Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) phát động một chương trình kích thích mua sắm kéo dài 2 tháng nhằm hỗ trợ ít nhất 10.000 doanh nghiệp liên quan đến ngành du lịch bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 11/7, Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) phát động một chương trình kích thích mua sắm kéo dài 2 tháng nhằm hỗ trợ ít nhất 10.000 doanh nghiệp liên quan đến ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Chương trình “Đại hạ giá tuyệt vời Thái Lan 2020 - Mua sắm không ngừng” và sẽ kéo dài từ ngày 15/7 đến 15/9 với hy vọng tạo ra doanh thu 100 triệu baht (hơn 3 triệu USD) từ du khách nội địa để giúp ngành du lịch hồi phục sau thời gian phong tỏa chống dịch.
Để thực hiện chương trình, TAT đã mời hơn 10.000 cửa hàng và doanh nghiệp trên toàn quốc tham gia bằng cách đưa ra những ưu đãi đặc biệt cho người dân và người nước ngoài sinh sống ở Thái Lan tại các trung tâm du lịch của đất nước như Bangkok, Chiang Mai, Phuket, Pattaya và Hat Yai.
Du lịch là một trong những động lực thúc đẩy nền kinh tế Thái Lan. Trước khi bùng phát dịch COVID-19, Thái Lan hy vọng doanh thu từ du lịch sẽ đóng góp khoảng 20% GDP trong năm 2020. Thái Lan đón gần 40 triệu lượt du khách nước ngoài trong năm 2019. Tuy nhiên, du lịch là ngành đầu tiên ở nước này phải hứng chịu tác động của dịch COVID-19 ngay từ cuối tháng 1/2020.
Trong 5 tháng đầu năm, tổng số các chuyến du lịch nội địa ở Thái Lan đã giảm 58,2%, với doanh thu giảm 57,9% xuống còn 191 tỉ baht. Số liệu thống kê của TAT cho thấy số lượng du khách quốc tế tới nước này giảm 60% trong 5 tháng đầu năm nay xuống còn 6,69 triệu lượt và doanh thu từ khách nước ngoài giảm 59,6% xuống mức 332 tỉ baht.
Cuối tháng trước, Nội các Thái Lan đã thông qua hai gói kích cầu du lịch nội địa tổng trị giá 22,4 tỷ baht (723 triệu USD) để có thể hồi sinh ngành công nghiệp không khói vốn đã tê liệt bởi đại dịch COVID-19.
Trong một diễn biến có liên quan, Chính phủ Thái Lan dự kiến thành lập một trung tâm phụ trách công việc hồi phục kinh tế của đất nước sau đại dịch, theo mô hình hoạt động thành công của Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA).
Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã nhất trí với đề xuất thành lập trung tâm nói trên của khu vực tư nhân và chỉ thị cho các cơ quan liên quan nghiên cứu. Phó Tổng thư ký của Thủ tướng phụ trách các vấn đề chính trị Kobsak Pootrakool cho biết trung tâm hồi phục kinh tế mới sẽ do ông Prayut làm Chủ tịch.
Thủ tướng Prayut đã hoãn một cuộc họp của các bộ trưởng phụ trách kinh tế ngày 10/7, và thay vào đó gặp các cố vấn kinh tế cùng các đại diện của khu vực tư nhân, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) và Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDC) để nghe ý kiến về việc hồi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Theo ông Kobsak, nhóm cố vấn của Thủ tướng cũng đề xuất chính phủ nhanh chóng đưa ra số liệu cập nhật nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế một cách hiệu quả hơn, đặc biệt là nguy cơ thất nghiệp trong số 500.000 sinh viên ra trường trong năm nay. Ông Kobsak nói thêm rằng chính phủ cũng đã đồng ý cho phép các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) có sự tiếp cận lớn hơn tới các dự án mua sắm của nhà nước. Các cơ quan của nhà nước có thể sẽ được yêu cầu mua sản phẩm hoặc dịch vụ của các SME với tỉ lệ ít nhất 30% trong năm nay.
(Nguồn: TTXVN)