Môi trường học đường cũng là một tác nhân làm trẻ ảnh hưởng tâm lý nhiều nhất.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Triều Tiên, Trưởng khoa Tâm lý tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, cho biết đa phần trẻ em Việt Nam đều đang ở độ tuổi đến trường, trong đó, từ 0 - 6 tuổi, từ 7 - 12 tuổi và 13 - 18 tuổi sẽ có những vấn đề tâm lý khác nhau.
Ở THCS, HS phải đối mặt với môi trường có sự cạnh tranh, ganh đua về điểm số, các kỳ kiểm tra, kỳ thi liên tục, bị áp lực đột ngột về kết cấu chương trình cô đặc, cách xếp loại, chấm điểm. Chính vì những chuyển biến như vậy khiến trẻ dễ bị sốc trong môi trường học đường.
Trung bình khoảng 500 - 700 bệnh nhân trẻ em đến khám trong một tuần về tâm lý tâm thần.
BS Nguyễn Thị Triều Tiên cho biết: "Hiện nay nhiều người còn nhầm lẫn HS bị tâm lý vì quá tải trong học tập. Điều đó chỉ phản ánh một phần, cái chính HS đang quá tải về các mối quan hệ với giáo viên (GV), bạn bè và những đối tượng tương đồng khác”.
Mối đe dọa từ internet hay những trào lưu và những hội nhóm xấu trên không gian mạng gây áp lực và HS càng học giỏi càng có vấn đề tâm lý nhiều hơn. Đối tượng này dễ bị tổn thương bởi áp lực mình phải luôn giỏi trong mắt nhiều người.
Đa phần nữ sinh dễ bị tác động tâm sinh lý nhiều hơn nam, dù vậy HS nam cũng vướng phải tâm lý do nhiều vấn đề từ bạn học như: bị nhận xét hình thể, lo lắng về sự thu hút khác giới, cạnh tranh thành tích…
BS Tiên đánh giá hiện giáo dục chưa thực sự quan tâm vị trí việc làm cho đội ngũ chuyên gia tâm lý chuyên nghiệp, đa phần là những GV kiêm nhiệm, không đủ chuyên môn để xử lý mâu thuẫn tâm lý cho HS, không biết nơi gửi HS đến khám khi có vấn đề. HS tìm đến với thầy cô nhưng GV rất thờ ơ hay GV không biết cách xử lý vấn đề.
Muốn làm tốt tâm lý học đường trước nhất cần chuyên gia tâm lý đúng chuyên ngành. Trường học phải là nơi giải quyết và ngăn chặn chiều hướng tâm lý xấu của HS từ sớm. Nếu không phát hiện và can thiệp sớm vấn đề tâm lý, nhiều khả năng tương lai của HS sẽ rẽ sang hướng hoàn toàn tiêu cực.
(Nguồn: Phụ nữ mới)