Ươm mầm khởi nghiệp trong trường học

Minh Anh |

Đã có gần 100 trường đại học đã đưa khởi nghiệp thành một môn học, nhiều cơ sở đào tạo có Quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, 98 vườn ươm khởi nghiệp trong trường học... Tinh thần khởi nghiệp đang lan tỏa mạnh mẽ trong môi trường giáo dục.

Hơn 3.000 cuộc thi ý tưởng sáng tạo đã ra đời

Trong “Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HS, SV thứ V” mới tổ chức gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tỏ ra xúc động, phấn khởi khi thấy học sinh, sinh viên tràn đầy khí thế, thể hiện khát vọng của mình trong khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Thủ tướng nhấn mạnh: “Khát vọng là động lực, là hoài bão thôi thúc chúng ta tiến lên, chinh phục ước mơ. Nó là sự mong mỏi thiết tha hướng tới những điều tốt đẹp cho bản thân và xã hội. Khát vọng, dù lớn lao hay nhỏ bé, bình dị hay sôi động, sâu sắc hay rộng mở đều rất đáng trân trọng, rất đáng khích lệ. Đó là ngọn đèn soi sáng trên con đường gập ghềnh của cuộc sống để đi đến tương lai, đi đến thành công. Khát vọng khởi nghiệp cũng vậy”.

Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy HS-SV khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy HS-SV khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Theo Thủ tướng, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là động lực, nguồn lực quan trọng trong phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Phong trào khởi nghiệp đã lan tỏa rộng khắp từ thành phố đến nông thôn và đến tận các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tinh thần doanh nhân, khát vọng khởi nghiệp bắt đầu khởi sắc ở hầu hết các tầng lớp, thế hệ người dân, nhất là trong giới trẻ, học sinh, sinh viên.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp trong ngành giáo dục, đào tạo. Nhà trường là nền tảng; các thầy cô giáo là động lực; học sinh, sinh viên là trung tâm, chủ thể của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Trong gần 5 năm qua, đã có gần 2.600 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trên 4.000 ý tưởng, dự án khởi nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Nhiều dự án đã đoạt giải thưởng và được thương mại hóa. Đến nay, đã có trên 60 quỹ đầu tư mạo hiểm, hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Gần 100 trường đại học đã đưa khởi nghiệp thành một môn học. Nhiều cơ sở đào tạo có Quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Có 98 vườn ươm khởi nghiệp trong trường học. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp đã tổ chức hơn 3.000 cuộc thi ý tưởng sáng tạo, thu hút gần 370.000 lượt thanh niên tham gia với gần 14.000 ý tưởng khởi nghiệp; hỗ trợ gần 16.000 dự án với tổng kinh phí gần 700 tỷ đồng.

Vòng chung kết cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” và Ngày Hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm nay có 80 dự án xuất sắc được lựa chọn.

Hệ sinh thái khởi nghiệp chưa xứng tầm

Nói về tinh thần khởi nghiệp của thanh niên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, phong trào khởi nghiệp của học sinh, sinh viên tính đến nay dẫu kết quả các hoạt động vẫn còn có phần khiêm tốn nhưng có thể nói nó đã thành một tinh thần, thành một khí thế, thành một xu hướng lớn cho học sinh, sinh viên. Hai tiếng “khởi nghiệp” đã trở nên quen thuộc và thôi thúc đối với thế hệ trẻ.

Ngành giáo dục coi rằng việc rèn luyện những phẩm chất, những năng lực và những kỹ năng cho học sinh, sinh viên, trong đó cần ưu tiên những năng lực, những phẩm chất có liên quan đến hoạt động khởi nghiệp. Coi việc khởi nghiệp là một trong những vấn đề chất lượng của ngành Giáo dục cần phải tạo ra. Coi việc đổi mới giáo dục và đào tạo mà ngành giáo dục đang triển khai cần phải thực hiện cho được mục tiêu khởi nghiệp, trong đó những việc như nuôi dưỡng khát vọng, rèn luyện ý chí, cung cấp các kỹ năng không gì khác thuộc trách nhiệm của ngành giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên, trên thực tế, con đường khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đối với thanh niên vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản. Nhiều thanh niên có ý tưởng tốt nhưng chưa thể biến thành hiện thực, nhiều đề án, dự án còn dở dang, nhiều sản phẩm chưa được thương mại hóa.

Tìm hiểu thông tin khởi nghiệp.
Tìm hiểu thông tin khởi nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các ban ngành tạo môi trường, điều kiện, cơ sở pháp lý thuận lợi để thanh niên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo một cách thuận lợi nhất, hiệu quả nhất, chi phí thấp nhất, rủi ro ít nhất. Truyền cảm hứng, tạo động lực, thúc đẩy xu thế, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ triển khai khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm của thanh niên. Khuyến khích và bảo vệ những người dám khởi nghiệp, dám đổi mới sáng tạo.

Đối với các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh, cần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp trong ngành giáo dục, đào tạo. Nhà trường là nền tảng; các thầy cô giáo là động lực; học sinh, sinh viên là trung tâm, chủ thể của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Tăng cường kết nối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nhà trường. Và đẩy mạnh thương mại hóa và bảo hộ các sản phẩm nghiên cứu khoa học. Huy động nguồn lực xã hội cho các hoạt động nghiên cứu, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Theo nhiều chuyên gia, để con đường khởi nghiệp của học sinh, sinh viên suôn sẻ và thuận lợi, rất cần sự kết nối giữa nhà trường với doanh nghiệp, sự lưu tâm, sự ủng hộ của các Bộ, ngành địa phương để các ý tưởng khởi nghiệp được nuôi dưỡng và ươm mầm từ giai đoạn học tập của sinh viên. Đó là việc quan trọng mà ngành giáo dục và đào tạo phải làm để mở đường cho những sáng tạo được cất cánh.

(Nguồn: Ngày Nay)

Lan tỏa khát vọng khởi nghiệp từ một dự án

Tú Linh |

Dự án “Thiết kế mô hình ảo Thành Cổ Quảng Trị phục vụ giáo dục và du lịch” được tái hiện trên môi trường 3D và thực tế ảo VR của nhóm học sinh đến từ Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị vừa đoạt giải Nhất quốc gia tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần V-2023. Đây là niềm tự hào của ngành Giáo dục Quảng Trị và lan tỏa mạnh mẽ cảm hứng cho các học sinh với ý tưởng khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây cũng là lần đầu tiên học sinh của tỉnh đoạt được giải Nhất sau 5 kỳ thi.

Tổ chức đoàn đồng hành với thanh niên khởi nghiệp ở Đakrông

Ngọc Trang |

Thời gian qua, các cấp bộ đoàn trên địa bàn huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị quan tâm triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) đầu tư xây dựng, phát triển mô hình kinh tế phù hợp, hiệu quả.

Khởi nghiệp với “Mắm quê Lệ Thanh”

Hiếu Giang |

Với niềm đam mê các món mắm, chị Nguyễn Thị Lệ Thanh, (35 tuổi) ở Khu phố 1, Phường 3, TP. Đông Hà (Quảng Trị) đã có bước đầu khởi nghiệp khá thành công với loại thực phẩm đậm đà chất quê này. Không đơn thuần chỉ là khởi nghiệp mưu sinh, chị còn mong muốn đưa những món mắm quê vươn xa, tạo được thương hiệu trên thị trường.

Hiện thực hóa những ý tưởng khởi nghiệp

Trúc Phương |

Từ cuộc thi “Đề xuất ý tưởng/dự án khởi nghiệp” năm 2022 do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Quảng Trị phát động, nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp, phát triển kinh tế của chị em hội viên đã ra đời. Trong số đó, có không ít ý tưởng, dự án được hỗ trợ tích cực để từng bước hiện thực hóa.