tác động của Covid-19.
Đồng Nai, hoảng 1.000 doanh nghiệp (chiếm 50%) số đơn vị có báo cáo thưởng Tết bằng hoặc thấp hơn năm ngoái. Mức thưởng Tết cao nhất xấp xỉ 800 triệu đồng thuộc về giám đốc doanh nghiệp FDI, cao hơn so với năm trước là 600 triệu đồng; mức thấp nhất là 1,75 triệu đồng.
Bắc Giang, gần 280 doanh nghiệp trong tổng số hơn 400 công ty hoạt động trên địa bàn có kế hoạch thưởng Tết Âm lịch. Thưởng cao nhất gần 228 triệu đồng trong khối FDI; mức thưởng thấp nhất ghi nhận 100.000 đồng. Người lao động trên địa bàn nhận thưởng bình quân 5,2 triệu đồng, không biến động nhiều so với năm ngoái. Mức lương bình quân của người lao động tại Bắc Giang là 7,5 triệu đồng, tăng 3,8% so với năm 2020.
Tại Bắc Ninh, lao động nhận thưởng Tết bình quân 5,45 triệu đồng, mức cao nhất 212 triệu thuộc lao động khối FDI. Hơn 400 doanh nghiệp (chiếm 92%) đã công bố kế hoạch thưởng Tết Nhâm Dần.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, nhận định thưởng Tết Nhâm Dần khó đột biến, sẽ ngang bằng thậm chí thấp hơn năm trước. Ngoài thưởng Tết thì doanh nghiệp cần linh hoạt trong chính sách để giữ chân lao động.
Phía Bộ sẽ thúc đẩy chương trình phục hồi thị trường lao động, như hỗ trợ chi phí sinh hoạt tối thiểu, đi lại, y tế, hỗ trợ tiền mặt trực tiếp hoặc sắp xếp nơi ở tạm thời... thu hút lao động ngoại tỉnh quay lại thành phố làm việc.
(Nguồn: Phụ nữ mới)