Sẵn sàng nguồn nhân lực để xuất khẩu lao động

Lê An |

Là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, ngay sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các đơn vị cung ứng dịch vụ xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn tỉnh đã tích cực chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực, tổ chức đào tạo… để sẵn sàng đưa lao động sang làm việc tại nước ngoài khi COVID-19 tại các nước được kiểm soát.

Sau gần 2 tháng phải nghỉ học lớp tiếng Hàn Quốc do ảnh hưởng của COVID-19, những ngày này anh Nguyễn Chí Hiếu ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đang tích cực ôn luyện để sẵn sàng cho kỳ thi EPS (chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài theo quy định của Luật Việc làm Hàn Quốc) đi làm nghề sản xuất chế tạo tại Hàn Quốc.

Lớp đào tạo tiếng Hàn Quốc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Ảnh: LA
Lớp đào tạo tiếng Hàn Quốc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Ảnh: LA

Anh Hiếu cho biết, theo kế hoạch ban đầu của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL), kỳ thi EPS sẽ được tổ chức vào tháng 3/2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của COVID-19 nên chương trình học và lịch thi EPS phải hoãn lại. Sau khi tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát, Trung tâm DVVL mới tổ chức học trở lại để các học viên sẵn sàng cho kỳ thi EPS dự kiến vào tháng 7/2020 này. “Hy vọng dịch bệnh được kiểm soát để Hàn Quốc mở lại đường bay, tôi có thể sang làm việc”, anh Hiếu chia sẻ.

Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Bùi Văn Lũy cho biết, COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của trung tâm, đặc biệt là các hoạt động tư vấn, tuyển chọn lao động, cung ứng nguồn, liên kết đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho lao động xuất khẩu.

Cụ thể, nếu như năm 2019 trung tâm đã đưa gần 450 lao động đi làm việc ở nước ngoài thì trong 6 tháng đầu năm 2020, trung tâm chỉ mới đưa được 35 lao động đi làm việc ở thị trường Hàn Quốc. Bên cạnh đó, do COVID-19 nên trung tâm không tổ chức được sàn giao dịch việc làm, các hội nghị, hội thảo tư vấn, tuyên truyền về XKLĐ tại các địa phương. Cán bộ làm công tác tuyển sinh thực hiện tư vấn qua điện thoại, online dẫn đến hiệu quả không cao.

Dịch bệnh bùng phát trên toàn thế giới, trong đó có những thị trường trọng tâm về XKLĐ của tỉnh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… đã ảnh hưởng đến tâm lý của người dân. Do vậy, việc tư vấn người lao động tham gia các chương trình XKLĐ hết sức khó khăn. Các nước đều tập trung toàn lực vào công tác phòng, chống dịch bệnh, do đó, việc khai thác đơn hàng tại các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, số lượng đơn hàng ít hơn, người lao động không có nhiều cơ hội lựa chọn đơn hàng, ngành nghề phù hợp. Bên cạnh đó, việc tạm dừng trao đổi các chuyến bay quốc tế đã ảnh hưởng đến thời gian xuất cảnh của người lao động.

Theo ông Lũy, để chuẩn bị nguồn nhân lực bảo đảm, sẵn sàng chớp cơ hội XKLĐ khi dịch bệnh ở các nước được khống chế, ngay sau khi tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát, trung tâm đã về tận các địa phương triển khai công tác tuyển nguồn; tăng cường tổ chức các hội nghị tuyên truyền về XKLĐ, các sàn giao dịch việc làm; triển khai ngay việc khảo sát nhu cầu, nguyện vọng, tư vấn, đào tạo nghề, học ngoại ngữ… để tạo nguồn lao động sẵn có chờ các thị trường XKLĐ mở cửa trở lại.

“Đến nay, trung tâm đã tổ chức đào tạo lại 2 lớp tiếng Hàn Quốc buộc phải ngừng hoạt động do dịch bệnh với hơn 70 học viên để chuẩn bị cho kỳ thi EPS vào tháng 7/2020. Tiếp nhận hồ sơ đăng ký thi tiếng Hàn, kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực người lao động theo chương trình EPS cho 173 lao động ngành sản xuất chế tạo và 275 lao động ngành ngư nghiệp; thời gian thi dự kiến từ nay đến tháng 8/2020. Ngoài ra, đã hoàn tất hồ sơ, visa… cho 120 lao động dự kiến xuất cảnh trong tháng 7/2020”, ông Lũy cho hay.

Còn tại Công ty CP Đào tạo và Phát triển công nghệ Hà Nội HTD, một đơn vị chủ yếu đưa lao động sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, thời điểm này, công ty cũng đang tập trung triển khai các hoạt động hỗ trợ người lao động tìm kiếm cơ hội XKLĐ như: Tìm hiểu thị trường, đào tạo nghề, học tiếng… để tạo nguồn ứng viên sẵn sàng khi thị trường lao động ở các nước mở cửa trở lại. Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Phát triển công nghệ Hà Nội HTD Lê Thiện cho biết, bình quân mỗi năm công ty đưa được từ 150 - 200 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng của COVID-19 nên nhiều đơn hàng tuyển dụng, xuất cảnh của công ty phải tạm dừng và chậm tiến độ. Từ đầu năm 2020 đến nay, công ty chỉ mới đưa được 20 lao động đi làm việc ở nước ngoài; còn lại buộc phải tạm dừng. Trong đó có nhiều lao động đã được cấp visa nhưng không xuất cảnh được; nhiều lao động đã hoàn thành chương trình đào tạo chờ xuất cảnh; một số đã đỗ đơn hàng đợi kết quả cũng sẽ bị chậm so với bình thường. Theo anh Thiện, hiện nay tuy trong nước dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng hầu hết các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam đều đang ban hành lệnh cấm nhập cảnh.

Tuy nhiên, một số thị trường đang có dấu hiệu tiếp nhận lao động trở lại như Đài Loan đã mở cửa từ 3/5/2020; Hàn Quốc đã có thông báo dự kiến khởi động lại chương trình EPS cấp phép mới trong tháng 7/2020; Nhật Bản cũng dự kiến sau 31/7/2020 sẽ có có thông báo mới… Do vậy, để chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực, công ty đã chủ động xây dựng kế hoạch, tích cực triển khai công tác tư vấn, tuyển dụng lao động, đào tạo nghề… Ngoài những thị trường truyền thống, còn phối hợp với các công ty cung ứng nhân lực XKLĐ khác để mở rộng thị trường, đa dạng ngành nghề lao động. “Hiện công ty đang hoàn tất thủ tục cho hơn 60 lao động đi làm việc ở Hàn Quốc theo visa E7, E9… chỉ chờ các chuyến bay thương mại hoạt động, sẽ lên đường sang nước bạn làm việc”, anh Thiện thông tin.

Theo kế hoạch, năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu có khoảng 1.800 người đi XKLĐ, nhưng từ đầu năm đến nay mới chỉ có 683 lao động đi làm việc ở nước ngoài; tập trung chủ yếu ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Trắc, Trưởng Phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB&XH), thời điểm này mặc dù các nước vẫn đang còn đóng cửa với lao động Việt Nam, song lại là “thời điểm vàng” để tạo nguồn lao động, giúp người lao động có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tay nghề, ngoại ngữ… trước khi thị trường lao động mở lại. Ông Trắc chia sẻ, theo tính toán, mỗi lao động khi muốn đi làm việc tại các thị trường lao động chất lượng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan hay các nước Châu Âu, Trung Đông đều phải trải qua quá trình đào tạo từ 4 - 6 tháng.

Sau đào tạo còn phải chờ đợi đơn hàng từ doanh nghiệp ở nước bạn rồi mới được xuất cảnh. Thế nên việc đào tạo cần được tiến hành ngay từ bây giờ để khi tình hình dịch bệnh ổn định sẵn sàng có nguồn lao động xuất cảnh. Khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu lao động tại các nước sẽ tăng cao do nhu cầu phát triển sản xuất khôi phục nền kinh tế. Bên cạnh đó, khi thi trường lao động ở các nước mở cửa sẽ hạn chế hoặc không tiếp nhận lao động của một số nước trong khu vực Đông Nam Á do dịch bệnh chưa được không chế. Trong khi đó, đến thời điểm này nước ta cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, do đó lao động Việt Nam sẽ được ưu tiên tiếp nhận. Đây được xem là cơ hội lớn của XKLĐ cả nước nói chung và Quảng Trị nói riêng sau COVID-19.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Doanh nghiệp sản xuất khẩu trang tại Lào khó cạnh tranh hàng lậu

PV |

Các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang ở thành phố Vientiane cho biết đang gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm bởi không thể cạnh tranh về giá với các sản phẩm, được cho là hàng lậu và có giá rẻ hơn đang lưu hành trên thị trường.

Khởi sắc từ Khe Sanh về Cửa Việt. Bài 2: Phát huy thế mạnh kinh tế để vươn ra “biển lớn”

Nhơn Bốn |

Sau khi lập lại tỉnh Quảng Trị, các địa phương trong tỉnh đã bắt tay vào kiến thiết xây dựng lại quê hương. Từ huyện miền núi Hướng Hóa về miền biển Gio Linh, mỗi địa phương đều đã phát huy thế mạnh của mình, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh. Nếu như huyện Hướng Hóa có thế mạnh phát triển điện gió, Đakrông có thủy điện, Cam Lộ là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh thì thành phố Đông Hà là trung tâm chính trị, văn hóa, thương mại, dịch vụ lớn nhất của tỉnh và phía Đông huyện Gio Linh đã mở ra hướng phát triển kinh tế với nhiều tiềm năng, kỳ vọng...

Vắcxin COVID-19 do Việt Nam sản xuất vượt tiến độ dự kiến

PV |

Theo các nhà nghiên cứu, Việt Nam không đặt mục tiêu dẫn đầu nhưng sẽ đón đầu nhờ kế thừa được các kinh nghiệm của thế giới ứng phó với loại virus rất mới SARS-CoV-2.

Hội nghị hợp tác kết nối đầu tư Thanh Hoá- Quảng Trị

PV |

Ngày 24/6/2020, tại SEPON BOUTIQUE RESORT (thị trấn Cửa Việt, Gio Linh, Quảng Trị), Hiệp Hội Doanh nghiệp Thanh Hoá phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ Quảng Trị, Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị tổ chức chương trình “Kết nối hợp tác đầu tư Thanh Hoá- Quảng Trị”.