Từ thói quen ở nhà thành trở ngại ở trường

Minh Thảo |

Lên 7 tuổi ban đêm vẫn còn đeo bỉm, thực đơn trong bữa ăn nhất định phải có ipad, không chịu đánh răng nếu không có mẹ ở bên… là một số thói quen được phụ huynh duy trì cho con mình từ nhỏ. Khi tới tuổi đến trường, những thói quen này không chỉ khiến trẻ gặp trở ngại trong việc hòa nhập với môi trường bán trú mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của các em


Sinh năm 2015, đến nay con trai chị Thúy Hoài ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, vẫn mang bỉm vào buổi trưa và buổi tối. Vì đã duy trì thói quen này từ quá lâu nên đến giờ con chị gần như lệ thuộc vào bỉm chứ không thức giấc để đi vệ sinh khi có nhu cầu như những đứa trẻ khác.

Chị Hoài chia sẻ, do bị bệnh mất ngủ nên khi con trai lên 3 tuổi, thời điểm cai bỉm cho trẻ thì chị vẫn duy trì để cả mẹ lẫn con không bị thức giấc vào ban đêm.

Thói quen vừa ăn, vừa xem các thiết bị điện tử khiến trẻ không tập trung vào bữa ăn -Ảnh: M.T
Thói quen vừa ăn, vừa xem các thiết bị điện tử khiến trẻ không tập trung vào bữa ăn -Ảnh: M.T

Khi con ngày mỗi lớn, chị cũng từng đặt ra cho mình mốc thời gian cai bỉm nhưng không thể. Chị thức giờ này để tập cho con đi vệ sinh thì nó không chịu đi, nhưng hễ chợp mắt chút là lại đi ra giường. Vì thế, chị quay trở lại thói quen là trước khi đi ngủ phải nhắc con đeo bỉm.

7 năm nay, chị Hoài tốn không ít tiền để mua bỉm cho con. “Hè năm nay, tôi quyết tâm cai bỉm cho con vì quá bất tiện cho cháu.

Thứ nhất, với cân nặng ở lứa tuổi của cháu không có loại bỉm nào có size mà phải dùng bỉm dành cho người lớn.

Thứ hai khi đến trường, cháu thường bị các bạn trêu chọc nên nhiều khi cũng mất tự tin. Chưa kể vào mùa hè nóng bức, việc đeo bỉm khiến cháu bị viêm ở vùng háng và phía sau mông”, chị Hoài cho biết.

Cũng vì bị bạn bè trêu chọc nên con trai chị Hoài không dám mang bỉm khi ở lại trường vào buổi trưa. Đồng nghĩa với việc cháu không dám ngủ vì sợ ngủ sẽ tè dầm, các bạn cười chê.

Cũng duy trì thói quen từ nhỏ, nhưng con của chị Thùy Trâm ở phường Đông Lương, TP. Đông Hà lại nghiện ipad, nhất là trong bữa ăn. Từ nhỏ, do con khó ăn nên chị thường mở ipad để dỗ dành con trong các bữa ăn.

Lớn lên, khi đến tuổi học mẫu giáo, thói quen đó vẫn được duy trì. Vào bữa ăn, cháu cứ dán mắt vào ipad, mọi sự tập trung đều hướng vào các hình ảnh trên màn hình nên việc ăn rất bị động, không cảm nhận được các món mình đang ăn như thế nào.

Chưa kể trong mỗi bữa ăn, mọi người trong gia đình gồm ông bà, ba mẹ, thường bị “tra tấn” bởi âm thanh chói tai từ các bộ phim hoạt hình cháu xem. Vậy nhưng chiều con, chiều cháu, mọi người vẫn cứ để yên.

Thói quen đó của con chị Trâm trở thành trở ngại lớn cho cháu khi học mẫu giáo. Đó là vào buổi trưa ở lớp, cháu không chịu ăn nếu không có ipad, mặc cho các cô giáo thay nhau dỗ dành. Xót con, thời gian đầu chị Trâm xin cô lên trường cho con ăn.

Thường chị đưa con ra sân trường, mở máy để cháu vừa xem, vừa ăn. Về sau thấy bất tiện nên chị ngõ ý muốn đưa máy nhờ các cô mở cho cháu ăn vào buổi trưa nhưng giáo viên không đồng ý vì sẽ ảnh hưởng đến những đứa trẻ khác.

Giáo viên hứa sẽ tập để cháu sinh hoạt theo các bạn trong lớp nhưng yêu cầu phụ huynh phải hợp tác, nếu không việc điều chỉnh thói quen đó không mang lại hiệu quả.

Các nghiên cứu cho thấy vừa ăn, vừa xem các thiết bị điện tử có thể gây tăng cân. Khi trẻ quá tập trung vào chương trình truyền hình yêu thích của chúng, não bộ sẽ không nhận được thông điệp về việc quá no.

Điều này sẽ khiến trẻ ăn quá mức. Ở một số trẻ, việc ăn cùng với các thiết bị điện tử khiến bé không tập trung vào bữa cơm. Bữa ăn do đó kéo dài và gây chán cho trẻ. Việc ngăn ngừa thói quen này ở trẻ phụ thuộc vào ba mẹ.

Hãy tập cho trẻ chỉ được phép ngồi 30-45 phút mỗi lần khi sử dụng các thiết bị điện tử và tránh xa các bữa ăn.

Rất nhiều thói quen được phụ huynh duy trì cho con ở nhà mà trên đây chỉ là một số ví dụ. Các thói quen này ở trẻ được hình thành từ rất sớm. Đa số trẻ sẽ thay đổi khi lớn dần và ý thức được nhưng cũng có một số em lại không cai được vì ba mẹ quá nuông chiều.

Vì những thói quen đó mà khi hòa nhập vào môi trường học tập, các em gặp không ít trở ngại, thậm chí về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Một giáo viên tiểu học chia sẻ: Ngay từ khi học mẫu giáo lớn, trẻ đã được các cô mầm non hướng dẫn cách xử lý sau khi đi vệ sinh. Điều này không những giúp trẻ sớm tự lập mà còn nhanh chóng hòa nhập được với môi trường học tiểu học.

Tuy nhiên, một số phụ huynh cho rằng con mình còn nhỏ, chưa thể tự lo cho bản thân nên làm thay trẻ. Dẫn đến, nhiều đứa trẻ khi bước vào bậc tiểu học không thể tự lau chùi khi đi vệ sinh mà nhờ giáo viên giúp. Có trường hợp các em nhịn không dám đi vệ sinh.

Vì thế, phụ huynh cần hợp tác với giáo viên để điều chỉnh một số thói quen và tập cho trẻ tính tự lập từ nhỏ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Dạy người trẻ lưu giữ nét đẹp của Tết cổ truyền

Nam Phương |

Gói bánh chưng, bánh tét tuy là một truyền thống tốt đẹp của các gia đình Việt mỗi dịp Tết cổ truyền nhưng cùng với sự phát triển của xã hội hiện đang dần bị mai một. Vì vậy, để người trẻ luôn yêu và giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của Tết cổ truyền dân tộc, vào những ngày giáp tết, nhiều gia đình ở Quảng Trị vẫn tổ chức cho con cháu gói bánh chưng, bánh tét.

Mang hương vị Tết đến với trẻ em vùng cao Hướng Hóa

Bảo Phú |

Ngày 12/1/2023, Trường TH&THCS Hướng Việt (Hướng Hóa, Quảng Trị) phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hoạt động Tết cho các em học sinh tại điểm trường Trăng - Tà Puồng, xã Hướng Việt.

Khát khao của chàng tiền vệ trẻ

Nguyễn Minh Đức |

Cầu thủ Lê Hữu Phước (sinh năm 2001), quê ở thôn An Hướng, xã Gio An, huyện Gio Linh (Quảng Trị), có nhiều bước tiến trong màu áo CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Sau thành công gặt hái được cùng các đội bóng trẻ của HAGL, tiền vệ Hữu Phước được HLV Kiatisak đôn lên đội 1 HAGL. Anh đã chứng minh được tố chất của một tiền vệ tấn công tài năng như sở hữu kỹ thuật tốt, tốc độ cao, tinh thần thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo và khát khao tỏa sáng ở V-League, Cúp quốc gia, AFC Champions League…

Tăng cường phối hợp thực hiện bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái

Phương Thiện |

Trước tình hình gia tăng của tội phạm xâm hại tình dục nghiêm trọng đối với phụ nữ, trẻ em, số vụ ly hôn tăng, tệ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Quảng Trị đẩy mạnh thực hiện công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em.