Xuất khẩu gạo trong quý I/2021 mang về trên 1,01 tỉ USD. Dự báo xuất khẩu gạo quý II vẫn tiếp tục lạc quan do áp lực thiếu container giảm.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT), hiện tại, hoạt động logistics của Ấn Độ đang rất khó khăn khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại và gây ra khủng hoảng rộng trong xã hội.
Giá gạo Thái Lan đạt mức 494 USD/tấn và giảm xuống 485 USD/tấn vào cuối tháng. Trong tháng 4.2021, hoạt động thương mại tại Thái Lan diễn ra khá chậm chạp khi nước này trong dịp đón lễ hội năm mới Songkran.
Từ các thông tin trên, các thương nhân ngành lúa gạo dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể khởi sắc trong quý II/2021 bởi hiện nay vấn đề thiếu vỏ container đã giảm; Việt Nam không gặp quá nhiều áp lực về logistics như Ấn Độ và hiện nay nguồn cung lúa gạo đang dồi dào. Đặc biệt, lúa Hè Thu của Việt Nam đang được thương lái hỏi mua và đặt cọc trước.
Các chuyên gia thương mại dự báo Việt Nam vẫn đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo trong quý II/2021.
Trong tuần này giá gạo xuất khẩu tiếp đà đi ngang. Hiện gạo 5% tấm ở mức 493-497 USD/tấn; gạo 25% tấm 468-472 USD/tấn; gạo 100% tấm 423-427 USD/tấn và Jasmine 558-562 USD/tấn.
Thống kê cho thấy, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 4.2021 ước đạt 700 nghìn tấn với giá trị đạt 362 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2021 đạt 1,9 triệu tấn với giá trị 1,01 tỉ USD, giảm 10,8% về khối lượng nhưng tăng 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Trong tháng 4.2021, giá gạo Việt Nam đạt 508 USD/tấn vào đầu tháng và đã giảm xuống còn 488 USD/tấn vào cuối tháng, nguyên nhân chính là do vụ Đông Xuân đã thu hoạch xong nên nhu cầu mua nguyên liệu giảm, chờ đợi vụ Hè Thu sắp tới. Giá gạo 5% của Ấn Độ đạt 396 USD/tấn vào đầu tháng nhưng đã giảm xuống 377 USD/tấn vào cuối tháng.
Giá lúa gạo trong nước ở mức lạc quan
Mặc dù tại thị trường trong nước, giá lúa Đông Xuân tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long giảm trong tháng 4.2021 do các địa phương đã hoàn tất thu hoạch, nhưng vụ Hè Thu cho thấy nguồn cung đủ đáp ứng tiêu dùng nội địa và dư thừa để xuất khẩu.
Từ đầu tháng 5.2021 đến nay, giá lúa gạo có xu hướng ổn định ở mức cao. Cụ thể, ngày 8.5.2021, giá lúa tại đồng bằng sông Cửu Long cụ thể như sau: Nếp Long An 5.100 - 5.500 đồng/kg; OM 18 bán ra với giá 6.400 - 6.600 đồng/kg; Đài thơm 8 có giá 6.400 - 6.600 đồng/kg; OM 9577, OM 9582 bán ra ở mức 6.050 đồng/kg; OM 5451: 6.300 - 6.500 đồng/kg; OM 6976: 6.000 - 6.150 đồng/kg; IR 50404: 5.900 - 6.000 đồng/kg; lúa Nhật: 7.500 - 7.600 đồng/kg; nếp vỏ tươi 5.000 - 5.100 đồng/kg; nàng Hoa 9: 6.100 - 6.200 đồng/kg.
Sau khi tăng nhẹ vào ngày 8.5, giá gạo hôm nay neo cao ở mức: Gạo NL IR 504 giá 9.250-9.350 đồng/kg; gạo TP IR 504 giá 10.600-10.650 đồng/kg; tấm 1 IR 504: 8.700-8.800 đồng/kg; Cám Vàng: 7.000 đồng/kg; gạo thơm Thái Lan hạt dài: 18.000-19.000 đồng/kg; Hương Lài: 18.000 đồng/kg; Jasmine: 14.000-15.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng: 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa: 16.200 đồng/kg; Sóc thường: 14.000 đồng/kg, gạo trắng thường: 11.000-12.000 đồng/kg, gạo Nhật: 24.000 đồng/kg; gạo Nàng Nhen: 20.000 đồng/kg…
Trong 3 tháng đầu năm 2021, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 36,3% thị phần, khối lượng và giá trị đạt 411,58 nghìn tấn và 219,96 triệu USD.
Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Bờ Biển Ngà (gấp 2,7 lần) và Australia (tăng 66%).
(Nguồn: Báo Lao Động)