Hơn 73 năm đã trôi qua kể từ ngày vụ thảm sát ở xã Hải Quy, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) xảy ra, đến nay, các bậc cao niên vẫn thường kể cho con cháu nghe dòng ký ức đẫm máu và nước mắt. Ai cũng ước mong một khu tưởng niệm được dựng xây trên địa bàn để thế hệ sau nhìn lại quá khứ thương đau mà nỗ lực tiến bước.
Con đường dẫn đến xã Hải Quy hôm nay đã được bê tông hóa sạch đẹp. Dọc theo tuyến đường những ngôi nhà nép mình yên ả dưới tán cây xanh mát. Đón tiếp khách, Chủ tịch UBND xã Hải Quy Lê Mạnh Hùng tươi cười thông báo, bà con trên địa bàn đang dồn sức về đích nông thôn mới trong năm 2020. Ông Hùng cho biết thêm, so với trước kia, diện mạo quê hương Hải Quy đã hoàn toàn đổi khác. Các công trình khang trang, to đẹp mọc lên ngày càng nhiều. Hiện nay, ước mong lớn nhất của bà con là được cấp trên, ngành liên quan hỗ trợ xây dựng khu tưởng niệm vụ thảm sát xảy ra vào năm 1947.
Xã Hải Quy là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Trong kháng chiến chống pháp, phong trào Văn Thân phát triển mạnh mẽ trên địa bàn với khẩu hiệu “Bình Tây, sát tả”. Vì vậy, sau khi quay trở lại xâm lược và thực hiện chính sách “Diệt cộng”, giặc Pháp đã tìm đến xã Hải Quy báo thù. Ngày 16/5/1947, nhằm ngày 26/3 năm Đinh Hợi, sau khi mặt trận Huế bị vỡ, quân Pháp tràn ra đánh chiếm thị xã Quảng Trị. Chúng tổ chức lực lượng tiến hành càn quét, lùng sục tại xã Hải Quy nhằm tìm diệt bộ đội chủ lực của Việt Minh và tiêu diệt, trấn áp phong trào cách mạng. Khi tràn vào thôn Quy Thiện và thôn Văn Vận, giặc Pháp ra sức đốt phá nhà cửa, cướp bóc của cải, nổ súng không thương tiếc vào dân lành khiến 115 người chết, 87 nóc nhà bị đốt chỉ trong một buổi sáng.
73 năm đã trôi qua nhưng cái ngày tang tốc đó vẫn in sâu trong tâm trí các bậc cao niên xã Hải Quy. Ở tuổi 92, ông Lê Thanh Sáu, trú tại thôn Quy Thiện vẫn minh mẫn, khỏe mạnh. Lúc vụ thảm sát xảy ra, ông Sáu mới 19 tuổi. Đến giờ, những ký ức đau thương vẫn hiện rõ mồn một như thước phim quay chậm trong đầu ông. “Quân giặc gặp ai bắn nấy. Một số gia đình có 4, 5 người chết. Ngay phụ nữ mang thai chúng cũng không tha. Tôi và một số người khác kịp bơi qua bên kia sông mới may mắn thoát chết. Khi trở về, lòng ai cũng đau như cắt khi thấy xóm làng hoang tàn, nghi ngút khói, xác người chồng lên nhau”, ông Sáu kể.
Đúng như lời ông Lê Thanh Sáu, ở xã Hải Quy, nhiều gia đình đã lâm vào cảnh tang chồng lên tang trong ngày 16/5/1947. Ngay gia đình Chủ tịch UBND xã Hải Quy Lê Mạnh Hùng cũng có 4 người thân bị sát hại vào buổi sáng đó gồm ông nội, người o và hai người bác. Ông Hùng chia sẻ: “Người thân trong gia đình tôi kể lại rằng, khi giặc Pháp tới, mọi người bỏ chạy tán loạn. Không may 4 người trong nhà tôi bị giặc bắn chết tại chỗ. Nỗi đau này đến giờ vẫn chưa nguôi”.
Từ khi vụ việc đầy ám ảnh xảy ra, cứ đến ngày 23/6 âm lịch hằng năm, bà con thôn Quy Thiện lại làm ngày giỗ chung cho những người đã nằm xuống. Trong ngày này, các bậc cao niên như ông Lê Thanh Sáu lại kể cho con cháu nghe về vụ thảm sát. Họ mong muốn gửi gắm đến mai sau thông điệp, để có một mảnh đất yên bình, trù phú như hôm nay, rất nhiều người con của quê hương đã ngã xuống. Vì thế, không ai có quyền để máu và nước mắt của dân quê mình bị lãng phí.
Dẫn chúng tôi đến thăm bia tưởng niệm vụ thảm sát năm 1947, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Quy Lê Văn Lạt cho biết, công trình được xây dựng vào tháng 5/1995. Bấy giờ, trong điều kiện khó khăn, bà con chỉ có thể gom góp làm một tấm bia với những dòng thông tin ngắn gọn. 25 năm trôi qua kể từ ngày được xây dựng, đến nay bia tưởng niệm vụ thảm sát ở xã Hải Quy đã xuống cấp. Những dòng chữ trên tấm bia mờ dần theo thời gian. Cỏ dại quanh bia lên xanh lút bắp chân người. Vì vậy, từ lâu, người dân xã Hải Quy mong muốn xây dựng một công trình tưởng niệm tại thôn Quy Thiện. Mỗi lần tổ chức lễ cúng tế hay hoạt động “Uống nước nhớ nguồn” ở khu vực bia tưởng niệm, nguyện ước này lại nhân đôi.
Ông Nguyễn Văn Quốc, trưởng thôn Quy Thiện cho biết: “Lúc nhỏ, tôi được ông bà, ba mẹ kể lại câu chuyện về vụ thảm sát. Giờ đây, tôi tiếp tục kể cho con cháu của mình nghe. Chúng tôi đều mong muốn một công trình tưởng niệm sẽ được xây dựng để người đời sau không quên sử sách, hờ hững với quá khứ”.
Nguyện vọng của người dân cũng chính là điều mà bấy lâu lãnh đạo xã Hải Quy ấp ủ. Nhiều năm trước, lãnh đạo UBND xã đã lên ý tưởng xây dựng khu tưởng niệm vụ thảm sát năm 1947 tại xã Hải Quy. Công trình gồm cổng, nhà bia, sân nền, cây xanh trong diện tích xây dựng 600 m2 . Tuy nhiên, trong điều kiện còn khó khăn, việc xây dựng bia tưởng niệm là bài toán khó tìm ra lời giải đối với chính quyền địa phương. Phó Chủ tịch UBND xã Hải Quy Lê Văn Lạt bày tỏ: “Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị các cấp, ngành liên quan đề nghị hỗ trợ xã xây dựng khu tưởng niệm vụ thảm sát xảy ra trên địa bàn. Mong muốn lớn nhất của chính quyền và người dân địa phương là có một địa điểm tưởng nhớ người dân vô tội bị thảm sát và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)