Bộ trưởng khiếm thị và ước mơ thay đổi thế giới

Anh Đức |

Quan điểm “Đừng để khuyết tật cơ thể cản trở suy nghĩ và ước mơ của bạn” đã trở thành động lực giúp ông Walid Al-Zaidi- một người khiếm thị từ năm 2 tuổi, trở thành Giáo sư đại học khiếm thị và Bộ trưởng Văn hóa khiếm thị đầu tiên của Tuynidi.

Con đường học vấn, sự nghiệp cũng như ước mơ “thay đổi cuộc sống người khuyết tật” của ông Walid Al-Zaidi đang truyền cảm hứng, tạo ra sự thay đổi của những số phận kém may mắn tại các nước A-rập- nơi những người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng vẫn phải đối mặt với sự kỳ thị và thiệt thòi.

 

1. ''Sống để mọi người tự hào về mình''

Khi nói đến thành công và sự nghiệp của ông Al-Zaidi, người ta sẽ tổng kết bằng những từ tham vọng, ý chí và quyết tâm. Sinh năm 1986 tại Tajerouine, thuộc thủ phủ El-Kef ở Tây Bắc Tuynidi, ông Al-Zaidi mắc một loại ung thư mắt hiếm gặp vào năm 1988, khiến ông mất thị lực khi mới 2 tuổi, trước khi nhận biết được môi trường xung quanh. Tuy nhiên, cậu bé Al-Zaidi đã có kết quả học tập xuất sắc từ những năm đầu đi học, cho đến khi học tiến sĩ. Trong những năm học đầu tiên của mình, Al-Zaidi học trong trường đặc biệt dành cho người mù, nhưng sau đó ông đã đăng ký vào các trường đại học bình thường mà không có bất kỳ phương tiện đặc biệt nào để dạy người khiếm thị.

Kể lại những ngày tháng khó khăn, ông cho biết có thể hoàn thành được việc học tập nhờ vào sự giúp đỡ của các thành viên trong gia đình và bạn bè. Ông lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Manouba dưới sự hướng dẫn của của tiểu thuyết gia Shukri Mabkhout. Người hướng dẫn cho ông, Giáo sư Mabkhout cho biết: “Tôi chưa bao giờ coi Al-Zaidi là một người mù hay một người khuyết tật. Ông cũng giống như bất kỳ học sinh nào khác. Để học tập và nghiên cứu, Al-Zaidi sử dụng lý trí và sau đó là sự quyết tâm, bền bỉ và nghiêm túc. Đó là tất cả những tính cách mà Al-Zaidi sở hữu”. Sau khi tốt nghiệp, ông Al-Zaidi trở thành Giáo sư dịch thuật và hùng biện tại Khoa Văn học, Nghệ thuật và Nhân văn của trường đại học Manouba và là một nhà nghiên cứu chuyên về khoa học tu từ.

Khi trở thành một nhà nghiên cứu, Al-Zaidi cũng đối mặt với nhiều khó khăn, đơn giản nhất là việc đọc tài liệu tham khảo gốc, vì thư viện trường đại học thường thiếu tài liệu tham khảo cho người khiếm thị có thể truy cập được. Ông chia sẻ: “Tôi đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ em gái tôi, người đã từng đọc những gì tôi yêu cầu và tôi rất biết ơn sự hỗ trợ của cha tôi”. Và theo như ông giải thích, động lực để thành công là ông luôn muốn gia đình tự hào về mình, dù khi sinh ra, ông chưa được may mắn.

2. Bộ trưởng khiếm thị đầu tiên của Tuynidi

Sau khi trở thành Giáo sư khiếm thị đầu tiên giảng dạy tại một trường đại học Tuynidi, ông Al-Zaidi cũng trở thành Bộ trưởng khiếm thị đầu tiên trong chính phủ Tuynidi và là Bộ trưởng khiếm thị thứ hai ở thế giới Ả Rập sau tiểu thuyết gia đoạt giải Nobel Taha Hussein, người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục ở Ai Cập vào năm 1950.

 

Việc bổ nhiệm ông Al –Zaidi vào vị trí Bộ trưởng Văn hóa đã gây nhiều tranh cãi, với việc nhiều người cho rằng đây là một thông điệp khích lệ tất cả những người khuyết tật, trong khi những người khác cho rằng, vị trí này không phù hợp với hoàn cảnh của ông Al-Zaidi và ông không có đủ kinh nghiệm chính trị để đảm nhận vị trí này. Tuy nhiên tầm nhìn và những nỗ lực của ông Al Zaidi khi đảm nhiệm vị trí này chỉ trong thời gian ngắn đã tạo ra sự thay đổi không nhỏ trong nhận thức về văn hóa của người dân, đặc biệt là đối với những người khuyết tật.

Với quan niệm “Những ý tưởng thay đổi thế giới là ý tưởng được tạo ra bởi trí óc hơn là các giác quan”, mục tiêu của ông Al –Zaidi với tư cách là Bộ trưởng Văn hóa là làm sao để tất cả người dân có thể được thưởng thức và tiếp cận văn hóa và nghệ thuật. Ông chia sẻ: “Dự án của tôi về cơ bản là truyền tải văn hóa đến những người thiệt thòi, nhóm những người yếu thế, trong đó có thể là trẻ em sinh ra ở vùng sâu vùng xa hay những người gặp trở ngại trong việc tiếp xúc với văn hóa, trong đó có những người khuyết tật”. Vốn là một sinh viên khiếm thị, ông Al Zaidi cũng hiểu rõ hơn hết những khó khăn và rào cản mà những sinh viên khiếm thị phải đối mặt.

Không có thống kê chính thức về số lượng sinh viên có nhu cầu đặc biệt trong các trường đại học công lập của Tuynidi. Tuy nhiên, trang web Người khuyết tật Tuynidi ước tính, số người khuyết tật là 208.000 người, trong đó 46% bị khuyết tật về thể chất, 27% bị khuyết tật tâm thần, 12% bị điếc, 11% bị mù và 4% là người đa khuyết tật. Mặc dù luật pháp Tuynidi quy định rằng nhà nước phải bảo vệ người khuyết tật, nhưng hầu hết người khuyết tật phải chịu sự thiệt thòi, với tỷ lệ thất nghiệp khoảng 60%. Một trong những ưu tiên của ông Al –Zaidi khi trở thành Bộ trưởng Văn hóa Tuynidi đó là hỗ trợ những sinh viên khuyết tật trong học tập cũng như cuộc sống, tạo điều kiện để họ có thể được hưởng những quyền lợi như những sinh viên bình thường khác. Ngoài những chính sách thiết thực, cuộc sống và sự nghiệp của ông Al –Zaidi cũng là động lực mạnh mẽ cho nhiều sinh viên khuyết tật khác vươn lên trong cuộc sống với những câu nói của ông trở thành kim chỉ nam trong cuộc sống của những sinh viên khuyết tật-“Tôi không cho phép bóng tối ngăn cản tham vọng và đam mê khám phá, tận hưởng cuộc sống của mình”.

 

3. Giấc mơ ''Bảo tàng cho tất cả"

Tuynidi là một đất nước có nền văn hóa lâu đời và là quốc gia có bộ sưu tập tranh khảm La mã lớn nhất thế giới, chủ yếu được trưng bày tại Bảo tàng Bardo ở thủ đô Tunis. Là một người khiếm thị, ông Al Zaidi hiểu được nỗi khát khao của những người khuyết tật muốn tìm hiểu về văn hóa và nghệ thuật của đất nước. Vì vậy, khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Văn hóa Tuynidi, ông Walid Zidi đã khởi động dự án xây dựng “Bảo tàng cho tất cả” với sự phối hợp của Hiệp hội Giáo dục và Văn hóa chữ nổi Braille với công ty 3D Wave, Cơ quan Phát triển và Quảng bá di sản Văn hóa Quốc gia. Theo đó, các bức tranh khảm và điêu khắc được bổ sung bằng các văn bản chữ nổi Braille bằng tiếng Ả Rập, tiếng Pháp và tiếng Anh. Bảo tàng cũng sẽ phát triển các ứng dụng để hỗ trợ những người tham quan, trong đó có người khiếm thị, có thể tự tìm hiểu về di sản, nền văn minh và kho tàng khảo cổ của đất nước. Theo ông Al - Zaidi, các sáng kiến này giúp các công dân khiếm thị có thể hòa nhập, hiểu và thưởng thức những di sản, nền văn minh và các bộ sưu tập khảo cổ học khác nhau của Tuynidi. Ông cũng kêu gọi các bảo tàng khác của Tuynidi áp dụng và hỗ trợ các sáng kiến tương tự.

 

Ahmed Charfi-Chủ tịch Dự án“ Bảo tàng cho tất cả” cho biết, “sáng kiến đầy tham vọng này vẫn đang ở những bước đầu tiên. Theo đó những tư liệu sẽ được viết bằng chữ nổi Braille và các ứng dụng, thiết bị thông minh của bảo tàng sẽ hướng dẫn và trợ giúp định vị cho người khiếm thị khi tham quan bảo tàng”. Ngoài ra, 40 hiện vật sẽ được quét kỹ thuật số, giúp cho khách tham quan là người khiếm thị có thể cảm nhận được thông qua công nghệ 3D. Dự án điện tử cũng bao gồm viết và dịch các văn bản khoa học bằng chữ nổi Braille, cũng như đảm bảo người khiếm thị có thể truy cập trang web của Cơ quan Phát triển Di sản và Quảng bá Văn hóa Quốc gia một cách dễ dàng.

Mặc dù không còn giữ chức Bộ trưởng Văn hóa nhưng ông Al - Zaidi vẫn khẳng định sẽ tiếp tục viết tiếp những dự án để hỗ trợ cho những người khuyết tật. Sau khi thôi giữ chức Bộ trưởng Văn hóa, ông Al-Zaidi quay trở về với công việc giảng dạy của mình với những dự án nghiên cứu chiến lược cho tương lai của văn hóa Tuynidi. Ông Al-Zaidi bày tỏ mong muốn nghiên cứu về âm nhạc và vai trò của âm nhạc trong việc xây dựng cầu nối giữa mọi người bất chấp sự khác biệt về văn hóa. Ông cũng bắt tay vào việc xuất bản một cuốn sách liên quan đến vấn đề“ người khiếm thị và ngôn ngữ” về cách người ta có thể hình dung về những gì không nhìn thấy.

 

Có thể nói Al-Zaidi là hình mẫu và cảm hứng cho nhiều học sinh ở Tuynidi, ngay cả khi họ không phải là người khuyết tật. Wissal Al-Barakati, sinh viên đại học năm thứ nhất tại Khoa Khoa học Bizerte, thuộc Đại học Carthage cho biết: “Khi tôi so sánh mình với ông ấy, tôi không tìm thấy lý do biện minh nào cho việc mình không thể học tập. Giáo sư là động lực cơ bản cho tôi và đã dạy tôi biến điều không thể thành có thể”. Không chỉ tại Tuynidi ông Al-Zaidi là một tấm gương sáng tại các nước Ả-rập, nơi vấn đề người khuyết tật nói chung và khiếm thị nói riêng vẫn đang phải đối mặt với những rào cản và sự phân biệt. Khoảng 3% trong số 407 triệu người của khu vực Ả Rập là người khuyết tật. Tại một số quốc gia, việc gia đình có con là người khuyết tật vẫn là một vấn đề nhạy cảm. Chia sẻ trên trang Aljazeera, bà McClain-Nhlapo – chuyên viên tư vấn của Ngân hàng thế giới nhận định, nhiều bậc cha mẹ trong xã hội tại các nước Ả-rập vẫn còn thiếu kiến thức và nhận thức hạn chế về người khuyết tật. Mọi người sợ hãi, họ không biết phải làm gì khi có một đứa con khuyết tật. Điều này càng trở nên trầm trọng hơn ở các vùng nông thôn, nơi tỷ lệ mù chữ cao, việc tiếp cận thông tin còn hạn chế. Chính vì vậy, những chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật của ông Al-Zaidi tạo ra sự thay đổi từ trong nhận thức, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của những người kém may mắn. Ngoài ra, nghị lực của ông cũng đang tạo cảm hứng và truyền động lực đến những người khuyết tật khác trong khu vực vươn lên trong cuộc sống. Trong một buổi nói chuyện với sinh viên gần đây, ông Al-Zaidi khẳng định: “Tôi muốn gửi đến tất cả các học sinh khuyết tật ở Tuynidi và khu vực Ả Rập một thông điệp rằng, không có gì là không thể. Mọi thứ đều có thể thực hiện được với sự siêng năng và kiên trì. Đừng bỏ cuộc! Hãy tìm kiếm sự ủng hộ từ những người xung quanh và đừng để khuyết tật cơ thể cản trở suy nghĩ và ước mơ của bạn ”.

(Nguồn: Ngày Nay)

TAGS

Quảng Trị: Trẻ sơ sinh, người già, người khuyết tật…khẩn trương “chạy bão” trong đêm

Tiến Nhất |

Tối 14/11, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã đi kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 13 và chỉ đạo các địa phương phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, cung cấp đầy đủ lương thực, thuốc men… tại các điểm tránh trú bão của người dân.

Gặt lúa giúp người khuyết tật

Tây Long |

Hôm nay 4/10/2020, theo thông tin từ Đồn Biên phòng Ba Nang, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị vừa tham gia gặt lúa giúp một hộ dân có hoàn cảnh khó khăn ở xã Ba Nang, huyện Đakrông (Quảng Trị).

“Nguồn sáng” của người khiếm thị

Tây Long |

Suốt 25 năm thành lập, các thế hệ cán bộ Hội Người mù tỉnh đã tiếp nối nhau kiếm tìm, nhân lên những điển hình người khiếm thị. Việc làm nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa ấy đã tạo động lực cho nhiều hội viên vươn lên, bước ra từ bóng tối.

Học sinh trường chuyên làm cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật

Lâm Thanh |

Sản phẩm cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật của hai em: Dương Phúc Hiếu, lớp 12 chuyên Sinh và Thái Việt Nhật, lớp 12 chuyên Hóa, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đông Hà, Quảng Trị), đoạt Giải Nhất kỳ thi “Nghiên cứu khoa học cấp quốc gia học sinh trung học” năm học 2019 - 2020 được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng vào giữa tháng 6/2020 đã tiếp thêm động lực, khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo những sản phẩm khoa học hữu ích cho cộng đồng ở ngôi trường này.