“Chữ duyên” của hai tượng Phật đối xứng ở biên giới Việt – Lào

Yên Mã Sơn |

Quảng Trị - Ai có dịp đi qua Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC) trên Quốc lộ 9, đoạn qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (Hướng Hoá, Quảng Trị) sẽ thấy hai tượng Phật: Phật vàng (tượng Bổn sư Thích Ca) của xứ Triệu Voi ở chùa Karon, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet và Phật trắng (tượng Quan  ấm Bồ tát) ở chùa Sơn Thành, xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa. Hai bức tượng vàng - trắng này đối xứng nhau trên con đường xuyên Á nếu tính từ biên giới Việt – Lào.

Dù mới hình thành khoảng 10 năm nhưng những ai xuôi ngược trên Quốc lộ 9 đều ấn tượng bởi ngôi chùa đẹp trên đồi cao này. Ban đầu chưa có đất xây dựng, những Phật tử mộ đạo đã mượn ngôi nhà dân để làm Niệm Phật đường lấy nơi hành lễ, chiêm bái.

Cùng với sự phát triển về kinh tế xã hội, sau nhiều năm, những người dân kinh tế mới của xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong lên Hướng Hoá đã không ngừng duy trì, vun đắp đời sống văn hoá, tâm linh tại nơi ở mới.

Chùa Sơn Thành, ngôi chùa bên dòng sông Sê Pôn
Chùa Sơn Thành, ngôi chùa bên dòng sông Sê Pôn

Năm 2011, Niệm Phật đường mới được xây dựng tại nơi dựng chùa ngày nay. Đáp ứng nguyện vọng xây dựng một ngôi chùa đàng hoàng để Phật tử sinh hoạt, có chùa là có thầy và có thầy sẽ có chùa. Cùng năm đó, thầy Thích Không Giải được thỉnh về trông coi niệm Phật đường. Đến năm 2013, chùa được thành lập với tên gọi Sơn Thành và Đại đức Thích Không Giải được bổ nhiệm trụ trì từ đó cho đến nay.

Theo thầy Thích Không Giải, cái duyên với chùa Sơn Thành thầy có từ những năm còn theo học và tu tập ở Huế. Thầy cho biết, nhiều lần đi theo đoàn từ thiện lên phát quà ở khu vực Hướng Hoá. Khi đến xã Tân Thành, thấy Phật tử rất đông nhưng chưa có chùa. Phật tử phải sinh hoạt ở Niệm Phật đường mượn từ một người dân, rất bất tiện và không được tôn nghiêm như ý.

Đại đức Thích Không Giải, trụ trì chùa Sơn Thành. Ảnh: YMS.
Đại đức Thích Không Giải, trụ trì chùa Sơn Thành. Ảnh: YMS.

 Với nguyện vọng từ các Phật tử, mong muốn có một ngôi chùa làm nơi thờ Phật, hành lễ. “Nên sau khi học xong Học viện Phật giáo ở Huế, thầy có nguyện vọng về nơi này. Ban đầu chùa định xây dựng ở cuộc đất dưới thấp, sát với sông Sê Pôn hơn. Sau khi tìm hiểu nhiều nơi, thầy đã chọn vị trí hiện tại. Cũng hướng mặt ra sông, nhìn về đồi Caroc (hay đồi 550, còn gọi là núi Yên Mã Sơn) nhưng nằm trên đồi cao, có thể nhìn bao quát một vùng rộng lớn”, thầy Giải cho biết. Từ sân chùa có thể nhìn thấy dòng sông Sê Pôn uốn lượn dưới chân núi, có thể nhìn thấy dòng xe ngược xuôi trên Quốc lộ 9, phóng tầm mắt ra xa có thể bao quát một vùng đất của Lào với những cánh rừng già…

Chùa Sơn Thành nhìn từ phía Lào. Ảnh: YMS.
Chùa Sơn Thành nhìn từ phía Lào. Ảnh: YMS.

Sau khi có thầy Thích Không Giải trụ trì, những Phật tử khắp nơi đổ về cúng dường. Cùng với kiến thức và cái tâm của vị trụ trì trẻ, thầy Thích Không Giải đã cho xây dựng những công trình với kiến trúc hiện đại, cảnh quan phù hợp với thiên nhiên… Tất cả làm cho chùa Sơn Thành trở thành một điểm nhấn đáng chú ý trên tuyến EWEC.

“Công trình đáng chú ý nhất sau khi chùa hình thành là tượng Quan âm Bồ tát. Tượng được xây dựng năm 2013, cao 30m. Phật tử và người dân ở các xã, thị trấn vùng lân cận có thể nhìn thấy tượng lồng lộng giữa mây trời biên giới. Đến năm 2019 khởi công xây dựng tam bảo và chùa, hiện nay các công trình này vẫn đang xây dựng, sắp hoàn thiện”, thầy Giải tâm sự.

Chữ duyên của nhà Phật hay một sự đối xứng ngẫu nhiên?

Cùng với các ngôi chùa dọc Quốc lộ 9 như chùa Phước Bảo ở thị trấn Lao Bảo, chùa Liên Hoa ở xã Tân Liên, chùa Khe Sanh (thị trấn Khe Sanh), chùa Lương Lễ (xã Tân Hợp)… chùa Sơn Thành dù xây dựng sau, bên cạnh vị trí đẹp, chùa còn có lối kiến trúc hiện đại và khác biệt hơn. Những Phật tử hay người dân ở Hướng Hoá thuê đất rừng trồng chuối ở bên sông Sê Pôn. Họ làm việc, sản xuất xa hàng chục cây số về phía Lào nhưng khi trở về, len qua những ngọn đồi, tầm mắt nhìn thấy tượng Quan âm Bồ tát ở chùa Sơn Thành là biết mình sắp về tới nhà. Đó là cái ưu thế về khả năng “thu phục nhân tâm”, hướng Phật của chúng sinh ở ngôi chùa này.

Tượng Quan thế âm ở chùa Sơn Thành. Ảnh: YMS.
Tượng Quan thế âm ở chùa Sơn Thành. Ảnh: YMS.

Sau khi chùa Sơn Thành hình thành, Phật tử khắp nơi về đây hành lễ, cúng dường và gửi gắm niềm tin cửa Phật. Theo thầy Thích Không Giải, có một lần một sư thầy người Thái Lan trong lần tham quan các chùa từ Lào đến Việt Nam, đã ghé chùa Sơn Thành. Nhà sư này cho biết, ở biên giới Việt Nam – Lào, hai ngôi chùa, một ở bản Karon (Lào) và một ở Tân Thành như đối xứng nhau về cự ly. Ở hai ngôi chùa này có hai tượng Phật cao vời vợi. Là nơi toả ánh hào quang của nhà Phật. Chẳng biết là sự ngẫu nhiên hay cái duyên của Phật mà có được sự tương xứng độc đáo ấy.

Giải thích thêm về “cái duyên” này, thầy Thích Không Giải cho biết, ở chùa Karon cũng cách cửa khẩu chừng 2 cây số, cùng nằm trên trục EWEC, nằm bên sông Sê Pôn. Bên ấy tượng Bổn sư Thích Ca tư thế ngồi, màu vàng, hướng về phía Việt Nam, là dòng Phật giáo Nam tông.

Chùa Karon (Lào). Ảnh: YMS.
Chùa Karon (Lào). Ảnh: YMS.

Còn phía Việt Nam, chùa Sơn Thành cũng với cự ly ấy, cũng trên trục EWEC, cũng nằm bên sông Sê Pôn; chỉ khác là tượng Quan âm Bồ tát, màu trắng, hướng sang đất Lào và là dòng Phật giáo Bắc tông. Sự đồng điệu và đối xứng trở thành một điều đặc biệt ở vùng đất biên giới này. Dù bắc hay nam, dù Lào hay Việt, khi đi qua đất này đều nhìn thấy Phật, cùng hướng về đạo pháp với những nét ưu việt là khiêm nhường, hài hoà, hoà hợp với thiên nhiên, muôn loài và hoà hiếu với mọi sắc tộc trên cơ sở từ bi, hỉ xả…

Cái duyên ấy, cùng với vị trí đắc địa, cảnh quan đẹp, chùa Sơn Thành không chỉ là nơi để Phật tử tu tập, chiêm bái mà còn là địa chỉ tham quan, vãn cảnh của du khách khi ngang qua tuyến Hành lang Kinh tế Đông – Tây.

TAGS

Phật giáo Quảng Trị đoàn kết hòa hợp hộ quốc an dân

Nguyễn Xuân Oanh |

Cách đây 40 năm ngày 7/11/1981, xuất phát từ tâm nguyện thiết tha của các thế hệ tăng, ni, phật tử Việt Nam, 9 tổ chức giáo hội, hệ phái phật giáo trong toàn quốc gồm: Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất; Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam; Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh; Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam; Giáo hội Phật giáo Thiên Thai Giáo quán; Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam; Hội Sư sãi yêu nước miền Tây Nam bộ và Hội Phật học Nam Việt thành lập một tổ chức Phật giáo duy nhất với tên gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Tăng ni, phật tử Quảng Trị tiếp tục ủng hộ lương thực, thực phẩm giúp đồng bào miền Nam

Anh Vũ |

Tiếp tục thực hiện chương trình ủng hộ đồng bào miền Nam phòng, chống COVID-19, hôm nay 6/9/2021, tại Chùa Cam Lộ, chuyến hàng thứ 3 do tăng ni, phật tử tỉnh Quảng Trị quyên góp được chuyển đến Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. 

Tượng Phật khổng lồ chuẩn bị được xây dựng tại Vientiane

Tổng hợp |

Ban chỉ đạo quốc gia về dự án xây dựng tượng Phật khổng lồ trong đặc khu kinh tế Đầm That Luang ở Vientiane (Lào) vừa nhóm họp để xác định lộ trình cho dự án, được kỳ vọng sẽ trở thành điểm du lịch văn hóa mới thu hút khách du lịch.

Nam phật tử bị đâm tử vong ngay tại chùa

CTV Nhật Minh |

Xảy ra mâu thuẫn với một người khác tại chùa, nam phật tử đã bị đâm nhiều nhát dẫn đến tử vong.