Không chỉ truyền dạy cho học sinh những bài học trên trang sách, thời gian qua, giáo viên Trường THPT A Túc, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) triển khai nhiều mô hình thiết thực, ý nghĩa, giúp học sinh trưởng thành trong nhận thức, hành động. Mô hình “Tái chế rác thải nhựa - Vì đàn em thân yêu” là một trong số đó.
Gắn bó với sự nghiệp trồng người ở vùng cao gần 10 năm, thầy giáo Lê Trung Nhã, Bí thư Đoàn Trường THPT A Túc luôn trăn trở tìm cách giúp học sinh có được những bài học quý không chỉ trên trang sách mà còn trong các mô hình, hoạt động, phong trào. Cũng như nhiều giáo viên, học sinh địa phương, thầy Nhã rất trăn trở khi thấy rác thải nhựa xuất hiện ngày càng nhiều ở bản làng. Là một người thích mày mò, sáng tạo, thầy biết những thứ mà người ta bỏ đi như thế này nhiều khi rất hữu ích, đơn cử như có thể tái chế thành món đồ chơi cho các em nhỏ. Nhớ đến chuyện một số giáo viên mầm non trong xã thỉnh thoảng vẫn chia sẻ về việc thiếu đồ chơi, thiết bị dạy và học cho học sinh, thầy Nhã nghĩ ngay đến mô hình: “Tái chế rác thải - Vì đàn em thân yêu”.
Dẫu đặt nhiều kỳ vọng nhưng thầy giáo Lê Trung Nhã không ngờ mô hình này lại nhanh chóng trở thành phong trào thi đua sôi nổi, hào hứng trong toàn trường đến thế. Sau khi tiếp thu thông tin và nhận một khoản tiền nhỏ do đoàn trường hỗ trợ, các bí thư chi đoàn và lớp trưởng đã nhanh chóng triển khai mô hình về từng lớp. Học sinh bắt tay vào những công việc hiếm khi làm như: Thu gom rác thải nhựa; trao đổi, bàn bạc ý tưởng về những bộ đồ chơi kích thích sự vận động, sáng tạo của trẻ; tỉ mỉ cắt dán, tô vẽ… Lớp trưởng lớp 12B2 Lê Công Tấn Phát chia sẻ: “Cả 43 bạn trong lớp em đều hào hứng tham gia mô hình. Mỗi tổ, mỗi bạn đều được phân công một công việc cụ thể tùy theo năng khiếu, sở thích của mình. Vì thế, ai cũng thấy thích thú. Chúng em thường tranh thủ làm vào ngày nghỉ, giờ ra chơi nên không ảnh hưởng đến việc học hành”.
Đối với học sinh vùng cao, việc làm đồ chơi cho trẻ em là một thử thách không hề nhỏ. Để vượt qua nó, học sinh một số lớp cẩn thận đến tận trường mầm non để tham khảo ý kiến của cô giáo hay cùng chơi đùa để nắm bắt sở thích, nhu cầu của các em nhỏ. Trong công việc mới mẻ này, sự sáng tạo của mỗi thành viên được mọi người khuyến khích, phát huy cao độ. Khi vấn đề “ý tưởng” được giải quyết, việc còn lại là làm sao có thể tạo ra những món đồ chơi vừa thiết thực phục vụ việc dạy và học, vừa tinh xảo, đẹp mắt… Lúc này, những học sinh khéo tay được lựa chọn tham gia. Mỗi món đồ chơi lớn, nhỏ hình thành đều mang lại những cảm xúc khó tả đối với học sinh của trường. “Sinh ra, lớn lên ở vùng cao, lúc còn nhỏ, chúng em cũng rất “khát” đồ chơi. Thế nên, chúng em dồn toàn tâm, toàn sức để các em nhỏ hôm nay giải tỏa “cơn khát” đó. Một điều thú vị là nhờ làm đồ chơi mà chúng em phát hiện ra nhiều bạn trong lớp rất khéo tay, sáng tạo”, em Hồ Thị Mơ, học sinh lớp 12B1 chia sẻ.
Cùng với lớp 12B1, 12B2, các tập thể học sinh khác tại Trường THPT A Túc đều tham gia mô hình “Tái chế rác thải - Vì đàn em thân yêu” một cách sôi nổi, tâm huyết, đầy trách nhiệm. Kết quả đáng mừng là 120 bộ độ chơi lớn, nhỏ đã được ra đời dưới bàn tay của các cô cậu học sinh miền núi. Thành quả ấy khiến ai cũng vui mừng. Vừa qua, Bí thư Đoàn Trường THPT A Túc Lê Trung Nhã, giáo viên và đại diện học sinh một số lớp đã đến thăm, trao tặng món quà ý nghĩa cho Trường Mầm non A Túc. Cô Nguyễn Thị Huế, Hiệu trưởng Trường Mầm non A Túc bộc bạch: “Công tác ở địa bàn vùng cao, chúng tôi rất trăn trở khi đồ chơi dành cho học sinh cũng như thiết bị dạy và học vẫn còn thiếu thốn. Những món quà của học sinh Trường THPT A Túc dành tặng không chỉ mang lại niềm vui cho học trò mà cả giáo viên mầm non chúng tôi”.
Từ bước thành công ban đầu, được sự động viên của ban giám hiệu, Đoàn Trường THPT A Túc đã quyết định tổ chức mô hình “Tái chế rác thải - Vì đàn em thân yêu” xuyên suốt cả năm học và sẽ có hai đợt cao điểm. Điều thú vị là việc tái chế rác thải nhựa thành đồ chơi tặng các em nhỏ mầm non trở thành một trong những “chế tài” xử phạt rất nhân văn của giáo viên trong trường. Theo đó, một số trường hợp học sinh vi phạm nội quy của nhà trường sẽ được yêu cầu lập thành từng nhóm để tái chế rác thải nhựa thành đồ chơi cho trẻ mầm non.
Từ ngày tham gia mô hình “Tái chế rác thải - Vì đàn em thân yêu”, điều đáng mừng là nhiều học sinh Trường THPT A Túc đã thay đổi nhận thức, hành động. Một số học sinh có những hoạt động riêng để góp sức bảo vệ môi trường và giúp đỡ các em nhỏ trên địa bàn. Không ít em đã dành thời gian, công sức để làm ra những món đồ chơi sáng tạo, đẹp mắt dành tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong thôn, bản. Cứ thế, việc tốt được nhân lên và tỏa lan mãi đối với các em học sinh tại xã A Túc.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)