Kỳ vọng về một khu thương mại xuyên biên giới

Trung Linh |

Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: “Đẩy mạnh hợp tác kinh tế qua các cửa khẩu trong vùng gắn với Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC). Nghiên cứu thí điểm mô hình khu kinh tế cửa khẩu qua biên giới trên EWEC”.

Quảng Trị là tỉnh nằm ở cửa ngõ của EWEC về phía Việt Nam. Vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển Khu kinh tế-thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Densavanh mở ra nhiều triển vọng hợp tác ở nhiều lĩnh vực giữa hai nước Việt Nam-Lào.

Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo - Ảnh: T.T
Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo - Ảnh: T.T
Trên thực tế, Khu KTTMĐB Lao Bảo và Khu thương mại biên giới Densavanh là thành tựu hợp tác kinh tế xuất phát từ ý tưởng của Bộ Chính trị hai nước Việt Nam-Lào. Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, hai khu kinh tế đã góp phần làm thay đổi diện mạo của khu vực hai bên biên giới, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn có những hạn chế bất cập cần được tháo gỡ về cơ chế chính sách để tiếp tục tạo động lực cho khu vực Lao Bảo-Densavanh phát triển phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp tỉnh Quảng Trị xây dựng Đề án phát triển Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Densavanh trình Chính phủ.

Hy vọng từ việc thí điểm triển khai Khu kinh tế-thương mại xuyên biên giới chung sẽ có được mô hình để nghiên cứu nhân rộng trên tuyến biên giới Việt-Lào, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các địa phương hai nước có các cặp cửa khẩu đường bộ.

Thực tế hiện nay, trên tuyến biên giới đường bộ Việt Nam và Lào chỉ duy nhất ở khu vực cửa khẩu Lao Bảo-Densavanh đã thành lập 2 khu kinh tế (Khu KTTMĐB Lao Bảo (Việt Nam) và Khu thương mại biên giới Densavanh (Lào) đối xứng nhau.

Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet đề xuất hai chính phủ cho phép thí điểm xây dựng Khu kinh tế-thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Densavanh.

Dự thảo Đề án xây dựng Khu kinh tế-thương mại xuyên biên giới chung Lao BảoDensavanh dự kiến vận hành theo mô hình 2 nước 2 khu, đối xứng nhau qua đường biên giới, có sự kết nối về hạ tầng (kết nối cứng) và chính sách (kết nối mềm), mỗi bên tự chịu trách nhiệm xây dựng và quản lý khu hợp tác xuyên biên giới trên phạm vi lãnh thổ mình.

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo luôn tấp nập hàng hóa xuất nhập khẩu -Ảnh: T.T
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo luôn tấp nập hàng hóa xuất nhập khẩu -Ảnh: T.T
Tiến hành xây dựng hàng rào cứng tại các khu phi thuế quan, khu vực kho bãi hàng hóa chờ kiểm hóa, cảng cạn (ICD)...Tôn trọng chủ quyền lãnh thổ, các thỏa thuận biên giới, các hiệp định Lào, Việt Nam đã ký kết.

Áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất mà chính phủ Việt Nam và Lào đang áp dụng tại các khu kinh tế, thương mại hai nước.

Với các cơ chế chính sách mới tạo hấp dẫn trong thu hút đầu tư của DN tập trung vào các giải pháp “phi thuế quan” như tạo thuận lợi về lao động, thủ tục đầu tư, vay vốn...

Các giải pháp trên sẽ khắc phục các rào cản đối với các dự án đầu tư của Việt Nam sang Lào trong thời gian vừa qua, thu hút các DN trong nước và nước ngoài đầu tư vào Khu thương mại biên giới Densavanh.

Những năm gần đây các hoạt động đầu tư vào địa bàn huyện Sê Pôn dọc theo tuyến Đường 9 có nhiều chuyển động mới, một số dự án gia công sản xuất, nhập khẩu nguyên liệu về cảng Đà Nẵng đưa sang Lào và xuất khẩu sản phẩm qua các cảng biển Việt Nam đã làm gia tăng lượng hàng hóa và phương tiện qua cặp cửa khẩu Lao Bảo-Densavanh.

Năm 2022, số lượng phương tiện XNC qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đạt 181.831 lượt, tăng 2,26%. Trung bình hàng ngày có khoảng 500 lượt phương tiện XNC qua cửa khẩu; tổng số lượt hành khách XNC đạt 438.405 lượt, tăng 25%.

Riêng từ ngày 1/1/2023 đến 14/2/2023, số lượng phương tiện XNC qua cửa khẩu đạt 18.981 lượt, tăng 6,99% so với cùng kỳ năm trước; tổng số lượt hành khách XNC đạt 39.468 lượt, tăng 39,93% so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 9/2022, Chính phủ Lào đã phê duyệt nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt Savannakhet-Lao Bảo dài 220km, tuyến Đường 9 đang được xem là ưu tiên hàng đầu.

Khu vực Lao Bảo-Densavanh có điều kiện thuận lợi về mặt bằng xây dựng hệ thống kho bãi, phát triển dịch vụ logistics đang có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực vận tải, logistics.

Tháng 10/2022, đại diện tập đoàn Sakae Holding (Singapore) đã làm việc với BQL Khu kinh tế tỉnh Savannakhet và khảo sát thực tế Khu thương mại biên giới Densavanh để chuẩn bị cho việc phối hợp khảo sát, điều chỉnh quy hoạch và xúc tiến các dự án đầu tư của doanh nghiệp Singapore trong thời gian tới.

Tập đoàn T&T (Việt Nam) đang nghiên cứu đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo theo hình thức PPP gắn với việc mở rộng và khai thác khu vực cửa khẩu Lao Bảo-Densavanh đi EU, Hoa Kỳ và hàng hóa từ khu phi thuế quan các nước vào các khu phi thuế quan tại Lao Bảo-Densavanh.

Hiện đã có nhiều DN trong và ngoài nước (Tập đoàn T&T, Tập đoàn Sơn Hải, Tập đoàn Pon sack-Lào, Tập đoàn Sakae Holding-Singapore...) đã đến khảo sát đề xuất dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, kho bãi hàng hóa chuyên dùng (than, quặng sắt, sắn củ tươi), khu kho bãi phục vụ kiểm hóa, tập kết phương tiện, hàng hóa tại khu vực cửa khẩu Lao Bảo-Densavanh.

Một số DN của Việt Nam đang nghiên cứu xây dựng nhà máy chế biến viên nén năng lượng, may xuất khẩu tại Khu thương mại biên giới Densavanh để sử dụng nguồn nguyên liệu giá rẻ hoặc được hưởng ưu đãi đối với hàng hóa có xuất xứ từ Lào.

Tuy nhiên, việc phối hợp vận hành các cơ chế, chính sách áp dụng chung cần có sự quản lý, giám sát, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, các vấn đề phát sinh từ trung ương, nhất là tháo gỡ khó khăn cho DN đầu tư.

Mọi cơ chế, chính sách sẽ được cụ thể hóa bằng việc ký kết hiệp định để làm cơ sở cho các bộ, ngành hai nước và chính quyền hai tỉnh Quảng Trị-Savannakhet triển khai thực hiện. Từ ý tưởng đến hiện thực về “một ngôi nhà chung” Lao BảoDensavanh cùng các chính sách ưu đãi vượt trội, hấp dẫn đầu tư trên Hành lang kinh tế Đông-Tây đang dần trở thành hiện thực và mang lại nhiều kỳ vọng tốt lành.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo: Lập nhiều chiến công trên tuyến biên giới

Nam Phương - Phan Phú |

Ngày 27/2/2023, tại thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (Biên phòng Quảng Trị) tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập 27/2 (1973 – 2023).

Người dân làm thủ tục xuất cảnh sang Lào qua các cửa khẩu ở Quảng Trị tăng cao

Mai Lâm |

Theo số liệu của các đồn biên phòng ở 2 cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay, trong 1,5 tháng đầu năm 2023 (từ ngày 1/1-15/2) có khoảng gần 39.000 người làm thủ tục xuất cảnh sang Lào. Đặc biệt, từ sau tết Nguyên đán đến nay, lượng người xuất cảnh qua Lào tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh tăng cao.

Mở lại cửa khẩu phụ La Cồ - Tà Rùng

Nguyễn Đình Phục |

Ngày 10/2, cửa khẩu phụ La Cồ (huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet) - Tà Rùng (xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đã chính thức mở lại sau 2 năm Chính phủ Lào áp dụng các biện pháp tạm “đóng cửa” biên giới để phòng chống COVID-19.

Lào, Thái Lan có thể mở lại một số cửa khẩu biên giới

Tổng hợp |

Chính quyền Lào và Thái Lan đang tìm cách mở cửa lại 4 cửa khẩu biên giới giữa tỉnh Nongkhai với thủ đô Vientiane.