Giúp ngư dân giảm chi phí vươn khơi

Lê An |

“Giảm hao hụt đá lạnh lên đến hơn 30% so với trước đây, kéo dài thời gian chuyến biển lên thêm 7 - 10 ngày, giảm tỉ lệ hao hụt sản phẩm sau khai thác, chất lượng thủy sản được bảo quản tốt hơn…”, đó là khẳng định của anh Lê Văn Tuấn, thuyền trưởng tàu cá xa bờ số hiệu QT 90929TS đối với hầm bảo quản sản phẩm bằng công nghệ CPF (Composite - Polyurethane Foam) do Trung tâm Khuyến nông (KN) tỉnh Quảng Trị hỗ trợ.

Nhằm nâng cấp, hiện đại hóa các hầm bảo quản sản phẩm trên tàu cá khai thác xa bờ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm khai thác, giảm tổn thất sau khi thu hoạch, tháng 3/2022, Trung tâm KN tỉnh đã triển khai mô hình ứng dụng công nghệ CPF trong bảo quản sản phẩm trên tàu cá xa bờ số hiệu QT 90929TS, chiều dài 18 m, công suất 735 CV do anh Lê Văn Tuấn ở thôn Xuân Lộc, xã Gio Việt, huyện Gio Linh làm thuyền trưởng.

Mô hình bao gồm 2 hầm bảo quản bằng công nghệ CPF, mỗi hầm có thể tích 20 m3 . Kỹ sư Bùi Văn Danh, cán bộ kỹ thuật trực tiếp chỉ đạo mô hình cho biết, thay vì sử dụng các loại vật liệu truyền thống của ngư dân như tấm mút hay xốp mịn, mô hình sử dụng vật liệu Polyurethane (PU) là loại vật liệu có hệ số truyền nhiệt thấp, có cấu tạo là bọt xốp nhỏ, kín, vật liệu nhẹ và cường độ chịu nén cao nên rất ít thấm nước.

Để thi công hầm bảo quản, sau khi gia cố lớp vỏ bằng gỗ bên trong hầm, mô hình sử dụng các tấm composite ghép thành khuôn tạo lớp vỏ bên ngoài tạo khoảng trống ở giữa có chiều dày từ 10 - 18 cm tùy thuộc độ dày sườn tàu.
Anh Lê Văn Tuấn bên cạnh 2 hầm bảo quản sản phẩm bằng công nghệ CPF trên tàu cá của mình - Ảnh: L.A
Anh Lê Văn Tuấn bên cạnh 2 hầm bảo quản sản phẩm bằng công nghệ CPF trên tàu cá của mình - Ảnh: L.A
Sau đó phun vật liệu PU vào khoảng không đã cố định trước và tạo độ rung trên lớp vỏ để bọt xốp PU được nở đều bên trong. Theo anh Danh, ưu điểm của hầm bảo quản theo công nghệ CPF đó là vật liệu PU do được phun trực tiếp vào vị trí đã thiết kế làm hầm bảo quản nên hạn chế được các mối hàn nối, các lỗ bị rỗng, đáp ứng được mọi quy cách, hình dạng của hầm tàu, không hạn chế độ dày cách nhiệt; có khả năng chịu nhiệt tốt, khó cháy và có độ bám mạnh vào các vật liệu khác như kim loại, gỗ, thủy tinh.

Đặc biệt, có kết cấu vững chắc nên rất thích hợp cho việc nâng cao độ bền cho hầm bảo quản và cả tàu cá.

Anh Lê Văn Tuấn phấn khởi cho biết, sau khi lắp đặt hầm bảo quản xong anh đã đi được 2 chuyến biển. Chuyến thứ nhất, sau 20 ngày vươn khơi, tàu cá của anh đánh bắt được gần 100 tấn hải sản các loại, thu được 300 triệu đồng.

Chuyến biển thứ 2, thời gian đi biển 15 ngày, sản lượng hải sản khai thác được 32 tấn, lợi nhuận 140 triệu đồng. Theo anh Tuấn, qua theo dõi thì tỉ lệ hao hụt đá lạnh của các chuyến biển chỉ khoảng 5 - 25% tùy theo thời gian bám biển. Trong khi so với trước đây khi chưa sử dụng hầm CPF, tỉ lệ hao hụt đá lạnh lên tới 40 - 60%.

Điều đáng nói là cả 2 chuyến biển từ khi ứng dụng công nghệ CPF chất lượng cá tươi hơn nên giá bán cũng tăng thêm 5 - 10%. Nếu tính bình quân các tàu khai thác xa bờ mỗi chuyến biển sản lượng từ 20 - 30 tấn thì thu nhập tăng thêm 20 - 30 triệu đồng.

“Trước đây mỗi chuyến biển từ 12 - 15 ngày tàu cá của tôi dùng hết khoảng 1.000 cây đá lạnh nhưng hiện nay chỉ tiêu tốn khoảng 700 - 800 cây nhưng thời gian bám biển lại tăng lên đến 20 ngày. Cứ đánh bắt đầy hầm bảo quản là tôi lại bốc máy gọi tàu thu mua ra mang về bờ.

Hải sản được bảo quản tốt nên giá bán cũng cao hơn. Thời gian tới tôi sẽ tiếp tục chuyển những hầm bảo quản còn lại trên tàu cá của mình sang công nghệ CPF này”, anh Tuấn cho hay.

Phó Giám đốc Trung tâm KN tỉnh Phan Văn Phương cho biết, qua so sánh giữa hầm bảo quản truyền thống với hầm bảo quản bằng công nghệ CPF thì phương pháp mới đảm bảo được độ lạnh trải đều trong hầm, không bị tăng nhiệt cục bộ, chất lượng cá được đảm bảo trong khoảng thời gian bám biển.

Qua thực tế ở các chuyến biển của ngư dân, với việc trang bị hầm bảo quản mới thì thời gian đánh bắt được kéo dài hơn, nhưng lượng đá hao hụt trong toàn chuyến được giảm đi đáng kể, giảm chi phí chuyến biển nhưng vẫn đảm bảo chất lượng hải sản đánh bắt được.

Về tuổi thọ của hầm bảo quản bằng vật liệu PU có thể sử dụng từ 15 - 20 năm so với vật liệu truyền thống từ 3 - 4 năm. Cùng với đó vật liệu làm hầm bảo quản mới làm tăng độ cứng cho tàu, chống được các va đập mạnh từ sóng biển, nhất là trong mùa mưa bão.

“Qua theo dõi có thể khẳng định hầm bảo quản bằng công nghệ CPF tiết kiệm được hơn 30% lượng đá lạnh hao hụt; chất lượng hải sản của hầm bảo quản bằng công nghệ CPF tăng 25 - 30% so với hầm bảo quản thông thường.

Tỉ lệ hải sản giảm chất lượng dưới 5%, trong khi hầm truyền thống lên đến 30 - 35% trên tổng sản lượng khai thác. Với những ưu thế vượt trội về giữ nhiệt, bảo quản sản phẩm, hiện mô hình đang được nhiều ngư dân trong và ngoài tỉnh quan tâm áp dụng, nhấp là trên các tàu đóng mới”, ông Phương khẳng định.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tăng cường truyền thông về biển và đại dương

Hà Trang |

Ngày 12/12, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành kế hoạch truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Kinh tế biển, động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển

Phương Minh |

Việt Nam là quốc gia có điều kiện tự nhiên đa dạng, đặc biệt là nhiều tài nguyên về kinh tế biển.

Kịp thời cứu hộ thuyền cá bị chìm trên biển

Phước Trung |

Ngày 17/11, Đồn trưởng Đồn Biên phòng đảo Cồn Cỏ, Trung tá Nguyễn Đình Cường cho biết, đơn vị đã phối hợp cứu hộ thành công một thuyền cá của ngư dân bị chìm trên biển.

Điểm tựa vững vàng giúp ngư dân bám biển

Đức Việt |

Bên cạnh nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo, Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị còn tích cực tham gia công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân. Qua đó, góp phần giúp đơn vị tăng cường củng cố thế trận lòng dân, huy động được sức dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.