Tỏa sáng bằng sự cống hiến

Quang Hiệp |

Tuy mỗi người một công việc, hoàn cảnh, cá tính… nhưng Trung úy Lưu Văn Sơn, chị Hồ Thị Lương và bác sĩ Mai Thanh Tuấn gặp nhau ở sự nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách để cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng. Chính điều đó đã góp phần giúp họ vinh dự được chọn là gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Quảng Trị năm 2021.

Vươn lên trong màu áo lính

Không nhiều người ngạc nhiên khi Trung úy Lưu Văn Sơn, sinh năm 1997, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Cửa Việt được chọn trao giải thưởng gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Quảng Trị năm 2021. Từ trước đến nay, dù ở đâu, làm gì, Trung úy Sơn vẫn luôn nêu cao gương sáng.

Trung úy Lưu Văn Sơn (ngoài cùng, phía tay phải) để lại hình ảnh đẹp về người lính biên phòng - Ảnh: Q.H
Trung úy Lưu Văn Sơn (ngoài cùng, phía tay phải) để lại hình ảnh đẹp về người lính biên phòng - Ảnh: Q.H


Trung úy Lưu Văn Sơn đến với màu áo biên phòng từ sự lựa chọn. Thời thơ ấu, xem chương trình truyền hình, Sơn rất ngưỡng mộ các chú bộ đội mang quân hàm xanh. Để hiện thực hóa ước mơ, cậu bé con nhà nông nghĩ rằng mình phải học tập, rèn luyện thật tốt. Thành quả cho quyết tâm và sự nỗ lực là Sơn đỗ thủ khoa vào Học viện Biên phòng. Trong thời gian ở học viện, cậu vinh dự được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) bình chọn là gương mặt trẻ tiêu biểu BĐBP.

Tốt nghiệp Học viện Biên phòng, Trung úy Lưu Văn Sơn rất mừng khi được trở về cống hiến cho quê hương Quảng Trị. Là Đội trưởng Đội Vận động quần chúng và cũng là Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Cửa Việt, Trung úy Sơn luôn nêu cao tinh thần xung kích, dồn toàn tâm, toàn sức cho nhiệm vụ. Cùng đồng đội, anh đã xây dựng thành công nhiều mô hình, trong đó có tổ tự quản tàu thuyền và tổ tự quản an ninh trật tự ở vùng biển. Hiện tại, toàn địa bàn đồn quản lý có 13 tổ tự quản tàu thuyền an toàn với 357 tàu thuyền và 18 tổ tự quản an ninh trật tự gồm 94 thành viên.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Trung úy Lưu Văn Sơn đã vượt qua nhiều thử thách. Trong đó, thử thách lớn nhất có lẽ là làm sao để được dân tin yêu. Với cả tấm lòng, Trung úy Sơn thường xuyên về cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân; giúp bà con giải quyết mọi khó khăn, vướng mắc; tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ các gia đình nghèo… Nhờ thế, hình ảnh người lính biên phòng giàu tâm huyết đã in sâu trong trái tim người dân. Đối với bà con, niềm vui của Trung úy Sơn cũng là niềm vui của mình.

Không từ bỏ ước mơ

Ngày Hồ Thị Lương, sinh năm 1993, Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông kết hôn, nhiều người lo cuộc đời em sẽ quẩn quanh trong đói nghèo, lạc hậu. Không ai ngờ, cô gái người Vân Kiều đã nỗ lực vươn lên, chăm chỉ học hành và trở thành thủ lĩnh đoàn.

Chị Hồ Thị Lương (phía tay phải) tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: Q.H
Chị Hồ Thị Lương (phía tay phải) tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: Q.H


Mỗi lần nhìn lại chặng đường đã qua, Hồ Thị Lương đều thầm cảm ơn chồng và gia đình đã giúp mình tìm thấy niềm vui cuộc sống. Sinh ra trong một gia đình nghèo, ba mất sớm, Lương sớm gác lại những ước mơ để về làm dâu nhà người. May mắn là nỗi niềm của Lương được chồng và gia đình thấu hiểu. Suốt 7 năm ròng, cả gia đình đã làm “hậu phương”, tiếp thêm động lực giúp Lương chinh phục tấm bằng đại học, rồi trở thành Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Krông Klang.

Làm thủ lĩnh đoàn chưa bao giờ là việc dễ. Thử thách còn lớn hơn khi thủ lĩnh là nữ, còn trẻ và lại có con nhỏ. Sau khi nhận nhiệm vụ, Lương đã bắt tay ngay vào xây dựng phong trào. Cô chú ý đến công tác tập hợp, tạo sức mạnh đoàn kết trong thanh niên. Bám sát thực tiễn, Lương triển khai có hiệu quả các hoạt động. Đặc biệt, cô đã xây dựng nhiều công trình, phần việc thiết thực như: Lớp phụ đạo hè cho học sinh yếu kém; xây “ngôi nhà hạnh phúc” cho thanh niên yếu thế; trang bị kỹ năng sống cho trẻ em…

Mới đây, trong thời điểm COVID-19 diễn biến phức tạp, Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Krông Klang Hồ Thị Lương cùng đoàn viên, thanh niên đã nêu cao tinh thần xung kích, tình nguyện. Căn cứ tình hình của dịch bệnh, Lương xây dựng, triển khai nhiều mô hình hay như: “Tiếng loa thanh niên”, “Đi chợ giúp dân”, “Đội hình hỗ trợ cho trạm y tế”… Ở bất cứ hoạt động nào, Lương cũng là một trong những người lăn xả, xông xáo nhất. “Em luôn mong muốn được cống hiến nhiều hơn. Vì vậy, em sẽ cố gắng học tập thêm kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để hoàn thiện mình”, Lương khẳng định.

Niềm vui của bác sĩ trẻ

Những ngày này, thạc sĩ, bác sĩ nội trú Mai Thanh Tuấn, sinh năm 1992, công tác tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Triệu Hải ít có thời gian ngơi nghỉ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở bệnh viện, anh lại bắt tay ngay vào việc hỗ trợ trực tuyến cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà. Thời gian qua, bác sĩ Tuấn đã hỗ trợ cho hơn 100 F0 điều trị tại nhà, trong đó có khoảng 50 người đang mang thai. Nhờ sự tiếp sức của bác sĩ Tuấn, nhiều bệnh nhân đã sớm bình phục.

Bác sĩ Mai Thanh Tuấn chăm sóc bệnh nhân COVID-19 ở Bình Dương - Ảnh: NVCC
Bác sĩ Mai Thanh Tuấn chăm sóc bệnh nhân COVID-19 ở Bình Dương - Ảnh: NVCC


Tranh thủ thời gian rảnh rỗi ít ỏi, bác sĩ Mai Thanh Tuấn chia sẻ về con đường đến với nghề y. Sinh ra trong một gia đình nông dân, ba mất sớm, từ nhỏ, bác sĩ Tuấn đã nuôi ước mơ trở thành bác sĩ. Đó là động lực thôi thúc anh học tập, đăng ký dự thi và đỗ vào Trường Đại học Y dược Huế, chuyên ngành bác sĩ đa khoa. Sau khi ra trường, rồi đi làm, bác sĩ Tuấn tiếp tục thi đỗ và theo học bác sĩ nội trú sản khoa.

Ở khoa sản, công việc của bác sĩ Mai Thanh Tuấn và đồng nghiệp khá vất vả, nhiều áp lực. Từ lâu, anh đã quen với những giấc ngủ không tròn, bữa cơm nuốt vội. Nhiều hôm, bác sĩ Tuấn phải thức trắng để giúp sản phụ vượt cạn. Khi COVID-19 xuất hiện, công việc của anh và bác sĩ trong khoa càng vất vả hơn. Bác sĩ Tuấn không thể nhớ hết số lần mình vào khu cách ly hỗ trợ sản phụ mắc COVID-19 vượt cạn. Đôi khi, sau ca đỡ, anh luội đi vì mất nước.

Tuy nhiên, những vất vả hôm nay không còn là thử thách quá lớn đối với bác sĩ Mai Thanh Tuấn. Cách đây hơn nửa năm, bác sĩ Tuấn đã tình nguyện vào Bình Dương chống dịch. Những ngày đầu ở tâm dịch, anh cùng 2 bác sĩ và 6 điều dưỡng khác phải trải qua những giờ phút “cân não” khi chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân nặng, cấp cứu. Tại khu vực điều trị này, chỉ một phút chậm trễ, cái giá phải trả chính là mạng sống. Vì thế, bác sĩ Tuấn cùng đồng nghiệp phải căng mình để cứu người. Những cuộc điện thoại về cho mẹ già của anh cũng vội vã, ngắn ngủi.

Càng đối diện khó khăn, thử thách, bác sĩ Mai Thanh Tuấn càng thấy yêu thêm công việc mình đang làm. Anh bảo, mình đã “cho đi” nhưng cũng may mắn “nhận lại” rất nhiều, đó là nụ cười, lời cảm ơn trìu mến của bệnh nhân. Và, giải thưởng gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Quảng Trị năm 2021 cũng chính là món quà ý nghĩa mà anh “nhận lại”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Còn sức, còn cống hiến cho đoàn

Quang Đăng |

Dẫu không khỏe mạnh như nhiều người nhưng anh Trương Văn Bình, Phó Bí thư Chi đoàn thôn An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) vẫn luôn nhiệt huyết với công tác đoàn, phong trào thanh niên. Từ lâu, anh Bình đã tự hứa với lòng mình sẽ dành trọn sức trẻ cho đoàn và các hoạt động vì cộng đồng.

Mong muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho cộng đồng

Tây Long |

Nêu gương sáng với những hoạt động vì cộng đồng, anh TRẦN THÁI DƯƠNG và LÊ VĂN ĐINH đã vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam trao giải thưởng “Thanh niên sống đẹp”. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với các anh về giải thưởng ý nghĩa này và những dự định trong thời gian tới.

Khát khao được lan tỏa, cống hiến những giá trị tốt đẹp đến với cộng đồng giáo dục toàn cầu

Tây Long |

Một trong những tin vui của ngành Giáo dục Quảng Trị là vừa qua, 3 giáo viên Trường liên cấp Hội nhập Quốc tế iSchool Quảng Trị (iSchool Quảng Trị) vinh dự được công nhận là “Chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu MIEE”. Trong đó, cô giáo NGUYỄN THỊ HẢI YẾN đã lần thứ 3 liên tiếp nhận danh hiệu này. Phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc trò chuyện với người giáo viên luôn mong muốn thắp lên ngọn lửa sáng tạo cho học sinh và chính mình.

Tìm hiểu về cuộc đời và những cống hiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

PV |

Công dân Việt Nam trong nước và nước ngoài tham gia cuộc thi bằng hai hình thức: trắc nghiệm tương tác trực tuyến và thi viết để tìm hiểu về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.