Chính phủ Lào sẽ tăng cường hơp tác với các nước đối tác chiến lược và đối tác phát triển trong giai đoạn 5 năm tới để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững đã đặt ra.
Một trong các hành động được ưu tiên để đảm bảo duy trì mức độ hợp tác với các nước, Lào sẽ thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, bảo hộ sở hữu trí tuệ, đầu tư, đồng thời đưa ra các chính sách quan trọng khác.
Theo Dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội quốc gia lần thứ 9, giai đoạn 2021-2025, Lào sẽ tiếp tục hợp tác sâu rộng với các nước ASEAN cùng một số đối tác để đạt được mục tiêu phát triển trên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả ASEAN+6, WTO, khuôn khổ tiểu vùng Mekong mở rộng, khuôn khổ hợp tác Mekong-Lan Thương.
Bên cạnh đó, Lào sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội toàn diện tại các tỉnh có dự án đường sắt Lào-Trung đi qua, phát triển các đặc khu kinh tế và lĩnh vực thương mại biên giới với các nước láng giềng.
Theo đó, mỗi tỉnh của Lào có chung biên giới với các nước láng giềng sẽ có ít nhất một cửa khẩu quốc tế để thúc đẩy thương mại, đầu tư và hợp tác. Trong đó bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar và Campuchia.
Mặc dù không có đường biên giới biển, Lào đang kỳ vọng trở thành trung tâm kết nối đất liền của khu vực, sở hữu các đầu mối giao thương quan trọng trên các hành lang kinh tế, đặc biệt là khi dự án cầu Hữu nghị Lào-Thái số 5 nối Borikhamxay và Beungkan hoàn thành trong vài năm tới. Bên cạnh các cầu Hữu nghị sẵn có, không chỉ là điều kiện phát triển thương mại giữa Lào và Thái Lan mà còn là chìa khóa thúc đẩy lĩnh vực vận tải hàng hóa, logistics của khu vực.
Khi tuyến đường sắt Lào-Trung hoàn thành và đi vào hoạt động, chính phủ Lào hy vọng dự án sẽ góp phần thúc đẩy thương mại, du lịch và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của đất nước ra thị trường nước ngoài.
Lào cũng đặt mục tiêu gia tăng hợp tác với đối tác quốc tế để cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nhằm hỗ trợ lĩnh vực thương mại phát triển hơn nữa.
(Nguồn: Tạp chí Lào Việt)