“Tiếp sức” cho những chuyến vươn khơi

Nguyễn Trang |

Đóng tại Cụm Công nghiệp Cửa Tùng thuộc địa phận xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), cơ sở sửa chữa tàu, thuyền của ông Trần Xuân Tùng (sinh năm 1958) gần 10 năm nay là địa chỉ duy nhất đảm nhận sửa chữa tàu thuyền của ngư dân ở huyện Vĩnh Linh và một số xã lân cận thuộc huyện Gio Linh. Sinh ra, lớn lên tại vùng bãi ngang ven biển, với ông Tùng, gắn bó, duy trì nghề sửa chữa tàu, thuyền không chỉ nhằm phát triển kinh tế mà còn tạo điều kiện để ngư dân có địa điểm duy tu, bảo dưỡng phương tiện đường thủy ngay tại địa phương, góp phần đảm bảo những chuyến ra khơi bình an, thắng lợi.


Huyện Vĩnh Linh có lợi thế khi có chiều dài đường bờ biển khoảng 20 km, ngư nghiệp là lĩnh vực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế. Toàn huyện có gần 700 tàu, thuyền các loại khai thác thủy hải sản của ngư dân thị trấn Cửa Tùng, xã Vĩnh Thái, xã Kim Thạch, trong đó nhiều nhất tại thị trấn Cửa Tùng.

Trước thực tế kinh phí đóng mới 1 chiếc tàu rất lớn, dao động từ vài trăm triệu đồng đến cả tỉ đồng, đa số các hộ ngư dân lựa chọn mua lại tàu đã qua sử dụng nên quá trình ra khơi đánh bắt dễ phát sinh hư hỏng, chính vì thế nhu cầu sửa chữa khá cao.

Không khí làm việc tất bật ngay những ngày đầu năm mới tại cơ sở sửa chữa thuyền của ông Trần Xuân Tùng (ngoài cùng, phải sang) -Ảnh: N.T
Không khí làm việc tất bật ngay những ngày đầu năm mới tại cơ sở sửa chữa thuyền của ông Trần Xuân Tùng (ngoài cùng, phải sang) -Ảnh: N.T

Nếu không có cơ sở ngay tại địa phương, phải đưa phương tiện vào tận thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh để sửa chữa, chưa nói đến chi phí sẽ nhiều hơn mà có thể gây nguy hiểm trên quãng đường di chuyển đối với tàu thuyền hỏng nặng hoặc đã gặp sự cố bất ngờ.

Cũng từ lý do đó, năm 2015, ông Tùng quyết định bỏ ra số vốn ban đầu trên 200 triệu đồng mua lại cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc gồm: hệ thống đường ray, bộ tời, bộ xe… từ Xí nghiệp Đông lạnh Cửa Tùng; thuê diện tích mặt bằng gần 500 m2 rồi bắt tay gây dựng nên Cơ sở sửa chữa tàu thuyền Trần Xuân Tùng.

Ông Tùng cho biết, cơ sở của ông tiếp nhận sửa chữa tàu, thuyền có công suất từ 125 - 400 CV. Nhận phương tiện từ khách hàng, đánh giá sơ bộ về hiện trạng, vấn đề bất thường tàu, thuyền hay gặp phải, đội ngũ thợ của cơ sở sẽ căn cứ vào đó kịp thời tìm ra nguyên nhân, hướng giải quyết. Phần lớn các thuyền thường bị mục ván, hỏng phần máy móc, bô, chân vịt…Tàu thuyền ít “bệnh” hay chỉ cần bảo dưỡng sẽ mất thời gian từ 6 - 8 ngày; riêng đại tu lại thuyền phải hơn 1 tháng.

“Nghề sửa chữa tàu thuyền, dù đảm trách công đoạn, phần việc nào, ngoài kinh nghiệm, tay nghề cứng, không ngừng học hỏi, trang bị thêm máy móc, kỹ thuật đáp ứng những cải tiến ngày càng hiện đại của các loại tàu, thuyền thì yếu tố quan trọng nhất chính là ở sự tận tâm, trách nhiệm, bởi chỉ cần sai sót nhỏ nhưng một khi thuyền đã hạ thủy, đánh bắt ngoài khơi sẽ rất khó khắc phục, dẫn đến hậu quả khó lường.

Xác định rõ điều đó, mỗi người thợ tại cơ sở luôn đặt chất lượng, an toàn phương tiện của ngư dân lên trên hết, kiểm tra đồng bộ trước khi cho thuyền chính thức hạ thủy”, ông Tùng chia sẻ thêm.

Nhờ vị trí thuận tiện để tàu thuyền cũng như các loại phương tiện tập kết cung ứng vật liệu dễ dàng vào xưởng, đội ngũ thợ lành nghề, làm việc uy tín, cơ sở của ông Tùng trở thành địa chỉ tin cậy để ngư dân trên địa bàn huyện Vĩnh Linh và huyện Gio Linh yên tâm tìm đến duy tu, bảo dưỡng thuyền.

Trung bình mỗi năm cơ sở nhận sửa chữa trên 40 lượt tàu, thuyền với chi phí từ 10 - 100 triệu đồng/chiếc tùy sự hư hỏng của phương tiện. Hiện cơ sở đang tạo việc làm ổn định cho 10 lao động, mức tiền công từ 300 - 700 nghìn đồng/ngày/thợ. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm ông Tùng thu nhập khoảng 100 triệu đồng.

Có thời điểm nghề cá đối diện với không ít khó khăn do sự cố ô nhiễm môi trường biển, COVID-19 hay khi giá xăng dầu, vật liệu tăng cao… ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của cơ sở nhưng ông Tùng vẫn kiên trì giữ nghề.

Đối với người chủ cơ sở sửa chữa tàu, thuyền đã bước qua tuổi 65 như ông Tùng hay những người thợ trẻ đang miệt mài theo nghề, bao giờ ngư dân còn bám biển thì những người thợ vẫn sẽ dành trọn tâm huyết trong từng đường bào, mũi khoan, nét sơn...

Niềm vui của họ là khi hoàn thành công việc, hạ thủy những con thuyền đã được duy tu, bảo dưỡng chắc chắn, vững chãi xuống các cửa lạch để tàu, thuyền cùng ngư dân vươn khơi đón “lộc biển”, vừa phát triển sinh kế, nghề truyền thống của cha ông, vừa góp sức giữ vùng biển trời quê hương.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Khơi dậy nội lực trong Nhân dân để phát triển sản xuất

Võ Thái Hòa |

Xây dựng nông thôn mới (NTM) được xác định là một hành trình có điểm bắt đầu mà không có điểm kết thúc.

Giúp ngư dân giảm chi phí vươn khơi

Lê An |

“Giảm hao hụt đá lạnh lên đến hơn 30% so với trước đây, kéo dài thời gian chuyến biển lên thêm 7 - 10 ngày, giảm tỉ lệ hao hụt sản phẩm sau khai thác, chất lượng thủy sản được bảo quản tốt hơn…”, đó là khẳng định của anh Lê Văn Tuấn, thuyền trưởng tàu cá xa bờ số hiệu QT 90929TS đối với hầm bảo quản sản phẩm bằng công nghệ CPF (Composite - Polyurethane Foam) do Trung tâm Khuyến nông (KN) tỉnh Quảng Trị hỗ trợ.

Khơi dậy tiềm năng sáng tạo của tuổi trẻ

Thu Hạ |

Sau nhiều năm triển khai thực hiện, cuộc thi sáng tạo trẻ dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn thị xã Quảng Trị đã mang lại hiệu ứng tích cực, góp phần phát huy tiềm năng, khơi dậy tư duy sáng tạo nghiên cứu khoa học của thế hệ trẻ.

Khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho thế hệ trẻ

Hiếu Giang |

Nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách trong thế hệ trẻ, TP. Đông Hà (Quảng Trị) đã xây dựng đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Để thực hiện hóa đề án này, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động thu hút sự tham gia của thế hệ trẻ đến văn hóa đọc. Gần đây, TP. Đông Hà đã tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2022, qua đó, góp phần khơi dậy niềm đam mê đọc sách của thế hệ trẻ, thúc đẩy chia sẻ những kinh nghiệm của việc đọc sách và phát triển văn hóa đọc.