Dịch COVID-19 khiến kinh tế Thái Lan còn tồi tệ hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, nước này cần thêm 1.000 tỷ baht (29,9 tỷ USD) để hỗ trợ việc làm và thu nhập cho người dân.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) Sethaput Suthiwartnarueput ngày 16/8 cho biết nước này cần thêm 1.000 tỷ baht (29,9 tỷ USD) để hỗ trợ/đảm bảo việc làm và thu nhập cho người dân trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang vật lộn với đợt bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất từ trước tới nay.
Thái Lan đã chứng kiến số ca mắc và số ca tử vong vì COVID-19 gia tăng đột biến, do đó thúc đẩy chính phủ gia hạn các biện pháp cứng rắn hơn trong tháng này và mở rộng sang nhiều khu vực, mà chiếm tới 80% Tổng sản phẩm quốc nội.
Theo ông Sethaput, đề xuất bổ sung 1.000 tỷ baht vào hỗ trợ tài chính, tương đương 7% GDP, là hợp lý vì những khó khăn mà nền kinh tế đang phải đối mặt.
Ông cho rằng tình hình hiện nay còn tồi tệ hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998.
Ông Sethaput cho rằng tình hình tài chính đất nước mạnh và có thể vay nhiều hơn để hỗ trợ nền kinh tế.
Dịch COVID-19 đã tạo ra “một lỗ hổng thu nhập” lớn trong nền kinh tế Thái Lan, với con số thu nhập thiệt hại ước tính lần lượt là 2.600 tỷ baht và 1.800 tỷ baht trong năm 2020 và 2021, và trong năm 2022 vào khoảng 800 tỷ baht.
Trong khi đó, số người thất nghiệp dự kiến là 3,4 triệu người vào cuối năm 2021, tăng so với mức 3 triệu người trong quý 2/2021.
BoT vẫn giữ triển vọng tăng trưởng GDP khoảng 0,7% trong năm nay, mặc dù tình hình trong quý 2 tốt hơn dự kiến. Tình hình tài chính và chính sách tiền tệ sẽ vẫn phù hợp trong điều kiện hiện nay.
Theo ông Sethaput, BoT sẽ đảm bảo sự biến động của đồng baht không làm cản trở nền kinh tế trong bối cảnh đồng nội tệ này mất giá 10% trong năm nay, khiến nó trở thành đồng tiền hoạt động kém nhất châu Á.
(Nguồn: TTXVN)