Xác định công tác thông tin tuyên truyền, thông tin đối ngoại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một nhiệm vụ quan trọng, trong những năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều hoạt động thông tin đối ngoại ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Năm 2011, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở và chủ trương đầu tư Cụm Thông tin đối ngoại tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo của UBND tỉnh. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, ngày 4/8/2012, Cụm Thông tin đối ngoại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã được khánh thành bao gồm các hạng mục: màn hình LED (diện tích 20 m2 ); hệ thống nghe nhìn và tủ tra cứu điện tử; cụm pano cổ động (diện tích 90 m2 ); phim và ấn phẩm bằng 4 thứ tiếng: Việt, Anh, Lào, Thái Lan đi kèm để phát cho du khách và người dân qua lại khu vực này. Đây là địa điểm cửa khẩu đường bộ đầu tiên trên toàn quốc được lựa chọn triển khai xây dựng cụm thông tin đối ngoại.
Để Cụm Thông tin đối ngoại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đi vào hoạt động có hiệu quả, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn về thông tin đối ngoại và chuyển giao công nghệ khai thác, sử dụng, vận hành; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức duy trì, vận hành có hiệu quả Cụm Thông tin đối ngoại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.
Hằng năm, Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng các sản phẩm thông tin đối ngoại như phim có phụ đề tiếng Anh, ấn phẩm đa ngữ, song ngữ, pa nô, thông tin tra cứu...để tích hợp, đăng phát, chuyển tải qua các phương tiện, thiết bị của Cụm hoặc cấp phát cho du khách đi lại qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.
Tháng 11/2020, Cụm Thông tin đối ngoại Cửa khẩu Quốc tế La Lay được Bộ Thông tin và Truyền thông đầu tư và bàn giao cho tỉnh Quảng Trị quản lý, sử dụng. Việc duy trì, vận hành Cụm Thông tin đối ngoại ở 2 cửa khẩu có ý nghĩa quan trọng trong công tác thông tin đối ngoại ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới quần chúng nhân dân và khách nước ngoài khi làm thủ tục, qua lại tại hai cửa khẩu; giới thiệu, quảng bá về mảnh đất và con người, tiềm năng và lợi thế của tỉnh đến với bạn bè trong nước và quốc tế khi đến với Quảng Trị.
Công tác hướng dẫn các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn thường xuyên thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Tuyên truyền về bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tăng cường đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển của các dân tộc Việt Nam khu vực biên giới; về thành tựu của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở vùng dân tộc thiểu số luôn được Sở kịp thời triển khai thực hiện.
Thông qua các hội nghị giao ban báo chí định kỳ do Ban Tuyên giáo chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức đã định hướng, hướng dẫn các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền những nỗ lực, quyết tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc bảo đảm quyền của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi; những thành tựu phát triển KT-XH ở miền núi; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, lợi dụng không gian mạng nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Năm 2020-2022, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và thực hiện Quyết định số 1706/QĐ-UBND ngày 30/6/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, với nhiệm vụ được giao, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện Dự án 10, Tiểu dự án 1, Nội dung số 2 Phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số (phần thông tin đối ngoại).
Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hướng dẫn cho các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng trên địa bàn tổ chức tuyên truyền các nội dung về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.
Nhằm tăng cường năng lực phát thanh, truyền hình, tăng diện phủ sóng, đưa chương trình phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương phục vụ yêu cầu công tác tuyên truyền của Đảng và Nhà nước cũng như đáp ứng nhu cầu văn hóa của Nhân dân trên địa bàn và các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa, Sở Thông tin và Truyền thông đã ưu tiên, quan tâm tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở cho các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Nông thôn mới đã đầu tư thiết lập mới đài Truyền thanh xã năm 2020 cho các xã Húc Nghì, Ba Nang, Tà Rụt, A Vao, A Ngo (huyện Đakrông); Hướng Linh, Hướng Phùng, Lìa (huyện Hướng Hóa); năm 2021 cho xã Mò Ó (huyện Đakrông), xã Tân Long (huyện Hướng Hóa).
Năm 2022 sẽ đầu tư 7 đài ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông cho các xã Hướng Sơn, Hướng Lập, Xy, Hướng Lộc, Tân Thành (huyện Hướng Hóa), A Bung (huyện Đakrông) và Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh).
Năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ ưu tiên đầu tư, lắp đặt đài Truyền thanh cấp huyện Hướng Hóa và Đakrông sử dụng công nghệ thông minh IP thay thế cho FM truyền thống thu phát sóng qua hệ thống cột ăng ten như trước đây và một số thiết bị phục vụ cho công việc tác nghiệp của đài Truyền thanh cấp huyện. Đồng thời, tập trung đầu tư đài Truyền thanh IP cho các xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn để đến năm 2025, các huyện miền núi đạt 100% xã có đài Truyền thanh cơ sở.
Có thể khẳng định, việc chú trọng công tác thông tin đối ngoại ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đáp ứng nhu cầu thông tin của đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những hoạt động mang tính chiến lược của Đảng và Nhà nước.
Do đó, trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, triển khai thực hiện công tác thông tin đối ngoại ở khu vực miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, từ đó góp phần rút ngắn khoảng cách thông tin giữa miền núi với miền xuôi, thay đổi nhận thức và hành vi cho đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng tích cực, vì sự phát triển chung của xã hội.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)