Chú trọng phòng cháy, chữa cháy rừng

Lê An |

Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao làm cho thảm thực vật ở các khu rừng khô nỏ và dễ cháy. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp mà trực tiếp là Chi cục Kiểm lâm đã cùng với các địa phương đề ra nhiều giải pháp nhằm chủ động trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (BVR & PCCCR) trên địa bàn tỉnh.

Những ngày nắng nóng này, các thành viên của Tổ quần chúng BVR & PCCCR xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông (Quảng Trị) luôn tất bật ngược xuôi trên khu vực rừng được giao quản lý, bảo vệ. Trao đổi với chúng tôi khi vừa đi kiểm tra công tác tuần tra, trực PCCCR về, Chủ tịch UBND xã Triệu Nguyên Trương Văn Hoài cho biết, xã có tổng diện tích rừng hơn 4.854 ha, bao gồm 4.75 ha rừng tự nhiên và 179 ha rừng trồng.

Sẵn sàng các phương án BVR & PCCCR trong mùa khô. Ảnh: LA
Sẵn sàng các phương án BVR & PCCCR trong mùa khô. Ảnh: LA

Trong mùa khô, do nắng nóng gay gắt kết hợp với nhiều hoạt động sử dụng lửa của người dân sinh sống trên địa bàn như đốt ong lấy mật, rà tìm phế liệu còn sót lại sau chiến tranh, xử lý thực bì sau khai thác… là những nguyên nhân có thể gây nên cháy rừng. Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả công tác BVR & PCCCR, ngày từ đầu năm 2020, UBND xã Triệu Nguyên cùng với lực lượng kiểm lâm địa bàn xây dựng phương án PCCCR; kiện toàn 3 tổ quần chúng BVR & PCCCR với 46 người tham gia.

Trong thời gian cao điểm nắng nóng, nguy cơ cháy rừng cao, các tổ BVR & PCCCR đã tăng cường công tác kiểm tra hiện trường tại các vùng trọng điểm, bố trí lực lượng trực gác 24/24 giờ trong ngày; nghiêm cấm việc đốt rừng để lấy đất sản xuất; việc xử lý thực bì để trồng rừng, sản xuất nương rẫy phải báo cáo với trưởng thôn và phải tuân thủ sự hướng dẫn, giám sát của chính quyền, kiểm lâm địa bàn; nghiêm cấm việc đốt thực bì để trồng rừng trong những ngày nắng nóng gay gắt, dự báo nguy cơ cháy rừng cấp IV, cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Theo ông Hoài, thời gian qua, cùng với việc tốt công tác tuyên truyền về BVR & PCCCR, xã còn đẩy mạnh việc giao rừng cho hộ gia đình và cộng đồng quản lý nên người dân đã có ý thức rất cao trong việc BVR và PCCCR, lực lượng trực gác tại các vùng trọng điểm không chỉ cán bộ kiểm lâm địa bàn, người của các tổ, đội BVR & PCCCR mà các chủ rừng cũng rất tích cực tham gia.

Huyện Đakrông có quỹ đất rừng rất lớn, trong đó rừng tự nhiên có hơn 71.000 ha, rừng trồng 8.500 ha. Theo Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đakrông Lê Phước, xác định phương châm phòng là chính, ngay từ đầu năm 2020, Hạt Kiểm lâm đã tham mưu UBND huyện mà trực tiếp là Ban chỉ đạo 886 huyện xây dựng các phương án PCCCR; rà soát, kiện toàn lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra. Hướng dẫn các chủ rừng lớn là Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, Trung tâm Khoa học sản xuất lâm nghiệp Bắc Trung Bộ thành lập Ban Chỉ huy BVR & PCCCR của đơn vị. Phối hợp với các xã chủ động tu sửa, làm mới các công trình PCCCR như đường vào rừng các loại, đường ranh cản lửa, các chòi canh lửa, các hồ, đập chứa nước, các bảng tuyên truyền cố định, bảng dự báo cấp cháy rừng, biển chỉ dẫn vào rừng, biển tam giác cấm lửa. Bảo dưỡng các máy móc, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác PCCCR như xe chữa cháy, máy thổi gió, máy cưa xăng, máy cắt thực bì… Chỉ đạo đội ngũ kiểm lâm viên, kiểm lâm địa bàn thường xuyên bám rừng, bám dân; phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương, các tổ quần chúng BVR & PCCCR tổ chức tuyên truyền, tuần tra kiểm soát 24/24 giờ hằng ngày, kịp thời phát hiện và chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.

Ông Lê Phước cho biết, ngay từ đầu mùa khô, Hạt Kiểm lâm đã tăng cường kiểm tra các diện tích rừng có nguy cơ cháy cao, đặc biệt là các diện tích rừng trồng nhằm hướng dẫn về công tác vệ sinh, chăm sóc rừng trồng và mang các vật liệu dễ cháy ra khỏi phạm vi rừng. Cùng với UBND các xã, các hộ gia đình và cộng đồng xây dựng và triển khai thực hiện các phương án PCCCR trên nguyên tắc thực hiện phương châm “Phòng là chính, chữa cháy kịp thời, hiệu quả” trên cơ sở 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”. Chỉ đạo sát sao lực lượng cán bộ kiểm lâm, kiểm lâm địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm soát những người đi lại, sinh hoạt trong rừng nhằm nêu cao ý thức bảo vệ rừng; cảnh giới cao việc sử dụng lửa trong mùa khô, đặc biệt là trong mùa làm nương rẫy của đồng bào các dân tộc trong huyện; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đến đông đảo người dân, tổ chức ký cam kết bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư. Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm còn xây dựng một số kịch bản, phương án, giải pháp chữa cháy, khắc phục rừng… Tổ chức thường trực 24/24 giờ để cảnh báo, thông tin cấp dự báo cháy rừng và nắm bắt kịp thời các thông tin về điểm lửa, cháy rừng ở các địa phương. “Nhờ thực hiện nghiêm công tác PCCCR nên đến thời điểm này trên địa bàn huyện chỉ mới xảy ra một điểm cháy thực bì tại lô 4, khoảnh 2, tiểu khu 759B, địa phận thôn A Bung, xã A Bung và được dập tắt kịp thời, không để xảy ra thiệt hại”, ông Phước thông tin.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, trong gần 253.000 ha diện tích rừng toàn tỉnh có hơn 47.260 ha được xác định có nguy cơ cháy cao, trong đó chỉ có 19.000 ha có khả năng chữa cháy bằng cơ giới. Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Văn Ngọc Thắng cho biết, để giảm thiểu đến mức thấp nhất nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh, ngay từ đầu năm Chi cục Kiểm lâm đã chủ động tham mưu cho UBND các cấp kiện toàn Ban chỉ đạo 886; xây dựng, rà soát các phương án PCCCR, phương án huy động lực lượng, phương tiện khi có cháy rừng xảy ra; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác PCCCR thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các địa phương và chủ rừng thực hiện tốt các phương án PCCCR. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức PCCCR bằng nhiều hình thức như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, xe loa lưu động; loa phát thanh của xã, thôn; đồng thời, tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCCR cho lực lượng PCCC tại chỗ và người dân sát với thực tế.

Theo ông Thắng, trước tình hình khô hạn, nắng nóng gay gắt hiện nay, các địa phương và chủ rừng cần chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, dụng cụ, hậu cần để sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo xử lý kịp thời các tình huống cháy rừng xảy ra. Phối hợp với lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác kiểm tra các vùng trọng điểm về cháy rừng; hướng dẫn các chủ rừng, đồng bào các dân tộc thiểu số trong việc dọn nương rẫy, tạo đường băng cản lửa đúng quy trình kỹ thuật. Đảm bảo lực lượng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô hanh và những ngày nắng nóng cao điểm; bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao. Nghiêm cấm việc sử dụng lửa trong rừng và ven rừng vào những ngày nắng nóng cao điểm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Gần 1.000 người dân được khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí

Tiến Nhất |

Ngày 15/7, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) phối hợp với Hội đồng hương Quảng Trị tại Hà Nội, CLB bác sĩ - Hội Cựu chiến binh khóa 7 Học viện Quân y tổ chức chương trình khám bệnh, tư vấn chăm sóc sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà cho gần 1.000 người dân trên địa bàn huyện Gio Linh (Quảng Trị).

Bé trai hôn mê sau uống bia

BTL |

Trẻ nhỏ uống rượu bia, các bộ phận trên cơ thể chưa phát triển hoàn toàn sẽ bị ảnh hưởng, gây ra những bệnh về gan, thận, dạ dày...

Bao giờ bà Lê Thị Con được truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng?

Hưng Thơ |

Suốt 5 năm dài đằng đẵng với không biết bao nhiêu hồ sơ, giấy tờ và người con gõ cửa biết bao cơ quan, bà Lê Thị Con (ở thôn Đâu Kênh, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) vẫn chưa được truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng.

5 nguyên tắc vàng để điều trị vô sinh, hiếm muộn đạt hiệu quả

PV |

Giáo sư Nguyễn Viết Tiến cho hay có rất nhiều người khát khao mong có con trong quá trình điều trị vô sinh, hiếm muộn, nhưng không phải ai cũng đạt được mong muốn.