Việc cử các lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình đã góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế cũng như tăng cường khả năng hội nhập, làm việc trong môi trường đa phương của Quân đội nhân dân Việt Nam, qua đó sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nữa cho sứ mệnh chung của Liên hợp quốc, được Liên hợp quốc và các đối tác quốc tế đánh giá cao.
Thành tích chung đó là kết quả quá trình nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, trong đó có việc phối hợp chuẩn bị lực lượng cho các Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam để triển khai tại phái bộ ở Nam Sudan, với đóng góp quan trọng của Học viện Quân y.
Tại Học viện Quân y, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về nước. Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 chính thức đi vào hoạt động từ đầu tháng 5/2022, đã và đang ghi được nhiều dấu ấn, tham gia khám chữa bệnh cho nhiều bệnh nhân tại địa bàn Nam Sudan. Phát huy thành tích của các Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, số 2, số 3, Bệnh viện số 4 của Việt Nam đã góp phần lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình trong mắt bạn bè quốc tế.
Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 với biên chế 63 đồng chí, có nhiệm vụ triển khai thay thế Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 (quân số chủ yếu từ Bệnh viện Quân y 175) tại Phái bộ UNMISS, Nam Sudan. Dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp song toàn thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện đã nỗ lực tham gia đầy đủ các chương trình huấn luyện về chuyên môn quân y, quân sự, ngoại ngữ và huấn luyện tiền triển khai, đồng thời được chuẩn bị công phu về mọi mặt để sẵn sàng thực hiện tốt nhiệm vụ, không chỉ về kiến thức mà còn cả kỹ năng ứng phó với những rủi ro, thách thức có thể phải đối mặt trong môi trường dã chiến.
Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình chuẩn bị và triển khai các Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 và số 4, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Giám đốc Học viện Quân y cho biết, Học viện đã phối hợp chặt chẽ với Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam duy trì tốt công tác báo cáo, rút kinh nghiệm, kịp thời xử lý, giải quyết những vướng mắc, khó khăn; làm tốt công tác tuyên truyền… để bảo đảm cao nhất hiệu quả, chất lượng cho công tác chuẩn bị và triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 ở địa bàn phái bộ Liên hợp quốc.
Học viện Quân y đã tổ chức tiếp nhận và khám sức khỏe cho quân nhân từ các đơn vị phối thuộc về Học viện Quân y tham gia Bệnh viện dã chiến cấp 2. Các quân nhân không đủ tiêu chuẩn sức khỏe tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình được về đơn vị cũ theo chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng. Bên cạnh đó, Học viện Quân y phối hợp với các cơ quan chức năng kiện toàn, sắp xếp theo tổ chức biên chế, thành lập các tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng của Bệnh viện dã chiến cấp 2, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ nhân sự của Bệnh viện và thông qua Liên hợp quốc.
Cán bộ, nhân viên các Bệnh viện dã chiến cấp 2 trước khi lên đường đều được tiêm vaccine phòng một số bệnh như COVID-19, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết do phế cầu, viêm màng não mô cầu, thương hàn, uốn ván sốt vàng da…và uống dự phòng thuốc phòng, chống bệnh sốt rét theo yêu cầu của Liên hợp quốc.
Bên cạnh đó, Học viện đã phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Trung tâm tiếng Anh tổ chức các lớp học ngoại ngữ cho cán bộ, nhân viên của Bệnh viện, bao gồm lớp do giáo viên Australia và giáo viên Việt Nam giảng dạy. Các lớp học đã đạt được mục tiêu đề ra. Nhiều cán bộ, nhân viên của Bệnh viện trước khi lên đường đã giao tiếp được cơ bản về các vấn đề hàng ngày liên quan đến chuyên ngành, chuyên môn. Đặc biệt, các nhân sự là cán bộ chủ chốt đã đạt IELTS từ 5.5 trở lên, có đồng chí điểm IELTS đạt 7.5.
Mặc dù chất lượng nhân sự đầu vào của Bệnh viện dã chiến vốn đã rất cao, song Học viện Quân y vẫn xác định công tác huấn luyện chuyên môn y dược là nội dung huấn luyện trọng tâm của Bệnh viện dã chiến cấp 2 và luôn bám sát các nhiệm vụ Bệnh viện sẽ triển khai tại phái bộ, với các chuyên ngành: Nội khoa, Ngoại khoa, Truyền nhiễm, Vệ sinh phòng dịch, Cấp cứu chấn thương, Vận chuyển đường không…
Đối tượng tham gia huấn luyện bao gồm bác sỹ, điều dưỡng và kỹ thuật viên. Tổng số giờ huấn luyện của một Bệnh viện dã chiến cấp 2 là khoảng 500 giờ, trong đó có cả lý thuyết và thực hành. Ngoài ra, cán bộ, nhân viên của Bệnh viện cũng tham gia các khóa huấn luyện các kỹ năng về cấp cứu đường không, chăm sóc thương vong quốc tế (ITLS), hỗ trợ chăm sóc thương vong cao cấp (ATLS), xử lý tình huống khẩn cấp khi phải tiếp nhận, xử lý số lượng thương vong lớn, kỹ năng phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các loại bệnh truyền nhiễm thường gặp ở phái bộ... Đồng thời, cán bộ, nhân viên Bệnh viện trước khi lên đường đều được tham gia huấn luyện chính trị, quân sự, hậu cần kỹ thuật, chuyên môn về gìn giữ hòa bình...
Nhờ sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng về lực lượng, các Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam nói chung và hai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2, số 4 nói riêng đều được Liên hợp quốc và lãnh đạo Phái bộ đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Những kết quả sau gần 5 năm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Nam Sudan của Học viện Quân y đã góp phần tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán, đúng đắn của Đảng, Nhà nước, qua đó không chỉ xây dựng lòng tin, sự hiểu biết và thúc đẩy hợp tác với các nước, mà còn mang thông điệp hòa bình của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
(Nguồn: Ngày Nay)