Có số lượng không nhỏ trẻ em Lào gặp vấn đề về phát triển toàn diện do thiếu thốn về dinh dưỡng.
Tuần qua, tại thủ đô Vientiane đã diễn ra hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng hoạt động 6 tháng cuối năm của Ban chỉ đạo quốc gia về vấn đề dinh dưỡng do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Lào Sonexay Siphandone cùng Thứ trưởng Y tế Phouthone Meuangpak chủ trì.
Báo cáo về công tác dinh dưỡng của Lào trong 6 tháng đầu năm 2020 được đưa ra tại hội nghị cho biết cứ mỗi 3 trẻ em Lào thì có 1 trẻ, tương đương với gần 300.000 trẻ em của nước này gặp vấn đề chậm phát triển về cả thể chất và trí tuệ.
Theo Thứ trưởng Y tế Phouthone Meuangpak, vấn đề cải thiện dinh dưỡng tại Lào trong vài năm trở lại đây đã đạt được những kết quả tích cực nhất định nhưng tỷ lệ trẻ em chậm phát triển vẫn đang ở mức cao, nguyên nhân là do thiếu nguồn thực phẩm đầy đủ bởi tình hình an ninh lượng thực không ổn định trong bối cảnh vài năm trở lại đây tình hình thiên tai đã ảnh hưởng không nhỏ đến nông nghiệp như lũ lụt, sâu bệnh, và gần nhất là dịch Covid-19.
Cũng liên quan đến vấn đề phát triển chất lượng con người, Chính phủ Lào trong vài năm qua cũng hết sức chú trọng đẩy mạnh cải thiện vấn đề dân số, thông qua hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế.
Theo thống kê dân số LSIS năm 2017 của Lào, tỷ lệ tảo hôn và mang thai ở tuổi vị thành niên tại CHDCND Lào chiếm 42% tổng số trẻ nữ. Theo số liệu năm 2015, Lào cũng có hơn 1 nửa dân số có độ tuổi dưới 25 tuổi, chiếm 53%, mà trong đó cứ 1 trong 4 trẻ gái có độ tuổi 15-19 là đã kết hôn, và chủ yếu kết hôn trước 18 tuổi. Trẻ vị thành niên từ 15-19 tuổi mang thai và sinh con có tỷ lệ 83/1000, trong khi đó, tỷ lệ trẻ nữ từ 15-17 tuổi bỏ học lên đến 41.8%.
Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), một trong các đối tác hỗ trợ Lào trong việc bảo vệ và phát triển trẻ em gái cho biết nếu cung cấp được sự bảo trợ phù hợp cho nhóm trẻ em gái có nguy cơ cao ở Lào, nước này có thể sớm đạt được những mục tiêu phát triển bền vững. Đại diện của tổ chức trực thuộc liên hợp quốc cho biết trẻ em gái tại Lào rất cần nhận được tiếp cận và đáp ứng các nhu cầu cần thiết cho sự phát triển về thể chất và kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Hiện, tại các khu vực nhà máy công nghiệp của Lào, chiếm đa số là lực lượng lao động vị thành niên, có trình độ học vấn thấp, kỹ năng sống hạn chế và hầu như không có khả năng đàm phán để nhận được chế độ chăm sóc sức khỏe giới phù hợp, trong đó bao gồm các biện pháp ngừa thai.
(Nguồn: Tạp chí Việt Lào)