Thước đo thương mại hàng hóa của Tổ chức thương mại thế giới (WTO)[1] trong tháng 5/2022 cho thấy xung đột ở U-crai-na và các đợt phong tỏa liên quan đến đại dịch gần đây ở Trung Quốc đang làm suy giảm thương mại hàng hóa toàn cầu trong nửa đầu năm 2022.
Giá trị trong tháng 3/2022 của thước đo thương mại là 99,0, vẫn thấp hơn so với giá trị cơ sở 100. Nhiều chỉ số thành phần của thước đo chỉ gần bằng hoặc cao hơn giá trị cơ sở một ít, ví dụ đơn hàng xuất khẩu (101,2), sản phẩm ô tô (101,5), vận tải hàng không (99,9), linh kiện điện tử (103,8) và nguyên liệu thô (99,5).
Trong khi đó, chỉ số vận chuyển container vẫn ở dưới xu hướng (95,0) do tồn đọng hàng hóa tại cảng kéo dài.
Trong tháng 4/2022, WTO dự báo tăng trưởng khối lượng thương mại hàng hóa thế giới là 3,0% cho năm 2022, giảm so với mức tăng 4,7% được dự báo vào tháng 10/2021.
Theo WB, tăng trưởng thương mại toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại, đạt 4% trong năm 2022 do cuộc xung đột ở U-crai-na tiếp tục phá vỡ chuỗi giá trị toàn cầu, hoạt động toàn cầu dần chuyển hướng trở lại khu vực dịch vụ ít gắn kết với thương mại và hoạt động di chuyển quốc tế.
Tăng trưởng thương mại hàng hóa chậm lại trong nửa đầu năm 2022 do chuỗi cung ứng tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tác động kéo dài của đại dịch, gồm gián đoạn ở các cảng lớn của châu Á và tình trạng phong tỏa ở các thành phố lớn của Trung Quốc.
Ngoài ra, xung đột giữa Nga và U-crai-na đã dẫn đến những xáo trộn nghiêm trọng trong hoạt động sản xuất và tiếp vận (logistic). Tuy Nga và U-crai-na chiếm dưới 3% tỷ trọng xuất khẩu toàn cầu nhưng nhiều ngành công nghiệp toàn cầu phụ thuộc vào nguồn cung cấp các mặt hàng quan trọng được sản xuất tại hai quốc gia này, đặc biệt là ở Nga.
Tình trạng thiếu hụt và giá các nguyên liệu đầu vào tăng cao chưa từng thấy đã xảy ra trong các chuỗi giá trị toàn cầu, dẫn đến sản xuất đình trệ và giá sản xuất tăng cao. Ngoài ra, chi phí vận tải tăng lên khi hoạt động hàng hải và thương mại ở Biển Đen bị gián đoạn, ảnh hưởng tiêu cực đến vận chuyển lương thực và dầu thô.
Thương mại dịch vụ đã gần phục hồi như mức trước đại dịch, chủ yếu từ các dịch vụ phi du lịch. Mặc dù hoạt động du lịch đã bắt đầu phục hồi ở các nền kinh tế phát triển có mức độ bao phủ tiêm chủng cao, nhưng nhìn chung hoạt động này vẫn còn khiêm tốn ở các quốc gia đang phát triển và mới nổi, đặc biệt là các quốc đảo nhỏ phụ thuộc vào du lịch.
(Nguồn: Ngày Nay)