Hơn 5 thập kỷ bắc nhịp cầu hữu nghị

Quang Hiệp |

Hơn 50 năm trước, nhiều người dân Hà Lan đã hướng trái tim yêu chuộng hòa bình về Việt Nam khi cuộc chiến tranh vẫn còn diễn ra ở đất nước này. Thông qua Tổ chức Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV), một nhịp cầu hữu nghị đã được bắc lên để hỗ trợ người dân Việt Nam nói chung, Quảng Trị nói riêng. Nhịp cầu ấy vẫn vững bền cho đến tận hôm nay.


Đến với trái tim yêu hòa bình

Trong phần lớn chuyến công tác ở Quảng Trị, ông Phạm Dũng, Giám đốc Quốc gia MCNV tại Việt Nam đều dành thời gian ghé thăm dãy nhà cũ nằm trong khuôn viên Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị. Đây là vết tích còn sót lại của một bệnh viện từng được người dân gọi bằng cái tên “Hà Lan”, như lời tri ân gửi đến những người bạn ở xứ sở hoa Tulip. Trong dãy nhà cũ, những bức ảnh, hiện vật được trưng bày là minh chứng rõ nét cho mối quan hệ Hà Lan - Việt Nam, Hà Lan - Quảng Trị. Vì thế, mỗi lần đến đây, cũng như nhiều người, ông Dũng trào dâng xúc cảm khó tả.

Ông Dũng kể, năm 1968, khi Việt Nam đang chìm trong khói lửa chiến tranh, triệu triệu trái tim yêu chuộng hòa bình ở nhiều nước trên thế giới đã nắm chặt vòng tay, kết nên phong trào phản chiến. Tại Hà Lan, Giáo sư Jaap De Haas, bác sĩ Nick Van Rhijn và Fred Groenink sáng lập MCNV để kêu gọi cứu trợ người dân Việt Nam.

Những người yêu chuộng hòa bình ở Hà Lan đến thăm và tham gia các hoạt động cộng đồng tại Quảng Trị - Ảnh: Q.H
Những người yêu chuộng hòa bình ở Hà Lan đến thăm và tham gia các hoạt động cộng đồng tại Quảng Trị - Ảnh: Q.H

Với khẩu hiệu “Hãy trợ giúp những nơi có bom rơi”, MCNV đã quyên góp thuốc men, thực phẩm và trang thiết bị để gửi sang Việt Nam. Không lâu sau đó, tổ chức này sớm trở thành nhịp cầu hữu nghị giữa người dân Hà Lan và Việt Nam. Quảng Trị là địa phương được chọn làm điểm xuất phát trong sứ mệnh hỗ trợ Việt Nam của MCNV.

Phong trào ủng hộ Việt Nam nói chung, Quảng Trị nói riêng thông qua MCNV được thể hiện phong phú, đa dạng. Nhiều nhóm ủng hộ Việt Nam của các nhạc sĩ, nhiếp ảnh, nghệ sĩ, thợ may… ra đời. Có thời điểm, khoảng 2.000 phụ nữ Hà Lan đã kết nối nhau, chuyên đan áo để tặng các em nhỏ Việt Nam.

Tinh thần của những người yêu chuộng hòa bình càng cao, MCNV càng phát triển. Chỉ sau 5 năm hoạt động, MCNV đã trở thành tổ chức lớn mạnh với 40 tình nguyện viên làm việc tại văn phòng trụ sở và 600 tình nguyện viên khác hoạt động trên khắp đất nước Hà Lan. Tổ chức có tờ báo riêng, được phát hành hàng quý, trở thành “trung tâm thông tin” về Việt Nam.

Cuối năm 1973, MCNV khởi xướng ý tưởng xây dựng một bệnh viện lắp ghép với kết cấu nhôm chất lượng cao, có tường gỗ, nền bê tông… tại Quảng Trị. Ý tưởng ấy nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ Chính phủ và người dân Hà Lan. Hơn 1 triệu Guilders (tiền Hà Lan) đã được quyên góp để hiện thực hóa ý tưởng.

Năm 1977, nhân chuyến công tác đến Việt Nam, Giáo sư Jaap De Haas, vị chủ tịch đầu tiên của MCNV đã cắt băng khánh thành bệnh viện. Ban đầu, bệnh viện có tên là “Đông Hà”, sau được đổi thành “Hà Lan - Đông Hà”.

Tuy nhiên, người dân địa phương thường gọi bệnh viện này bằng cái tên “Hà Lan”. “Việc xây dựng bệnh viện được xem là điểm khởi đầu cho mối quan hệ hợp tác lâu bền giữa MCNV và Quảng Trị. Mối quan hệ ấy vẫn vững bền cho đến hôm nay”, ông Dũng nói.

Nhịp cầu bền bỉ

MCNV dường như luôn dành một ngoại lệ cho Việt Nam nói chung, Quảng Trị nói riêng. Năm 1975, sau khi chiến tranh khép lại, MCNV vẫn tiếp tục đồng hành với người dân Việt Nam. Các thành viên trong tổ chức vẫn quyết định chọn Quảng Trị là địa bàn chiến lược, ưu tiên trong việc vận động tài trợ, triển khai các dự án. Sự tiếp sức bằng tất cả tình thương, trách nhiệm ấy kéo dài cho đến tận hôm nay.

Mong muốn giúp đỡ Quảng Trị nhiều hơn nên cán bộ, nhân viên MCNV luôn khảo sát, nắm bắt tình hình để có sự hỗ trợ phù hợp thông qua các hoạt động, dự án. Sau khi chiến tranh kết thúc, MCNV tiếp tục hỗ trợ tỉnh nhiều trang thiết bị y tế và xây dựng năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế.

Từ năm 1975 đến năm 1990, MCNV tập trung hỗ trợ các chương trình quốc gia phòng chống bệnh truyền nhiễm, vốn là vấn đề làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân sau chiến tranh.

Sau đó, MCNV chuyển hướng tập trung hỗ trợ thông qua các chương trình dự án chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng. Trong gần 25 năm triển khai, chương trình đã bao phủ 57 xã của 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Từ 2015 đến nay, MCNV tập trung huy động nguồn lực, hợp tác với các đối tác triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển với 4 trụ cột chính là: Phát triển sức khỏe; hòa nhập xã hội; phát triển sinh kế gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu và hỗ trợ phát triển kinh doanh quy mô hộ gia đình, nhóm sản xuất. Mỗi khi thiên tai, dịch bệnh hoành hành ở Quảng Trị, MCNV luôn có mặt và hỗ trợ kịp thời.

Theo thống kê, thời gian qua, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ của MCNV cùng đối tác đã vận động tài trợ, đầu tư gần 100 triệu euro cho các dự án. MCNV luôn không ngừng nỗ lực, đổi mới, thích ứng, sáng tạo để cùng chính quyền, người dân và các đối tác ở Quảng Trị tạo ra những đổi thay mang tính bền vững. Sự đổi thay ấy được thể hiện qua nhiều chương trình, dự án liên quan đến các lĩnh vực khác nhau, từ phát triển sức khỏe, hòa nhập xã hội cho đến phát triển sinh kế và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hơn 500 nghìn người dân ở Quảng Trị đã được hưởng lợi trực tiếp từ các dự án của MCNV.

Với những đóng góp tích cực cho Việt Nam nói chung, Quảng Trị nói riêng trong hơn 5 thập kỷ qua, MCNV đã 4 lần được Chính phủ Việt Nam tặng Huân chương Hữu nghị. Giám đốc Quốc gia MCNV tại Việt Nam Phạm Dũng chia sẻ, niềm vinh dự ấy không chỉ dành cho MCNV mà còn cho rất nhiều trái tim yêu chuộng hòa bình.

Theo ông Dũng, phía sau những hoạt động của MCNV là sự ủng hộ, đóng góp vô điều kiện của người dân Hà Lan. Có những người bắt đầu ủng hộ MCNV từ khi tổ chức mới thành lập. Đến nay, nhiều người trong số họ đã lớn tuổi, qua đời nhưng vẫn còn 4.000 người dân Hà Lan tiếp bước, đóng góp ủng hộ MCNV.

Ông Dũng vui mừng cho biết thêm: “Ngoài Hà Lan, nhiều năm nay, MCNV còn kết nối tấm lòng bạn bè quốc tế đến từ cộng đồng Châu Âu và mới đây có thêm người dân Mỹ. Nguồn lực quý báu do các nhà tài trợ tin tưởng cung cấp đã được chúng tôi chuyển thành những dự án, chương trình, hoạt động ý nghĩa, có tác động sâu rộng, làm thay đổi cuộc sống người dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Xây dựng thị xã Quảng Trị trở thành điểm đến "Vì Hòa bình"

PV |

Suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, thị xã Quảng Trị là một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam, quê hương Quảng Trị. Dù trải qua những tên gọi, đơn vị hành chính khác nhau, song lịch sử thị xã Quảng Trị là một dòng chảy xuyên suốt, với những khúc bi tráng nhưng kiêu hãnh và tự hào; là bản hợp xướng anh hùng ca hòa vào cuộc đấu tranh anh dũng vì độc lập dân tộc và dựng xây quê hương, đất nước.

Viết tiếp khúc ca hòa bình…

Đức Việt |

Khép lại chương trình nghệ thuật đặc biệt “Khát vọng hòa bình” với những câu chuyện của quá khứ hào hùng về một thế hệ tuổi thanh xuân lên đường chiến đấu, sẵn sàng hiến dâng máu xương bảo vệ từng tấc đất thiêng Tổ quốc là sự lắng đọng.

Khát vọng hòa bình trên miền đất Quảng Trị

Lê Đức Dục |

Tháng Bảy năm nay ở Quảng Trị, dường như khách hành hương về đông hơn mọi năm. Không chỉ vì sau hai năm đương đầu với đại dịch, nay mọi người về với đất thiêng như để bù vào những tháng Bảy lỡ hẹn trước đây, mà còn vì năm nay là dịp lễ trọng, tròn 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (1947- 2022). Câu chuyện của dịp 27/7 còn chứa đựng giấc mơ khác về một Lễ hội Hòa bình sẽ diễn ra trên mảnh đất mang tầm vóc nhân loại này.

Triển lãm “Quảng Trị - Điểm đến của ký ức” và hội thảo “Quảng Trị - Khát vọng hòa bình”

Q.H |

Ngày 25/7, Viện Phim Việt Nam phối hợp với Sở VH,TT&DL, Sở Ngoại vụ Quảng Trị cùng các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm “Quảng Trị - Điểm đến của ký ức” và hội thảo “Quảng Trị - Khát vọng hòa bình”. Tham dự có UVTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng; UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Quang Tùng; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương Bùi Trường Giang; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam.