Giấc mơ xanh từ đất

Phan Hoài Hương |

Mỗi sớm mai thức dậy, ngắm nhìn mặt trời rải những tia nắng mượt mà qua vườn cây, ao cá, Hồ Hữu Thăng (sinh năm 1992) ở thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) lại mơ ước về một ngày không xa, trong khuôn viên trang trại mình từng nhọc công vỡ từng thớ đất đầu tiên này sẽ có khách du lịch gần xa ghé thăm. Phát triển du lịch nông nghiệp không chỉ là giấc mơ, mà là nỗ lực phấn đấu không ngừng của anh, người vinh dự được Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của lần thứ XV, năm 2020.

Khởi nghiệp từ thất bại

Sau khi tốt nghiệp THPT, mặc dù thi đỗ vào một trường đại học ở Huế nhưng Hồ Hữu Thăng lại quyết định rẽ sang hướng khác, ở nhà phụ ba mẹ kinh doanh. Cú sốc lớn đến với anh vào năm 2017, khi công việc làm ăn của gia đình đổ bể, quay trở về vạch xuất phát ban đầu. Một buổi lên thăm vườn cà phê rộng 5 ha nhưng đã già cỗi của gia đình, anh chợt lóe lên ý nghĩ tại sao mình không bắt đầu khởi nghiệp từ vườn đất nhà mình. Nông nghiệp bền vững - khái niệm đó đeo bám trong suy nghĩ của Thăng tự hôm ở vườn cà phê về.

Hồ Hữu Thăng (ở giữa) tại buổi lễ trao tặng giải thưởng Lương Định Của lần thứ XV, năm 2020 do Trung ương Đoàn tổ chức -Ảnh: NVCC​
Hồ Hữu Thăng (ở giữa) tại buổi lễ trao tặng giải thưởng Lương Định Của lần thứ XV, năm 2020 do Trung ương Đoàn tổ chức -Ảnh: NVCC​

Khi đã tích lũy được một ít kiến thức trên mạng, cùng với việc tham gia các lớp tập huấn của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng về chăn nuôi, trồng trọt, Thăng đã dần hình thành được kế hoạch khởi nghiệp muộn màng của mình. Chỉ cần niềm tin và sự quyết tâm là sẽ thành côngThăng đã thuyết phục ba mẹ mình bằng quan điểm đó để nhận được sự ủng hộ từ gia đình. Hồ Hữu Thăng mua thêm 2 ha đất liền kề, nâng diện tích trong trang trại lên 7 ha và bắt đầu quy hoạch, thiết kế mô hình trang trại của mình. Không có tiền thuê thiết kế, anh tự hình dung rồi vẽ theo trí tưởng tượng của mình. Điều đáng nói, ngay từ khi hình thành ý tưởng biến trang trại thành khu chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ, Thăng đã phác họa ra một địa chỉ du lịch của tương lai ngay trong khuôn viên trang trại.

Vật nuôi đầu tiên của trang trại là lứa dê 40 con. Sau hai năm, dê được xuất chuồng, bán có lãi nhưng nhận thấy mô hình nuôi nhốt rất mất thời gian trong khi quỹ đất lãng phí nên Thăng tạm dừng, tập trung trồng các loại cây ngắn ngày để phủ đất. Năm 2017, Thăng đầu tư mô hình nuôi cá truyền thống với 20.000 con cá giống các loại như trắm, chép, mè, rô phi... trên 5 ao cá với tổng diện tích mặt nước là 10.000 m2 và 5.000 m2 diện tích trồng cỏ voi VA06. Năm 2018, anh tiếp tục đầu tư xây dựng 200 m2 diện tích nuôi lợn rừng lai với 12 con lợn nái và 100 con lợn thương phẩm. Đàn ngan, vịt với 500 con trên vụ cùng 4 con bò cái, 1 bò đực được nuôi cùng thời điểm. Năm 2019, anh trồng 100 cây cam vinh, 100 cây chanh tứ thời, 100 cây quýt ngọt, 100 cây mít thái, 100 cây bơ 034, 2.000 gốc đinh lăng, 20.000 cây dứa Thanh Hóa và quy hoạch 10.000 m2 diện tích trồng cây ngắn ngày như ngô, khoai, sắn, rau màu các loại. Mô hình trang trại tổng hợp kết hợp du lịch được Hồ Hữu Thăng đầu tư hơn 4 tỉ đồng, dự kiến tiếp tục đầu tư cho giai đoạn 2 là 2 tỉ đồng. Tất cả cây trồng, vật nuôi trong trang trại đều được chăm sóc, nuôi dưỡng theo phương pháp hữu cơ để mang lại sự bền vững.

Trang trại được quy hoạch thành mô hình du lịch nông nghiệp -Ảnh: H.N​
Trang trại được quy hoạch thành mô hình du lịch nông nghiệp -Ảnh: H.N​

  Hồ Hữu Thăng đạt các danh hiệu: ‘‘Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”, “Gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Quảng Trị” năm 2019; ‘‘Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VI năm 2020”.​

Cảm giác cầm trên tay số tiền bán lứa dê đầu tiên do chính tay mình chăm sóc khiến Thăng nhớ mãi. Số tiền tuy không nhiều nhưng đó là thành quả lao động của bản thân, động viên anh tiếp tục theo đuổi giấc mơ của mình. “Trước khi lên trang trại lập nghiệp, mình đang là một thanh niên phơi phới, từng có một cuộc sống đủ đầy, chỉ phụ giúp ba mẹ kinh doanh chứ chưa “đứng mũi chịu sào”. Vậy mà lên đây, một mình ở trong cái chòi trước kia là nơi nghỉ ngơi của công nhân mà gia đình thuê chăm sóc, thu hoạch cà phê, không điện, nước, thiếu thốn đủ bề. Trang trại cách trung tâm thị trấn không xa, ngoài kia là bạn bè, là những thú vui của thanh niên và vô vàn những điều hấp dẫn khác. Kiên định với suy nghĩ của mình rồi chiến thắng với bản thân nhưng đổi lại, mình bị stress nặng đến mức tóc rụng hết một nửa. Những ngày buồn đó rồi cũng qua, giờ ba mẹ đã chuyển vào trang trại ở với mình, trong trang trại đã có bóng dáng của những người làm thuê, có cây cối, vật nuôi. Âm thanh cuộc sống rộn ràng hơn nhiều, điều đó càng khích lệ mình”, Thăng kể về những ngày đầu lập nghiệp.

Mong muốn góp sức cho cộng đồng

Phát triển nông nghiệp bền vững là hướng đi của Hồ Hữu Thăng, ngay từ ý tưởng đầu tiên. Du lịch nông nghiệp cũng là một mục tiêu hướng đến của anh, với mơ ước sau này sẽ kinh doanh dịch vụ homestay trên chính trang trại của mình.

Sau thời gian tìm hiểu, Thăng nhận thấy việc xây dựng mô hình nông nghiệp tổng hợp kết hợp du lịch, dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn so với nông nghiệp truyền thống, giúp khách hàng tiếp cận chính xác sản phẩm của trang trại từ khâu sản xuất đến tiêu dùng. Đồng thời, đây là địa điểm nghỉ dưỡng trong lành, thoáng mát, được sử dụng vật liệu tự nhiên như tre, gỗ, ngói đất nung giúp bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí nhà kính. Thực ra, đây không phải là mô hình mới vì đã được triển khai ở nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, đối với Quảng Trị thì mô hình này khá mới mẻ và chắc chắn sẽ là xu thế trong tương lai, bên cạnh các loại hình dịch vụ du lịch ở địa phương.

Hồ Hữu Thăng chăm sóc đàn lợn rừng lai trong trang trại của mình -Ảnh: H.N​
Hồ Hữu Thăng chăm sóc đàn lợn rừng lai trong trang trại của mình -Ảnh: H.N​

Đây không phải là ý tưởng ngẫu hứng của chàng trai 9X này. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Khe Sanh, Thăng hiểu về những tiềm năng của vùng đất mà mình đang sống. “Địa hình và khí hậu vùng đất này tương đối giống Đà Lạt, rất thích hợp cho việc phát triển du lịch. Huyện Hướng Hóa những năm gần đây chú trọng đến phát triển du lịch cộng đồng, vì vậy mình nghĩ mô hình mà mình đang xây dựng và hoàn thiện sẽ đón đầu được xu thế này”, Hồ Hữu Thăng chia sẻ.

Trong trang trại, Thăng trồng rất nhiều hoa. Khu nhà dùng để kinh doanh dịch vụ homestay được thiết kế theo kiểu nhà rường, nằm bao bọc bởi một khu vườn sum suê cây trái. Homestay là điểm nhấn quan trọng trong kế hoạch của Hồ Hữu Thăng. Anh muốn khi dịch vụ đi vào khai thác sẽ đưa thêm nông sản của địa phương, nhất là cà phê vào kinh doanh. Vì không có vốn nên từ ý tưởng đến khi hoàn thành kế hoạch, Hồ Hữu Thăng phải kiên trì từng bước một. Thăng lên kế hoạch xây dựng và hoàn thiện trang trại trong 5 năm nhưng đợt lũ vào tháng 10/2020 khiến cho mốc thời gian đó trật nhịp, phải kéo dài hơn dự kiến. Mưa lũ khiến một phần trang trại bị hư hỏng, thiệt hại, nhất là những luống hoa xinh đẹp tô điểm cho khu vườn mà nhìn vào không khác gì một địa điểm check in ở Đà Lạt. “15 ngày trong đợt mưa lũ đó, mình thức trắng để bảo vệ tài sản nhưng cũng chỉ vớt vát được phần nào trước dòng nước hung hãn. Tuy con đường về đích chưa đạt được như dự định nhưng mình không nản lòng. Mình vượt khó đã quen rồi”, Thăng kể.

Nếu hỏi Hồ Hữu Thăng rằng, 5 năm qua, anh thu được gì từ trang trại này, chắc chắn câu trả lời không phải là lợi nhuận vì tất cả số tiền thu được đều dùng để đầu tư xây dựng, hoàn thiện trang trại. Nhưng điều ý nghĩa nhất mà Thăng thu được, đó là từ một thất bại lớn trong cuộc đời đã rèn dũa cho anh sức chịu đựng và kinh nghiệm để vượt khó. Chính vì vậy, giải thưởng Lương Định Của đã vinh danh cho những ý tưởng, nỗ lực của người thanh niên này vì đã dám nghĩ, dám làm và cái đích mà anh vươn tới.

Tham dự lễ trao giải Lương Định Của, có nhiều mô hình thanh niên tiêu biểu khiến Thăng ngưỡng mộ, trong đó có tấm gương của một thanh niên dân tộc thiểu số phía Bắc, người đã kết nối 12 mô hình cùng giúp nhau phát triển. “Hầu như những người mình gặp gỡ, giao lưu tại buổi lễ trao giải thưởng Lương Định Của đều có chung một mục đích, đó là mong muốn được góp sức cho cộng đồng trong khả năng của mình”, Hồ Hữu Thăng cho biết. Đây cũng là mục tiêu mà anh đã làm và đang hướng tới. Hiện trang trại của anh giải quyết việc làm cho 6 lao động thường xuyên và 10 lao động mùa vụ, đặc biệt ưu tiên cho lao động là người dân tộc thiểu số thuộc thôn Trằm và thôn Của, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa.

Giấc mơ về phát triển nông nghiệp xanh, bền vững trên chính mảnh đất quê hương của Hồ Hữu Thăng đang chạm gần đến đích. Một ngày không xa, khách du lịch sẽ có thêm một điểm đến thú vị trong hành trình đến với phố núi Khe Sanh. Bên ly cà phê nồng đượm, khách sẽ thả hồn thư thái với mây trời và gió núi, với ngạt ngào hương cà phê tỏa lan trong khuôn viên trang trại được chủ nhân dày công chăm bón và gây dựng này.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Khởi nghiệp từ niềm đam mê với nghề cơ khí chế tạo

Minh Hiển |

Với niềm đam mê và sự nỗ lực không ngừng trên lĩnh vực cơ khí chế tạo, anh Phan Quốc Thịnh ở TP Đông Hà (Quảng Trị) đã tự mở lối đến thành công, sản xuất ra những chiếc máy có giá trị hàng trăm triệu đồng, và sản phẩm máy làm đá viên của anh đã được giải Nhất trong chương trình bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh, tham gia chương trình bình chọn ở khu vực miền Trung Tây Nguyên năm 2020.

Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2020

Thế An – Hoàng Hùng |

Ngày 20/12, Tỉnh đoàn Quảng Trị tổ chức diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2020 với chủ đề “ Bí quyết khởi nghiệp thành công”. Gần 300 đoàn viên thanh niên trên địa bàn toàn tỉnh đã tham dự và cùng nhau chia sẻ, tìm hiểu về bí quyết khởi nghiệp.

Ngày hội khởi nghiệp lần đầu tiên được tổ chức tại Lào

Tổng hợp |

Khoảng 50 doanh nghiệp khởi nghiệp (Start-up) Lào và nước ngoài đang tham gia Ngày hội Khởi nghiệp Lào năm 2020 tại trung tâm thương mại Vientiane Center trong các ngày từ 3-6/12.

Hướng đi mới khởi nghiệp về du lịch giữa đại dịch COVID-19

PV |

Rất nhiều công ty công nghệ trong lĩnh vực du lịch ở châu Âu đã gặp khó khi đại dịch COVID-19 khiến các chính phủ phải áp đặt lệnh hạn chế đi lại để kiềm chế làn sóng lây nhiễm. Tuy nhiên, nhờ cách thức kinh doanh hợp thời, công ty khởi nghiệp du lịch Limehome của Đức lại đang "ngược chiều gió".