Thời gian qua, Tổ công tác 626 gấp rút hoàn thiện dự thảo Đề án “Xây dựng Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavanh”.
Tổ công tác 626 được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập từ tháng 4/2022 do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng làm Tổ trưởng.
Đề án được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định là một trong 8 đề án, dự án trọng điểm của tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới. Sau khi hoàn thiện đề án, Tổ công tác 626 làm việc với Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Savannakhet, Tổ công tác 1626 tỉnh Savannakhet và các cơ quan liên quan phía Lào; tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Phân ban Hợp tác Việt- Lào, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Kinh tế Trung ương và các bộ, ngành có liên quan xin Bộ Chính trị chủ trương thí điểm xây dựng Khu Kinh tế- Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo- Densavanh để làm căn cứ triển khai các phần việc tiếp theo.
Sự cần thiết và căn cứ xây dựng đề án
Theo dự thảo đề án, xuất phát từ những thuận lợi về điều kiện tự nhiên và vị trí địa chính trị, kinh tế quan trọng của tuyến Đường 9 và khu vực hai bên Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo- Densavanh; tại cuộc làm việc giữa Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào ngày 7/1/1997, hai bên thống nhất nội dung “Hoàn tất quy chế chợ đường biên và khu vực thương mại tự do Lao Bảo- Densavanh”, “giao cho Chính phủ và Ủy ban Hợp tác hai nước phối hợp nghiên cứu và sớm ban hành các cơ chế, chính sách về vay vốn ưu đãi, miễn giảm thuế, hỗ trợ chi phí nghiên cứu cho một số dự án nhằm tạo môi trường pháp lý và động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước”.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, tỉnh Quảng Trị phối hợp với các bộ, ngành trung ương nghiên cứu, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 219 ngày 12/11/1998 về Quy chế khu vực khuyến khích phát triển và thương mại Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị với nhiều chính sách ưu đãi vượt trội trong đầu tư thương mại. Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11 về “Quy chế Khu Kinh tế- Thương mại đặc biệt Lao Bảo” thay thế Quyết định 219 để phù hợp yêu cầu và bối cảnh mới. Sau hơn 20 năm xây dựng, phát triển, Khu Kinh tế- Thương mại đặc biệt Lao Bảo có kết cấu hạ tầng khá đồng bộ, hình thành diện mạo của khu đô thị biên giới.
Về phía Lào, năm 2002, Thủ tướng Chính phủ Lào ban hành Nghị định số 25 về Khu Thương mại biên giới Densavanh. Năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào có Quyết định số 3266 chuyển Khu Thương mại biên giới Densavanh từ tỉnh Savannakhet quản lý sang Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Savannakhet trực thuộc Bộ Kế hoạch- Đầu tư Lào quản lý.
Để tiếp tục thực hiện Kết luận ngày 7/1/1997 của Bộ Chính trị 2 nước Việt Nam và Lào, cần thiết phải nghiên cứu, có cơ chế thí điểm áp dụng các cơ chế, chính sách mang tính “chung” xuyên biên giới tạo động lực mới, hấp dẫn, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào Khu Kinh tế- Thương mại đặc biệt Lao Bảo và Khu Thương mại biên giới Densavanh. Hiện nay, Chính phủ giao Bộ Công thương nghiên cứu thí điểm xây dựng các khu hợp tác qua biên giới trên tuyến biên giới Việt Nam- Trung Quốc, Việt Nam- Lào. Việc lựa chọn khu vực Lao Bảo- Densavanh để thí điểm xây dựng Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung là phù hợp.
Mục tiêu Đề án là “Xây dựng Khu Kinh tếThương mại xuyên biên giới chung Lao BảoDensavanh” trở thành khu vực có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy hợp tác và phát triển KT-XH hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet, lan tỏa đến sự phát triển kinh tế của hai nước Việt Nam- Lào. Từng bước xây dựng khu vực Lao Bảo- Densavanh trở thành trung tâm hậu cần, trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á và các hành lang giao thông trong khu vực ASEAN, tiểu vùng sông Mêkong (GMS), con đường tơ lụa kết nối Ấn Độ- ASEAN.
Trong ngắn hạn, giai đoạn 2023- 2030, tập trung quy hoạch và đầu tư hạ tầng khu vực cửa khẩu hai nước để phát triển dịch vụ logistics và hình thành 1 khu công nghiệp có quy mô từ 100- 300 ha tại Khu Thương mại biên giới Densavanh, thu hút các dự án đầu tư sản xuất, gia công. Quy hoạch các địa điểm thuận lợi dọc tuyến Đường 9 trong phạm vi Khu Thương mại biên giới Densavanh và Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo để các doanh nghiệp đầu tư hệ thống kho bãi, trung chuyển hàng hóa.
Thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách vượt trội tại Khu Kinh tế- Thương mại xuyên biên giới chung Lao BảoDensavanh để rút kinh nghiệm áp dụng cho các khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới khác trên tuyến biên giới Việt Nam- Lào.
Lựa chọn mô hình Khu Kinh tế Thương mại xuyên biên giới chung
Để đưa ra phương án lựa chọn mô hình, Tổ công tác 626 đã dày công nghiên cứu rất nhiều cơ chế, chính sách, mô hình về khu hợp tác xuyên biên giới; kinh nghiệm thực tiễn phát triển kinh tế biên giới Lào với Trung Quốc, kinh nghiệm từ phát triển kinh tế biên giới Myanmar với Trung Quốc, kinh nghiệm mô hình “Hai nước hai khu” (CBEZ) Trà Lĩnh (Việt Nam)- Long Bang (Trung Quốc), mô hình “hai nước một khu” Trung QuốcViệt Nam do Trung Quốc đề xuất, mô hình CBEZ Hà Tĩnh- Bolykhamxay (Lào) để chọn phương án tối ưu nhất xây dựng Đề án “Xây dựng Khu Kinh tế- Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo- Densavanh”.
Theo đó, Tổ công tác 626 Quảng Trị đưa ra hai phương án để xây dựng đề án. Phương án 1, xây dựng Khu Kinh tế- Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo- Densavanh dựa trên mô hình “hai nước hai khu, có sự thống nhất về cơ chế, chính sách”.
Theo đó hai bên cùng nghiên cứu, xây dựng một khu kinh tế- thương mại xuyên biên giới chung đối xứng về quy mô trên lãnh thổ hai nước có sự kết nối về hạ tầng (kết nối cứng) và chính sách (kết nối mềm), nhưng mỗi bên tự chịu trách nhiệm xây dựng và quản lý khu hợp tác xuyên biên giới trên phạm vi lãnh thổ của mình. Tiến hành xây dựng hàng rào cứng đảm bảo cách ly hoạt động bên trong và bên ngoài tại một số khu vực như khu phi thuế quan, khu vực kho bãi hàng hóa chờ kiểm hóa, cảng cạn (ICD), khu công nghiệp; thực hiện một số chính sách ưu đãi chung, thống nhất về thuế, thủ tục hải quan, thu hút đầu tư…
Phương án 2, theo mô hình hai nước một khu thương mại. Theo Tổ công tác 626, mô hình này chưa phù hợp do sẽ mất nhiều thời gian đàm phán để đi đến đồng thuận giữa lãnh đạo cấp cao 2 nước (Trung Quốc đã từng đề xuất mô hình “Hai nước một khu, tự do thương mại, vận hành khép kín” áp dụng ở biên giới Việt Nam- Trung Quốc nhưng không thực hiện được vì liên quan nhiều vấn đề trong đó có chủ quyền lãnh thổ) nên Tổ công tác 626 đề xuất chọn phương án 1.
Dự thảo đề án cũng đã đưa ra lộ trình phân kỳ đầu tư và nguồn vốn đầu tư cũng như các giải pháp phát triển Khu Kinh tếThương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavanh. Theo đó, giai đoạn 2023 - 2025 chủ yếu đầu tư hạ tầng khu vực cửa khẩu phục vụ hoạt động quá cảnh, logictics và đầu tư hạ tầng 1 khu công nghiệp quy mô từ 100 - 200 ha, đầu tư các kho bãi, trung chuyển hàng hóa. Giai đoạn 2025 - 2030, tiếp tục đầu tư hạ tầng dịch vụ logictics tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavanh theo quy hoạch, dự kiến mở rộng lên 350 ha, mở rộng bãi đỗ xe, xây dựng các kho hàng, bãi trung chuyển hàng hóa. Giai đoạn sau năm 2030, căn cứ tình hình thực tế sẽ xây dựng kế hoạch đầu tư cho phù hợp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác 626 Hà Sỹ Đồng cho biết, việc xây dựng Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavanh không chỉ phát huy, vun đắp truyền thống hữu nghị đặc biệt của hai nước Việt Nam- Lào mà còn là cơ hội quý để khai thác dư địa, tiềm năng của mỗi tỉnh thúc đẩy KT-XH phát triển, củng cố chủ quyền an ninh biên giới, bảo vệ đường biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển của mỗi nước…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)