Thực hiện Kế hoạch số 56/KH-BTV ngày 5/7/2023 của Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Quảng Trị về triển khai thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức đợt truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động của chiến dịch truyền thông phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức đồng loạt tại các huyện/cụm xã thuộc địa bàn thực hiện Dự án 8 trên toàn tỉnh.
Phụ nữ là lực lượng chiếm 50,8% dân số và 50,6% lao động trong xã hội, có đóng góp lớn trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, phụ nữ lại đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề BLGĐ, làm tổn hại cả về thể chất và tinh thần của phụ nữ và trẻ em (PN&TE), làm mất ổn định cuộc sống, hạnh phúc gia đình. Tình trạng BLGĐ những năm gần đây diễn ra với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Hầu hết nạn nhân của BLGĐ là PN&TE.Chiến dịch truyền thông về phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho PN&TE đợt này nhằm tiếp tục thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, phát huy hơn nữa sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia hạn chế, đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực gia đình và phòng, chống BLGĐ, từng bước ngăn chặn và giảm dần tình trạng BLGĐ, bạo lực trên cơ sở giới trên phạm vi toàn tỉnh.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, gia đình, cộng đồng, toàn xã hội, đặc biệt là PN&TE vùng đồng bào DTTS trong công tác phòng, chống BLGĐ. Hạn chế, đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực gia đình và phòng, chống BLGĐ, từng bước ngăn chặn và giảm dần tình trạng BLGĐ, bạo lực trên cơ sở giới trên phạm vi toàn tỉnh.
Qua đó, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững. Việc tổ chức sự kiện được tiến hành tiết kiệm, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và mang lại hiệu quả tuyên truyền cao.
Là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trong 5 năm qua, các cấp hội LHPN trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống BLGĐ, bạo lực trên cơ sở giới tới hơn 76.435 lượt người; thành lập và tổ chức sinh hoạt đều đặn tại 57 câu lạc bộ hạnh phúc gia đình, 17 CLB phòng chống BLGĐ, 96 mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, 392 “Địa chỉ tin cậy”, đã thu hút 13.425 thành viên tham gia.
Hội cũng tổ chức các cuộc đối thoại và tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; tăng cường bám sát cơ sở nên đã kịp thời phát hiện và tham gia ngăn chặn nhiều vụ bạo lực, xâm hại PN&TE. Trong công tác truyền thông, các cấp hội phụ nữ đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, tổ chức phi chính phủ tổ chức thực hiện nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ và người dân tại cộng đồng, nhất là vùng DTTS về bình đẳng giới, ngăn ngừa nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, BLGĐ. Sự nỗ lực đó đã góp phần tích cực vào kết quả thực hiện chương trình quốc gia phòng, chống BLGĐ trong tình hình mới đến năm 2025 của Chính phủ.
Tiếp tục bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Dự án 8, các chương trình/đề án của tỉnh, huyện về bình đẳng giới; phòng, chống BLGĐ, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thanh Hà cho biết: Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể các cấp và các tổ chức quốc tế thực hiện tốt công tác phòng, chống BLGĐ tập trung vào các nội dung là: tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; phòng, chống BLGĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, thông qua các buổi sinh hoạt nhóm, tổ phụ nữ, sinh hoạt CLB... cho cán bộ, hội viên, phụ nữ theo hướng kết hợp giữa truyền thông diện rộng với các hình thức tư vấn, hỗ trợ trực tiếp.
Kịp thời phát hiện, nhân rộng các mô hình, điển hình, khen thưởng người tốt, việc tốt trong công tác gia đình, công tác phòng, chống BLGĐ. Đẩy mạnh triển khai xây dựng các mô hình, hoạt động đa dạng, cụ thể, phù hợp với thực tế của từng thôn, bản, xã, thị trấn. Đề ra những giải pháp căn cơ, giải quyết tận gốc rễ vấn đề BLGĐ, giúp phụ nữ có việc làm, phát triển kinh tế và các hoạt động hỗ trợ để phụ nữ có đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết trong chăm sóc, nuôi dạy con; kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, kiến thức về pháp luật.
Triển khai thực hiện phòng, chống BLGĐ gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”, “5 có 3 sạch” hướng đến mục tiêu “Mọi thành viên trong gia đình yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau chia sẻ mọi quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm”. Hội LHPN các cấp chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành tư pháp, công an trong tuyên truyền, vận động, nắm tình hình và tham gia giải quyết các vụ BLGĐ có liên quan đến PN&TE xảy ra trên địa bàn. Phát huy vai trò của “Tổ truyền thông cộng đồng, mô hình “Địa chỉ tin cậy” được các cấp hội thúc đẩy xây dựng và triển khai hoạt động”.
BLGĐ là vi phạm nghiêm trọng các quyền con người, gây tổn thương tâm lý nặng nề; gây thiệt hại về kinh tế cho cá nhân, gia đình, xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Do đó, phòng, chống BLGĐ là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh, là một vấn đề khó khăn, lâu dài và phức tạp, đòi hỏi phải có sự tham gia của tất cả các thành viên trong gia đình, sự chung sức, đồng lòng, phối hợp thực hiện đồng bộ, liên tục của các ban, ngành, đoàn thể.
Vì vậy, mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng cần tiếp tục kiên trì đấu tranh xóa bỏ BLGĐ, xóa bỏ bất bình đẳng giới bằng những hành động thiết thực, cụ thể nhằm tác động đến xã hội để cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình ngày một hạnh phúc hơn trong sự tôn trọng, thương yêu, bình đẳng cũng như nâng cao hiểu biết và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống BLGĐ; thực hiện bình đẳng giới.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)